Tổng giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền: Vị mục tử can trường

4.30 star(s) 4 Votes
Behold God’s Providence
Tham gia
17/12/23
Bài viết
1,175

Ngày 08/06/1988, tin Đức Tổng Giám mục Phi-líp-phê Nguyễn Kim Điền đột ngột qua đời vào khoảng 13 giờ trưa tại Bệnh viện Chợ Rẫy, để lại nhiều thương tiếc và một vài “nghi vấn về một vụ đầu độc” cho đến tận hôm nay.​


phailamgi_Kính nhớ vị mục tử can trường Tổng giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền_cv1.jpg

TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền - TGM TGP Huế. Ảnh: cuucshuehn.net

Đôi dòng tiểu sử​

Đức Tổng Giám mục Phi-líp-phê Nguyễn Kim Điền sinh ngày 13/3/1921 tại Gia Định, là con thứ tư trong một gia đình có 7 người con. Ngài được thụ phong linh mục ngày 21/09/1947. Năm 1955, ngài gia nhập Dòng tiểu Đệ Chúa Giêsu và qua Châu Phi sống với các tu sĩ của Dòng tại sa mạc Sahara.

Năm 1957, ngài trở về Việt Nam, sống ẩn dật với anh em, lúc ở khu Bàn Cờ, đạp xe ba gác; lúc ở khu vực Cầu Muối, làm phu khuân vác ở bến cảng. Có thời gian, ngài lên Kala, Di Linh, Lâm Đồng, giúp đồng bào Thượng.

Năm 1959, ngài về Bình Thủy, Cần Thơ, dựng một căn nhà lá, lãnh trách nhiệm hướng dẫn đời tu cho những anh em trẻ mới nhập Dòng.​

Vị giám mục của đối thoại​

Ngày 24/11/1960, Tòa thánh thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, với 3 giáo tỉnh Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Ngày 28/12/1960, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa Cần Thơ, thay thế Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình.

Ngài đã viết về biến cố này trong bút tích: "Hôm nay, tôi báo cho anh chị em một tin buồn, tôi được chọn làm Giám mục Cần Thơ, thế Đức cha Bình trở thành Tổng Giám mục Sài Gòn, vì Hội đồng Giám mục được thiết lập tại Việt Nam. Một Tiểu đệ được chọn làm giám mục! Chân thành mà nói, tôi khổ tâm và không thể hiểu nổi. Đại diện Giáo quyền nói rằng, tôi không thể khước từ. Tôi xin chấp nhận sứ mạng này như lời mời gọi đón nhận thánh giá..." (Nhóm linh mục Nguyễn Kim Điền, Đức Tổng Giám mục P. Nguyễn Kim Điền Chứng nhân của Sự thật và lẽ phải (1921-1988), Bản Phôtô, tr. 93)

Những năm ở Cần Thơ, trong tư thế là một Giám mục dòng Tiểu Đệ sống linh đạo "hiện diện với Chúa và với nhân loại", cùng với việc chọn khẩu hiệu Giám mục "Mọi sự cho mọi người" (Omnia omnibus), ngài đã tiếp tục các dự án dành cho người nghèo mà ngài đã khởi sự trước đó.

Ngày 30/9/1964, ngài được đặt làm Giám quản Tổng Giáo phận Huế thay Đức Tổng Giám mục Phêrô Ngô Đình Thục phải sống lưu vong và được Tòa thánh đặt làm Tổng Giám mục Tổng giáo phận Huế 4 năm sau đó (11/3/1968).

Nhận Tổng giáo phận Huế trong một bối cảnh chính trị hết sức nhạy cảm sau cuộc đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ của ông (11/1963), suốt 11 năm từ năm 1964-1975, ngài đã khéo léo chèo lái con thuyền Giáo phận vững vàng giữa nhiều xung đột do các khuynh hướng chính trị khác nhau.

Trong bối cảnh đó, ngài không chỉ đối thoại với người nghèo, thực hiện nhiều chương trình trợ giúp họ, mà ngài còn tích cực đối thoại với các tướng lãnh của nền Đệ nhị Cộng hòa, chọn tách mình ra khỏi đời sống chính trị; đặc biệt là đối thoại với các anh em Phật Giáo.

Ngài luôn kính cẩn trong mối tương giao với các tu sĩ Phật Giáo. Tại Huế, nhóm Hướng Thiện Phật Giáo, một tổ chức từ thiện nổi tiếng ở Huế luôn coi ngài là vị bảo trợ tinh thần.​

phailamgi_tgm philipphe nguyen kim dien.jpg

Ảnh: cuucshuehn.net

Dám chết vì Tin Mừng​

Thế rồi, thời cuộc đổi thay! Ngày 26/3/1975, Huế thất thủ. Ngày 1/4/1975, Ủy ban Quân quản tỉnh Thừa Thiên đã mời ngài tham dự mít tinh để chào mừng ngày Huế "giải phóng."

Trong tư cách của người đứng đầu Tổng Giáo phận Huế, vốn bản chất khiêm tốn, hiền hòa và khả ái, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền đã bày tỏ thiện chí và một thái độ chân thành hợp tác với chế độ mới. Không những thế, ngài còn vui mừng và tha thiết kêu gọi mọi thành phần dân Chúa Tổng giáo phận dẹp bỏ mọi thành kiến, nghi kỵ để cộng tác với chính quyền cách mạng cùng nhau xây dựng lại quê hương giầu mạnh (x. Thư Chung ngày 01/04/1975).

Tuy nhiên, chưa đầy hai năm sau, chứng kiến các cơ sở của Giáo hội lần lượt bị chiếm đoạt, mượn tạm cách bất hợp pháp, các linh mục bị ngăn cản làm mục vụ, chủng viện bị giải thể…đặc biệt, sau khi chứng kiến các vi phạm về quyền tự do tôn giáo cách hệ thống không chỉ đối với Công giáo mà cả đối với các tôn giáo bạn, ngược hẳn với những gì nhà cầm quyền đã bảo đảm trước đây, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền đã mạnh mẽ lên tiếng cách công khai ngay tại Ủy ban Nhân dân Bình Trị Thiên, ngày 15/4/1977, về quyền tự do tôn giáo, về những vi phạm của nhà cầm quyền, về những đối xử bất công của nhà cầm quyền đối với các tôn giáo, nhất là việc nhà nước bắt giữ 6 nhà sư thuộc Phật Giáo Việt nam Thông nhất tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn. Những phản đối của ngài sau đó còn được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân Chúa.

Kể từ đây, mỗi khi có dịp gặp mặt chính quyền, và nếu cần bằng các văn bản, ngài mạnh mẽ lên tiếng tố cáo những sai phạm trong quản lý nhà nước về tôn giáo, đồng thời, bày tỏ quan điểm của ngài đối với tệ trạng tự do tôn giáo.

Riêng đối với Ủy ban Đoàn kết, bằng văn thư và bằng những lời huấn dụ nghiêm khắc, ngài đã công khai cấm các linh mục thuộc quyền tham gia ủy ban này. Ngày 19/10/1983, ngài đã viết thư cho linh mục Nguyễn Thế Vịnh, Chủ tịch Ủy ban Liên Lạc Công giáo toàn quốc, lên án Ủy ban đã tiếm quyền Hội đồng Giám mục và khuyên vị linh mục này, cùng các linh mục tham gia Ủy ban, quay về vai trò của một linh mục trong Giáo hội, đừng để mình bị lợi dụng làm công cụ phá hoại Hội Thánh.

Tất cả các hành động này của vị chủ chăn Tổng Giáo phận Huế đã trở thành một thách thức nghiêm trọng đối với đảng và nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam lúc bấy giờ. Ngày 05/04/1984, ngài nhận được giấy mời “làm việc” của Sở Công an Bình Trị Thiên. Và những buổi làm việc như vậy kéo dài suốt 120 ngày và chỉ tạm kết thúc vào ngày 15/10 năm ấy.​

phailamgi_tgm philipphe nguyen kim dien 2.jpg

Chân dung TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền. Ảnh: VNTB

Bản di chúc thiêng liêng​

Hai ngày sau khi “tạm thời không bị mời đi làm việc”, ngày 17/10/1984, Đức Tổng Philipphê Nguyễn Kim Điền đã viết một Thư chung gửi đến cộng đoàn dân Chúa Tổng Giáo phận , trước là để cảm ơn mọi người đã cầu nguyện cho ngài được vững tâm trong sứ mạng làm chứng, sau là tường trình lại cho cộng đồng dân Chúa nội dung của 120 ngày bị mời làm việc tại Sở Công an Bình Trị Thiên.

Dĩ nhiên, việc ngài bạch hóa những gì Sở Công an Bình Trị Thiên đã “làm việc” làm cho chế độ không hài lòng và tìm mọi cách gây khó khăn cho ngài. Họ dùng đủ mọi ngón nghề của cái gọi là “nghiệp vụ” để cô lập ngài. Thấy trước viễn cảnh có thể bị tù đầy, bị giết chết bất cứ lúc nào, ngày 19/10/1985, từ Nhà chung Huế, ngài đã viết Thư chung gửi toàn thể mọi thành phần trong Tổng Giáo phận bày tỏ nỗi vui mừng vì được Chúa gọi "để chịu tù ngục, chịu chết vì bênh vực nhân quyền và công lý"; đồng thời, cẩn thận căn dặn mọi người: "khi tôi bị bắt rồi, thì xin mọi người đừng tin lời khai nào, dù có kèm theo chữ ký mà người ta kể là của chính tôi".

Cẩn thận hơn, ngày 8/11/1985, vị chủ chăn Tổng Giáo phận Huế đã viết Bản Di chúc thiêng liêng gói gọn tấm lòng của một vị mục tử nhân lành luôn trung thành với Thiên Chúa và chuẩn bị cho ngày phải chịu bắt bớ vì chính đạo. Trong bản Di chúc, ngài kêu gọi các linh mục dưới quyền hãy can đảm chu toàn bổn phận chủ chăn, luôn can đảm và trung thành với Giáo hội trong mọi cảnh huống khó khăn, nguy hiểm trước mặt:​

“Tôi cám đội ơn Chúa đã thương chọn tôi làm con Chúa, linh mục và giám mục trong Hội thánh của Người, cho dù tôi bất xứng.
Tôi không muốn có ước muốn riêng nào về sự chết và cuộc tẩn niệm hay chôn cất xác tôi. Sao cũng được, tùy thánh ý Chúa và sự liệu định của anh em linh mục giáo phận, vì tôi chẳng đáng chi cả.

Tôi không có gì để nhắn nhủ anh em linh mục Huế cách đặc biệt, trừ ra xin phép được khuyên các ngài hãy can đảm tỏ ra trung thành với Hội thánh trong mọi hoàn cảnh, sống đoàn kết trong linh mục đoàn và sống trọn vẹn bổn phận chủ chăn nhân hiền.

Tôi cám ơn linh mục trong giáo phận đã nhẫn nại chịu đựng tôi và tận tâm cộng tác với tôi. Những ai mà tôi vô tình hay vì bổn phận đã làm mất lòng thì xin tha lỗi cho tôi. Phần tôi, tôi không buồn phiền một ai cả. Xin mọi người cầu nguyện cho tôi.

Về tiền bạc, tôi không mắc nợ ai. Nếu như ai có thấy đang thiếu tôi vật gì, thì tôi vui lòng tha hết cho.

Các vật dụng, sách vở và tiền mặt tôi đang có thì tôi chối lại hết cho Tòa Giám mục Huế.

Một lần nữa, tôi cám đội ơn Chúa và xin tạm biệt mọi người, hẹn nhau trên nhà Cha”​

Huế, ngày 08/11/1985
Philiphe Nguyễn Kim Điền
ký tên và đóng dấu.​

phailamgi_Kính nhớ vị mục tử can trường Tổng giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền_cv2.jpg

Lễ giỗ TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền tại một giáo xứ. Ảnh: cuucshuehn.net

Lên đường về nhà cha​


Những ngày cuối tháng Năm năm 1988, ngài đau nặng và được đưa vào điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn.

Ngài đột ngột qua đời vào khoảng 1 giờ trưa, ngày 08/06/1988. Ngài ra đi giữa lúc cả hệ thống chính trị Việt Nam đang "lên đồng" tấn công Giáo hội Công giáo về vụ tuyên thánh các thánh Tử đạo Việt Nam.

Có những nguồn dư luận cho rằng, Đức Tổng Giám mục Phi-líp-phê Nguyễn Kim Điền đã bị đầu độc chết! Điều này không thể xác minh nhưng chắc chắn, những hy sinh của ngài đã không vô ích. Trái lại, Giáo hội Việt Nam hôm nay phải mang ơn ngài: vị mục tử can trường đã một mình dám đương đầu với những khó khăn để bảo vệ sự thật và công lý.​

  • Lm Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong C.Ss.R
 

Sức sống mới từ những thay đổi mới của Đức tân Giáo hoàng Leo XIV

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên