Thành viên
Tham gia
25/2/24
Bài viết
7

“Đây là một chia sẻ, mà có lẽ các bạn sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận và mong muốn thấu triệt, bởi những điều nằm trong nó diễn tả những khủng hoảng mà khi ta trải qua ta mới có thể dễ dàng cảm nhận được nó. Tôi không có viết lên một tư tưởng giáo điều hay một ý thức hệ cao siêu, tôi hy vọng viết một tấm gương ngôn từ để nhìn vào câu chữ bạn sẽ thấy bạn trong đó.”​

Tục Sỹ Thạch Vũ​

phailamgi_Quên Chúa, nhưng đừng đánh mất Chúa_cv1.jpg


Khi ta quên một điều gì đó hay một vật gì trong cuộc sống, thứ đó có còn thuộc về ta không? Quên chiếc điện thoại ngoài quán nước, quay lại, điện thoại mất tiêu, nó đã sang tay một người khác và ta có lý do thay điện thoại mới. Đấy là vật chất, còn giả dụ như tinh thần, ta quên mất hôm nay là sinh nhật bạn gái, bạn gái bạn có thể trở thành bạn gái người khác nhưng ngày sinh vẫn vậy, nó vẫn là ngày hôm đấy - hãy cẩn thận. Một người trước đây là bạn thân của ta hồi trẻ, vì thời gian, vì tuổi tác, ta quên mất người đó khi gặp lại và rồi khi nhớ ra, ta sẽ nhận ra trí não ta vẫn lưu giữ những kỷ niệm với con người đó. Vậy nên hành động quên ở đây ta có thể nhìn nhận như một trạng thái của ta đang không ý thức được một thông tin nào đó được lưu trữ.

Quên ví tiền, quên vé xe, quên khóa cửa, quên mật khẩu máy tính, trạng thái quên khiến ta không làm một việc ta vốn dĩ cần phải ý thức sẽ phải thực hiện. Có những lúc, ta quên đồ vật hay quên làm một điều gì đó, đồng nghĩa ta nhận lại là không có cơ hội để tiếp tục sở hữu hoặc đạt được điều mình muốn. Quên ví tiền, ta không thể mua được cafe sáng, quên khóa cửa sẽ tạo cơ hội cho tên trộm vào nhà lấy đồ, quên làm bài tập sẽ khiến học sinh nhận điểm kém. Nhưng rồi ta, với thân phận con cái Chúa sẽ đôi lúc nhận ra ta quên mất Chúa trong tiềm thức, như quên một ai đó ta quen biết, quên một điều gì đó gần gũi mà rất lâu sau đó ta mới có thể ý thức được và hoảng hốt đi tìm lại.

phailamgi_Quên Chúa, nhưng đừng đánh mất Chúa_cv2.jpg


Quên mất một vật, nếu đánh mất nó ta vẫn có thể thay thế bằng một vật khác, quên mất một người, ta vẫn có cơ hội nhớ ra để ý thức sâu hơn về người đó. Nhưng quên Chúa trong cuộc sống thì không phải ai cũng dễ dàng nhận ra, cũng chẳng có gì thay thế nên buộc phải đi tìm lại. Quên là một trạng thái ta không ý thức, nhưng khi ta nhận ra ta quên, đó là lúc ta nhớ ra điều gì đó có trong trí nhớ chính mình. Quên Chúa không cố ý, ngồi vào bàn ăn quên mất làm dấu đọc kinh, tôi không phải nhà thần học hay có đủ suy tư để khẳng định của ăn ấy có được thánh hóa hay không, dù rằng chắc chắn nó làm ta no bụng. Khi ta vì một lý do nào đó, vô tình làm một điều xấu như trộm cắp vặt hay nói xấu một ai như bản tính xấu trong ta, nếu lúc đó ta ý thức được sự hiện diện của Chúa liệu ta có làm điều xấu đó không?

Chúa, là con đường, là sự thật và là sự sống, quên Chúa là khi ta không ý thức được điều Chúa dạy, quên Chúa là khi ta không ý thức được điều Chúa muốn và quên Chúa là khi ta không tôn trọng chính ta lẫn mọi người trong cuộc sống hàng ngày đầy cám dỗ. Chúa không phải một món đồ vật khi ta quên ở bến xe, người khác có thể nhặt lên đem về dùng, Chúa cũng không phải là một con người xa lạ nhiều năm không gặp để rồi khi bước vào nhà thờ nhìn tượng Chúa ta không biết ngài là ai, Chúa không phải một thông tin, một sự kiện hay một kiến thức nào đó ta tiếp thu ngoài xã hội nhưng khi quên ta mất đi cơ hội hôm để đưa điều đáng ra cần nhớ vào cuộc sống của chính ta. Quên Chúa và khi nhận ra mình quên Chúa, ta cần đi vào không gian của suy tư thần học và sự siêu hình đầy khó hiểu để nhận ra câu hỏi “Chúa là gì?”. Khi nhận lãnh, khi quên mất và khi tìm lại, ta vẫn đang trên một hành trình tìm kiếm gương mặt Chúa.

phailamgi_Quên Chúa, nhưng đừng đánh mất Chúa_1.jpg


Quên Chúa, đôi khi có những lúc ta quên mất thân phận Kitô hữu của ta và phạm vào những điều đáng ra người Kitô hữu không được làm. Nhưng khi ta ý thức về Chúa, ta vẫn phạm đủ thứ tội to nhỏ, lúc này đây thay vì ta quên Chúa ta đánh mất Chúa dẫu rằng ta nhận ra Chúa vẫn trong ý thức của ta. Đó là điều khác biệt, một nghịch lý thần học lớn lao nhất hôm nay tôi nhận ra, Chúa hiện hữu trong ta không có nghĩa là ta có Chúa. Chúa hiện hữu trong Giu Đa, và Giu Đa bán Chúa lấy ba mươi đồng bạc. Chúa hiện hữu trong tâm trí của Phêrô và Phêrô chối Chúa ba lần. Một linh mục nhiều tuổi, cha Micae Giáo Phận Vinh đã chia sẻ với tôi rằng ngài tiếc cho sự thống hối của Giu Đa, một sự thống hối rất trần tục, ăn năn và tuyệt vọng. “Giu-Đa sẽ là một vị thánh quan trọng, giá nếu như ông trở về với anh em, và bằng lòng thương xót Chúa, Chúa sẵn sàng tha hết mọi sự. Giu đa có Chúa ở bên nhưng ông vẫn đánh mất Chúa, vì không tin Chúa sẽ Phục Sinh. Còn với Phêrô, sau ba lần chối Chúa, ông thống hối bởi ông nhận ra, đôi khi là Tông Đồ ông vẫn quên đi niềm tin của mình dành cho Chúa, quên đi điều Chúa tiên tri nơi ông và điều ông tuyên xưng cùng Chúa. Gà gáy ba lần, Phêrô tìm lại được Chúa, dù rằng khi ấy Chúa vẫn trong tay quân Do Thái.”

phailamgi_Quên Chúa, nhưng đừng đánh mất Chúa_2.jpg


Đôi khi ta ham vui, đôi khi ta vội vã, cuộc đời thì náo nhiệt và xô bồ. Hơn thế, xã hội Việt Nam là một xã hội giao thoa bởi nhiều nền tảng văn hóa. Ta dễ dàng thấy một ông Tây ăn thịt chó ở Hà Nội, một bạn trẻ hát nhạc ngoại quốc ở công viên, và vô vàn những chồng chéo các nền tảng văn hóa đang phơi bày trong cuộc sống, đẹp có xấu cũng có, tốt có, dở cũng có. Là người Kitô hữu, tôi tin rằng không chỉ ở Việt Nam, toàn thế giới ai cũng tin sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng đôi khi có những người và cả chính tôi quên mất mình là người Công Giáo, quên mất mình có Chúa đồng hành. Ta quên Chúa, không có nghĩa Chúa cũng quên luôn cả ta. Nhưng đừng như Giu đa, ông có Chúa, nhưng chính ông đánh mất Chúa, dẫu rằng Chúa vẫn ở bên ông. Xin cho chúng con như Thánh Phêrô, nghe được tiếng gà gáy sáng hàng ngày để nhận ra mình có Chúa, nhận ra Chúa luôn gìn giữ và quan phòng mọi sự, dù lúc an nhàn và cả khi nguy nan. Amen!​

  • Ảnh trong bài: Canva
 

Người trẻ nói gì về Loan Báo Tin Mừng?

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên