Thành viên
Tham gia
4/1/24
Bài viết
37

Từ kinh nghiệp quý báu của một doanh nhân Công giáo thành đạt.​

Chủ tịch Minh Anh, cái tên mà ông tự đặt cho cuộc phỏng vấn này, là chủ tịch một doanh nghiệp thành công tại Việt Nam. Thành Tâm mong muốn cung cấp riêng cho các độc giả của phailamgi.com, đặc biệt những bạn đang, hay muốn khởi nghiệp bằng kinh doanh những kinh nghiệm cụ thể trong kinh doanh của ông. Những điều ông Minh Anh kể là câu chuyện thật của đời ông, trừ vài nội dung cá nhân do Thành Tâm sửa lại chút ít để giữ sự riêng tư cho ông.

Câu chuyện khá dài, từ kinh nghiệm kinh doanh, đến triết lý cuộc sống, đức tin của ông, và đáng chú ý nhất là về Giáo huấn Xã hội Công giáo. Thành Tâm tách thành những phần chuyên biệt.​

phailamgi_Nói với người khởi nghiệp_cv1.jpg
Ảnh: Headway/Unsplash

TT: Thưa ông, ông đã có bao nhiêu năm kinh doanh và đã đạt được những gì?

Ô. Minh Anh: Hơn 30 năm. Kinh doanh trước hết là tiền (cười). Một đống tiền. Có thể không phải kiểu “đại gia” mà anh thường đọc được trên báo, nhưng đủ cho chúng tôi, các con sau này, và những người chúng tôi chia sẻ. Có điều, kinh doanh không phải chỉ là tiền. Nó từng là chính cuộc sống. Và hiện nay là một phần của chính con người tôi: tính hiệu quả, triệt để, óc tổ chức, cách giao tiếp nhân bản, đặc biệt là tinh thần chia sẻ đối với người khác, sự cảm thông khi cộng tác viên phải vượt khó khăn trong cuộc sống riêng tư, để cùng vật lộn với tôi ít nhất 8 tiếng một ngày trong công ty… Tất nhiên, niềm đam mê của tôi cũng được thỏa mãn. Nhưng trên hết, tôi nhận ra là tôi tìm thấy Chúa trong cuộc sống kinh doanh…

TT: Còn mất?

Ô. Minh Anh: Cũng không phải ít: tôi “mất” mấy đứa con. Chúng sống hiện nay không theo cách tôi nhìn về cuộc sống đạo đức Ki-tô giáo. Chính chúng cũng đang đau khổ. Đứa thì trầm cảm vì từng cảm thấy bị bỏ rơi, đứa thì sống chỉ biết làm chí chết, gần “già” rồi mà vẫn không lập gia đình, đứa đang học giỏi về kỹ thuật, thì lại chuyển ngành 2,3 lần, cuối cùng đi học triết và sống lang bạt. Nhưng trên hết, chúng “xa” gia đình tôi, và đều không cảm thấy gia đình là bến bờ cho giông bão, không thấy Chúa là niềm bình an… Tôi đã có quá ít thời gian cho chúng, cho sự lắng đọng để nhìn và hiểu chúng và để uốn nắn chúng từ nhỏ. Không biết tôi có mất chúng mãi mãi không. Tôi chỉ còn nhờ vào Đức Mẹ, từng là một người mẹ trong gia đình giúp tôi, lôi chúng trở về thôi…

phailamgi_Nói với người khởi nghiệp.jpg
Ảnh: Andy Li/Unsplash

TT: Có vẻ như các doanh nhân thành đạt cũng đều mất nhiều thứ. Nhiều người tan vỡ gia đình…

Ô. Minh Anh: Đúng vậy,bỏ ra ngoài quan niệm lệch lạc vật chất là quyết định, là tất cả, thì sai sót chính ở chỗ họ thiếu định tâm, phản tỉnh để nhận ra những việc thiết yếu khác trong cuộc sống, có khi còn quan trọng hơn cả tiền bạc. Họ phải văng hết mình vào kinh doanh, tinh thần và thể xác, thời gian, vốn liếng (vì nó rất khốc liệt) và rất nhiều trường hợp bị vong thân. Họ sẽ rất cần người vợ giúp đỡ nhiều… Các bạn đang khởi nghiệp cần lưu ý điều này ngay từ đầu. Nên cố tránh những sai lầm của tôi…

TT: Nhưng điều rất lạ là ông thấy Chúa trong cuộc sống kinh doanh?

Ô. Minh Anh: Đúng vậy, mấy người bạn ngoại đạo của tôi khi nghe điều này, nói: “nghe thật chướng tai”. Nhưng sau khi nghe giải thích, họ nói: “cũng có lý đấy”. Đó là qua việc áp dụng Giáo huấn Xã hội Công giáo (GHXHCG) vào kinh doanh và thành công.

TT: Điều này nghe thật hay. Mấy doanh nhân hay có những cách nhìn thật… quái! Có lẽ độc giả của tôi rất muốn nghe về tác động của GHXHCG khi áp dụng vào thực tiễn kinh doanh của ông. Nhưng bây giờ xin ông nói rõ thêm ông nhận ra Chúa qua đó cụ thể ra sao?

Ô. Minh Anh: Anh có nhận thấy tôi nói mất con cái, nhưng không mất chính tôi không? Trong khi tôi cũng không định tâm cho chính tôi, không nhiều thời gian cho kinh sách, lễ lậy., cầu nguyện riêng..? Khi áp dụng Giáo huấn Xã hội Công giáo vào hoạt động công ty và thành công, chính nó uốn nắn tôi, và giúp tôi nhận ra Lời Chúa thật huyền diệu lạ kỳ… Chính GHXHCG tuy chưa làm tôi sốt sắng với Chúa như Người mong muốn, doanh nhân ngụp lặn sâu trong vật chất, nên thường cứng lòng lắm (cười). Nhưng nó đã giữ tôi lại, và phản tỉnh tôi. Lúc đầu tôi đọc và tự hỏi, “cái này ở đâu mà ra, nếu từ các giáo phụ thì liệu họ có chủ quan không?”. Nhưng tìm hiểu kỹ thì thấy GHXHCG thực sự có gốc từ Phúc Âm. Các giáo phụ chỉ nhận ra, rồi chỉ rõ cụ thể cho cuộc sống thôi. Sách “Tóm lược HTXHCG” và “DOCAT” cũng nói vậy.

phailamgi_Nói với người khởi nghiệp_cv2.jpg
Ảnh: Scott Graham/Unsplash

TT: Nhưng còn tính hiệu quả của Phúc Âm…?

Ô. Minh Anh: Sau này tôi nghiệm ra rằng, chính Chúa muốn cho con người sống hạnh phúc, tiệc cưới Cana, “không một con (chim sẻ) nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi” … được nhắc đến trong Phúc Âm không phải chỉ để nói cho hay, mà Chúa Giê-su luôn dạy SỰ THẬT viết lớn, tức những điều thuộc bản chất quan phòng và tạo dựng. Nhiều người nghĩ Thiên Chúa không liên quan đến kinh doanh là sai! Trong tự nhiên lẫn xã hội đều có những quy luật để phát triển lành mạnh. Khi tạo dựng xong, Thiên Chúa nói:”Mọi thứ đều rất tốt đẹp” thì không phải chỉ nói về một hiện trạng, mà cả về các quy luật trong nó, cả về tương lai có thể phát triển đi đến thành toàn.

Nếu GHXHCG phát xuất từ Lời Chúa, mà tôi đã thấy nó mang hiệu quả trần thế, thì tôi phải thấy tính quan phòng trong đó chứ? Phải chăng Lời Chúa Giê-su nói “Ta là sự sống” cũng có ý nghĩa cả cho cuộc sống trần thế ? Tôi thật sung sướng khi nhận ra luận lý đơn giản ấy. Rồi tôi lần mò tìm hiểu và suy gẫm thêm về đạo Chúa…

Vấn đề là ta phải nhận ra các quy luật ấy, áp dụng thành công và mưu ích cho ta và mọi người. Nói theo kiểu nhà đạo là tiếp nối công trình sáng tạo của Thiên Chúa (lớn chuyện lắm!), Giáo hội khẳng định đây là một ơn gọi cao quý.

TT: Điều này là sự thật, nhưng xem ra các mục tử ít nói đến. Tôi có đọc tài liệu “Ơn gọi nhà lãnh đạo doanh nghiệp” của Bộ Phát triển Con người toàn diện. Thật tốt, nếu ông có thể nói cụ thể hơn?

Ô. Minh Anh: Tôi sẽ đi vào từng nguyên tắc Giáo huấn Xã hội Công giáo (GHXHCG) mà chúng tôi đã áp dụng và tác dụng của nó trong thực tiễn kinh doanh ra sao. Nhưng để có ích cho các bạn khởi nghiệp, tôi sẽ nói và phân tích chi tiết cụ thể từng vấn đề trong kinh doanh, thì các bạn ấy mới có thể mường tượng ra được.

phailamgi_Nói với người khởi nghiệp_1.jpg
Ảnh: Canva

TT: Nếu vậy thì có lẽ hơi dài cho một lần. Xin ông để sau. Cho hôm nay, mong ông cho lời khuyên bao quát về kinh doanh cách ngắn gọn được không?

Ô. Minh Anh: Ba điều:​
  • Thứ nhất là nên áp dụng GHXHCG, nhất là các nguyên tắc nền tảng, (mà nguyên tắc bổ trợ thực sự rất lợi hại) vào định hướng kinh doanh và tổ chức công ty ngay từ đầu.​
  • Thứ hai, phải có giá trị riêng vượt trội, hoặc tạo ra nó (added value). Xin nhắc lại là phải vượt trội chứ không phải chỉ là có giá trị, để còn có thể cạnh tranh lành mạnh, trao đổi công bằng với người khác. Kinh doanh phải là kinh doanh cái vượt trội.​
  • Thứ ba, chính người lãnh đạo phải làm việc và động não cật lực, và làm gương hy sinh cho mọi người. Doanh nhân “ngồi mát ăn bát vàng” thì chắc chắn phải qua các lợi thế phi kinh tế, như quan hệ hoặc hành vi ma mãnh để có thể moi tiền từ đâu đó, tức bóc lột người khác, thì mới giàu được. Nó sẽ sinh hậu hoạn.​
TT: Tôi không quen kinh doanh, nhưng chắc cũng phải hợp vận may nữa chứ ?

Ô. Minh Anh: Làm việc cật lực thì cũng có lúc sẽ gặp may thôi. Làm việc càng ít, thì vận may đến cho riêng mình cũng càng ít. Kinh doanh mà trông chờ vào may mắn thì nên mua vé xổ số thì tốt hơn. Thật đấy! Sẽ chẳng những mất tiền, mà cả một phần cuộc đời và có khi mất rất nhiều quan hệ thân thiết.

TT: Nói chuyện với ông thật thú vị. Xin cảm ơn ông và hẹn gặp lại ông trong lần tới với những nét cụ thể kinh nghiệm của ông, áp dụng thành công GHXHCG vào kinh doanh.

Phải làm gì?​

Docat 184: Một doanh nghiệp là gì?

Một doanh nghiệp là một đơn vị sản xuất, cần phải có thiết bị, nhà xưởng, tiền bạc,... và một nhóm người (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, CA 43). Một doanh nghiệp nên cung cấp hàng hoá thật sự tốt và dịch vụ thật sự hữu ích. Thành lập một doanh nghiệp thường đòi hỏi lòng can đảm dám làm, óc sáng tạo mới mẻ, và tinh thần trách nhiệm cao.​
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Behold God’s Providence
Tham gia
17/12/23
Bài viết
737
cảm ơn tác giả, bài viết rất có giá trị ạ!
 
Thành viên
Tham gia
2/2/24
Bài viết
12
Nội dung rất hữu ích cho tôi. Cám ơn tác giả
 

Khoảnh khắc cuối đời của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên