Tiền và gia đình, điều nào quan trọng hơn?

5.00 star(s) 1 Vote
Thành viên
Tham gia
14/1/24
Bài viết
50

Ngày càng có nhiều người, nhất là giới trẻ liều mình ra nước ngoài làm ăn kiếm tiền, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Họ đã phải hy sinh nhiều thứ quý báu của bản thân như sức khỏe, tuổi xuân, ước mơ, tình yêu, hạnh phúc, gia đình và thậm chí chấp nhận cả thương tật do tai nạn nghề nghiệp, hoặc phải bỏ mạng nơi đất khách, quê người.​


phailamgi_Tiền và gia đình, điều nào quan trọng hơn_cv1.jpg

Ảnh: Pinterest

Cái giá phải trả tuy đắt, nhưng bù lại, sự ấm no và dư dật luôn hấp dẫn, cuốn người ta vào. Quả thế, trên đất nước Việt Nam hôm nay, nhất là tại những miền quê đất đai cằn cỗi, kinh tế không thể phát triển, đói nghèo quanh năm, những gia đình nào có con em đi nước ngoài lao động cũng tạo nên dấu ấn thật ấn tượng so với những gia đình khác: kinh tế vững vàng, đời sống trở nên khấm khá, nhà cửa được xây dựng khang trang, sắm sửa được nhiều tiện nghi…

Để thực hiện mục tiêu đề ra, kiếm càng nhiều tiền càng tốt, họ đã phải lao động ngày đêm, hết sức chăm chỉ vì sợ mất việc, cố gắng tăng ca để có thu nhập khá hơn, dè sẻn chi tiêu đến mức tối thiểu, nên tiết kiệm được nhiều tiền hơn so với người bản xứ, để gởi về gia đình. Ngay cả những bạn nào có công ăn việc làm trong nước cũng có tâm trạng như vậy. Sự dấn thân và hy sinh của họ cho mục đích thiết thực ấy thật cao quý, nhưng nó thật sự có cao quý hơn những giá trị khác mà họ đã xem nhẹ hoặc lãng quên?

phailamgi_Tiền và gia đình, điều nào quan trọng hơn_cv2.jpg
Ảnh: getgoally.com

Dù trong nước hay ở nước ngoài, họ cũng phải làm việc quần quật. Con cái, hoặc gởi cho ông bà chăm sóc, hoặc đưa đi nhà trẻ ngay từ ấu thơ. Một tệ nạn dai dẳng cho thấy dường lối giáo dục của ngành giáo dục hiện nay không có triết lý và định hướng toàn diện, rõ rệt và thiết thực, cộng với sự ‘hoang tưởng” của nhiều bố mẹ đã hy sinh tuổi thơ của con cái, hàng ngày sau giờ lên lớp, lại tất bật đưa đón con học thêm các loại. Chẳng có thời gian nghỉ ngơi, trò chuyện, vui chơi với con cái để củng cố mối tương quan tốt, ngoài việc chỉ quan tâm tới thành tích học tập của chúng, hay chỉ nhắc nhở chiếu lệ. Thế nên lúc phát hiện ra con cái hư hỏng, lúc bị người ta bắt đền, đòi nợ, chỉ biết phân bua: “Ở nhà cháu nó ngoan lắm!” Không biết có bố mẹ nào đã hỏi xem con cái chúng muốn gì, muốn bố mẹ thế nào, muốn gia đình ra sao?

Dù con cái cố gắng đạt thành tích học tập tốt để cho bố mẹ vui lòng, nhưng chúng luôn cảm thấy lạc lõng và cô đơn. Chúng cảm thấy tiền là điều bố mẹ quan tâm nhất, hơn cả việc học, bạn bè, thày cô và những mối quan tâm khác của chúng. Để khích lệ và trấn an con cái, bố mẹ thường bảo là vì con cái nên phải “hy sinh đời bố, củng cố đời con” Nhưng đó có phải là điều chúng mong muốn?

phailamgi_Tiền và gia đình, điều nào quan trọng hơn_1.jpg
Ảnh: Canva

Cuộc đời ngắn ngủi với nhiều bất trắc nằm ngoài dự liệu. Nếu bố mẹ vịn cớ là vì tương lai của gia đình, mà hy sinh gia đình của hiện tại để kiếm tiền; vịn cớ là vì tương lai con cái, mà hy sinh con cái trong hiện tại, để kiếm tiền, rõ ràng là lý không vững và tổn thất gây ra không biết phải bù đắp thế nào cho xứng! Mặt khác, điều đó cho thấy suy nghĩ của bố mẹ coi trọng công việc, tiền bạc hơn đời sống gia đình. Tiền nhiều như vậy để làm gì, có nhiều hơn nữa, ý nghĩa gì đâu?

Một đứa trẻ dù nắm vững tri thức, đạt thành tích cao trong các kỳ thi, nhưng thấy cứ lóng ngóng thế nào ấy. Sự hiểu biết vô cùng phiến diện, không được dạy dỗ kỹ lưỡng về đạo đức, không biết đối nhân xử thế, ắt sẽ dẫn tới sự ích kỷ và dửng dưng, không có kỹ năng sống, không biết phân định đúng sai – hay dở, làm sao có thể trưởng thành, vững vàng trước những sóng gió cuộc đời, biết chọn lựa cách sống để tự lập, để tồn tại!?

Như một vòng xoáy vô hình mà khắc nghiệt cuốn người ta vào. Bao nhiêu nỗi lo toan chỉ bấy nhiêu sự cứ lặp đi lặp lại không dứt. Tầm nhìn của bố mẹ vẫn luôn đơn giản hóa mọi vấn đề, chỉ nhìn về cái lợi trước mắt, bỏ quên hiện tại, hy sinh sức khỏe, tích lũy tiền bạc để lo cho tương lai, một tương lai “không hình thù” của chính mình và của con cái.​

Phải làm gì?​

Docat 149: Đâu là mối liên hệ giữa lao động và đời sống gia đình?

Thường thường trông có vẻ như thể thế giới công việc và đời sống gia đình phát sinh những đòi hỏi mâu thuẫn và không thể dung hoà với nhau. Tuy vậy, lao động góp phần tạo ra cơ sở vật chất và luân lý cho đời sống gia đình. Tiền lương đảm bảo cho gia đình sinh sống, và cha mẹ có việc làm là một mẫu gương quan trọng cho những đứa con đang tuổi lớn. Tuy nhiên, đối với nhiều người, sắp đặt sao cho cân bằng giữa nghề nghiệp và gia đình chẳng phải là chuyện dễ dàng. Điều này càng đúng đối với trường hợp cả cha lẫn mẹ đều muốn hay phải theo đuổi một nghề nghiệp. Vì thế, các chủ doanh nghiệp, công đoàn, và các chính sách của chính phủ phải cố gắng hợp sức để triển khai những mô hình việc làm mới mẻ, uyển chuyển, có thể kết hợp nghề nghiệp và gia đình cách thực tiễn hơn.​
 

Từ tình trạng giao thông ...

1:4174 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên