- Chủ đề Author
- #1
Gần đây, Thượng hội đồng giám mục đã được triệu tập để cùng nhau suy tư và thảo luận hướng đến một Hội Thánh Hiệp Hành ( cùng nhau hiệp thông, tham gia và sứ vụ). Đức thánh Cha Phanxico cũng nhấn mạnh: “con đường Hiệp Hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba”. Vậy, chúng ta hãy cùng nhau bàn luận về chủ nghĩa giáo sĩ trị và hội thánh hiệp hành – 2 mô hình, cơ cấu hoạt động trái ngược nhau giữa lòng Hội Thánh Việt Nam.
Trước tiên, chúng ta phải hiểu : chủ nghĩa giáo sĩ trị là 1 hệ thống hoặc cách tiếp cận mà quyền lực và ảnh hưởng quá mức tập trung trong tay các giáo sĩ. Điều này dẫn đến tình trạng ưu tiên quyền lực của giáo sĩ trong việc ra quyết định, quản lý cộng đồng và các hoạt động của giáo hội, đồng thời có thể dẫn đến sự thiếu cân bằng quyền lực giữa giáo sĩ và giáo dân. Vô hình chung làm cho giáo dân mất đi tiếng nói, thiếu tự do, độc lập và bị kìm hãm suy nghĩ phản biện, sáng tạo.
Giáo hội Hiệp Hành nghĩa là “ đồng hành cùng nhau”, đề cao việc tất cả mọi thành viên trong Giáo hội cùng nhau tham gia các tiến trình đối thoại, quyết định và phân định đòi hỏi sự lắng nghe lẫn nhau, tôn trọng và chia sẻ trách nhiệm, giúp Giáo Hội có tính minh bạch hơn, dân chủ hơn để nghe Chúa Thánh Thần hướng dẫn – Đấng mà Chúa Giê-su đã nói như “ gió thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu” (Ga3,8). Hội Thánh Hiệp Hành là hội thánh “ra đi”, hội thánh truyền giáo, luôn mở rộng cửa.
Nhưng để có thể chuyển hướng, ta cần phải thay đổi ở trong mỗi giáo xứ vì giáo xứ như là 1 tế bào của Giáo Hội. Theo nghiên cứu khoa học, thì tế bào là đơn vị căn bản của sự sống và bệnh tật, muốn nghiên cứu bệnh, cần phải nghiên cứu tế bào. Vì vậy, để biết được căn bệnh của Hội thánh Việt Nam, chúng ta cùng nhau suy tư và thảo luận mối quan hệ giữa cha xứ và giáo dân, đời sống sinh hoạt tôn giáo trong giáo xứ như thế nào?
Tôi nhớ như in 1 lần tôi đi xưng tội ở quê nhà. Khi nghe đến đoạn “chưa xưng tội gần 2 năm” mà ông cha xứ đã không cho tôi xưng tội tiếp với lý lẽ: “ lâu như vậy thì có nhớ hết tội không? Và có hỏi tôi về những điều cần làm khi xưng tội, rồi xưng tội xong thì có ăn năn dốc lòng chừa không? Và cha đưa cho tôi 1 cuốn nói về các kinh trước khi xưng tội. Và thế là tôi bị mời ra tòa giải tội và người khác thế vào. Lúc đó tôi vô cùng sững sờ và lo sợ. Có lẽ nào đó là ý Chúa? Cha nói đúng: tôi làm sao có thể nhớ hết mọi tội trong thời gian 2 năm đó, rồi thì làm sao biết không tái phạm lần nữa trong tương lai và có thể cha cũng muốn mình xét mình kỹ hơn nữa, tôi không biết rõ nữa. Nhưng khi về suy đi nghĩ lại, tôi lại băn khoăn, chẳng lẽ mình không đi xưng tội nữa chỉ vì mình có nhớ hết mọi tội hay vẫn tái phạm những tội lỗi, sai lầm quen thuộc.
Hơn nữa, tôi cảm nhận hình như theo Đạo chỉ là việc đến nhà thờ đi lễ, đọc kinh, tham gia hội đoàn, các hoạt động trong nhà thờ mà thiếu đi những hành động bên ngoài như làm từ thiện, hoạt động tình nguyện.. Tôi nhớ đến câu nói của Albert Schweitzer: “ Ai nghĩ rằng mình là Ki-tô hữu chỉ vì mình đến nhà thờ thì thật là sai lầm. Dù gì đi nữa, bạn không thể nào là một chiếc ô tô đúng nghĩa nếu bạn cứ ở mãi trong gara xe”.
Vậy phải chăng chúng ta nên có một “Hòm Thư Góp Ý” hay một ban, hội nào đó ở trong mỗi giáo xứ - là nơi mà giáo dân cam kết nói lên nỗi lòng của mình, lên tiếng nói lương tâm mách bảo và đời sống đạo cũng như những sáng kiến đóng góp cho giáo xứ và cha xứ. Và những thư từ này sẽ được gửi lên tòa giám mục để giáo phận hiểu được nỗi lòng con chiên của mình, để cha xứ mỗi lần đi tĩnh tâm đọc để biết mình có nỗi lầm gì không? Như thế thì Giáo Hội sẽ tạo một môi trường tự do, dân chủ hơn, mới tạo ra sự thay đổi, canh tân, mới tạo ra những con người tự do, suy nghĩ độc lập, có quyền tự do ngôn luận – điều mà Giáo hội vẫn thường giảng dạy và lên tiếng ở trong xã hội.
(Trên đây là những suy nghĩ cá nhân, chắc chắn bài viết còn nhiều thiếu sót rất mong mọi người cùng nhau thảo luận để chúng ta trở nên hiểu biết hơn vì chỉ có trong đối thoại, tranh luận mà khôn ngoan mới xuất hiện. Bài viết tôi không có ý phủ nhận là có rất nhiều cha xứ, giáo xứ có đời sống đạo tốt, hoạt động hiệu quả, làm sáng danh Chúa cho mọi người noi theo)
Cùng chủ đề