Đừng coi Bí tích hôn phối chỉ là một thủ tục

5.00 star(s) 2 Votes
Behold God’s Providence
Tham gia
17/12/23
Bài viết
862

Gia đình được tạo thành theo định chế hôn nhân, định chế này được đã được Đức Giê-su nâng lên hàng bí tích (TLHT #212). Vậy mà ngày nay, nhiều người trẻ cả Công giáo lẫn không đạo nghĩ rằng, bí tích hôn phối chỉ là các thủ tục bắt buộc phải hoàn thành, giống như đăng kí kết hôn ngoài xã hội.​


phailamgi_Đừng coi Bí tích hôn phối chỉ là một thủ tục_cv1.jpg

Ảnh: Getty Images

Thực tế cho thấy, nhiều người trẻ theo học các lớp giáo lý dự tòng và hôn nhân, cử hành lễ cưới trang trọng trong nhà thờ, nhưng trong thâm tâm luôn nghĩ rằng làm vậy cho xong. Thậm chí, nhiều người trẻ biến một thánh lễ hôn phối trang trọng thành những buổi chụp hình để có cơ hội sống ảo, khoe với bạn bè.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều người trẻ vẫn có lối suy nghĩ rằng, “thủ tục bên đời xong rồi, còn thủ tục bên đạo thôi”.

Theo Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo, với tính cách là một bí tích, hôn nhân là một dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng (ibid #219). Vì thế, đừng coi đó là một thủ tục, đừng đùa với những cử hành thánh và cũng đừng lừa dối thần linh.

Bí tích Hôn Phối không phải là một quy ước xã hội, một nghi thức trống rỗng, hay chỉ là dấu hiệu bên ngoài của một cam kết. Bí tích này là một ơn ban nhằm thánh hóa và cứu độ đôi vợ chồng, vì “việc họ thuộc về nhau là một hình ảnh thực, qua dấu chỉ bí tích, diễn tả chính mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội thánh. (Tông huấn Familiaris Consortio #13)

Hôn nhân là một ơn gọi, xét như đó là sự đáp trả một tiếng gọi đặc biệt sống tình yêu vợ chồng, như một dấu chỉ không hoàn hảo của tình yêu giữa Đức Kitô và Hội thánh. Vì thế, quyết định kết hôn và xây dựng gia đình phải là kết quả của một sự phân định ơn gọi. (Tông huấn Evangelii Gaudium #72)

phailamgi_Đừng coi Bí tích hôn phối chỉ là một thủ tục_cv2.jpg
Ảnh: Chiến Phạm/Unsplash

Khi đón nhận nhau, và với ân sủng của Đức Kitô, đôi hôn phối hứa hoàn toàn dâng hiến cho nhau, trung thành với nhau và sẵn sàng đón nhận sự sống mới, họ nhìn nhận những ơn huệ Thiên Chúa ban cho mình như những yếu tố thiết yếu của hôn nhân, và nghiêm túc cam kết thuộc về nhau, nhân danh Thiên Chúa, trước sự hiện diện của Hội thánh. (Tài liệu Relatio Synodi, 2014 #21)

Bí tích không phải là một “sự vật” hay một “sức mạnh” nào đó, vì thực ra chính Đức Kitô “đến gặp gỡ các đôi vợ chồng Kitô hữu qua Bí tích Hôn Phối. Người ở lại với họ, ban sức mạnh cho họ để họ nhận lấy thập giá của mình mà bước đi theo Người, chỗi dậy sau khi qụy ngã, tha thứ cho nhau, và vác lấy gánh nặng của nhau” (x. GLHTCG #1642)

Nói tóm lại, những người trẻ trước khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình, cần có thái độ trân trọng những ơn ích thiêng liêng mà Bí tích hôn phối đem lại. Vì qua đó, Thiên Chúa đã ở cùng và hiện diện trong chính gia đình mỗi người. Do đó, đừng coi Bí tích hôn phối chỉ là một thủ tục bắt buộc.​

Phải làm gì?​

Docat 125: Hôn nhân có ý nghĩa gì cho gia đình?

Hôn nhân là nền tảng của gia đình. Đối với các Kitô hữu, hôn nhân là một bí tích, do đó, trở thành một dấu chỉ quan trọng từ Thiên Chúa cứu độ. Tuy nhiên, ngay cả trước khi hôn nhân được nâng lên thành bí tích, Giáo Hội cũng đã xác tín và cảm nghiệm rằng hôn nhân là cơ sở tối ưu cho đời sống chung của người nam, người nữ, và trẻ em. Chỉ trong hôn nhân, một sự tin cậy vô điều kiện mới được đảm bảo, một sự tin tưởng không bị thời gian hay những giới hạn khác chi phối. Do đó, hôn nhân mang đến cho tất cả các thành viên của gia đình sự bảo vệ phù hợp với con người, và không gian họ cần để phát triển.​
 

Đức Thánh Cha chủ sự Nghi thức mở Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô và Thánh lễ đêm Giáng Sinh

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên