- Chủ đề Author
- #1
Ngày nay, vấn đề thụ tinh nhân tạo là chủ đề thu hút sự quan tâm rất lớn, đặc biệt khi số lượng các cặp vợ chồng hiếm muộn ngày càng tăng, thì giải pháp thụ tinh nhân tạo để có con dường như là một cứu cánh cho những cặp đôi này. Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo, với giáo lý rất nghiêm túc và chặt chẽ, đã đang và sẽ nói “KHÔNG” với việc cho phép Giáo dân sử dụng các hình thức thụ tinh nhân tạo trong việc hỗ trợ sinh sản cho các cặp đôi hiếm muộn.
Ảnh: Canva
Kinh thánh nói gì về thụ tinh nhân tạo?
Thời điểm Kinh thánh ra đời, chưa hề có thụ tinh nhân tạo, tuy nhiên, vấn đề này liên quan tới sự sống con người, do đó Kinh thánh đã nói rất rõ như sau:
Sách Sáng thế, (St 1,26-27;2,7.5,12 và St 1,28) cho chúng ta thấy Thiên Chúa làm chủ sự sống của con người, Thiên Chúa tạo thành sự sống không những của muôn loài, trong đó có con người, do đó con người không có quyền tuyệt đối trên sự sống của mình”. “Họ được mời gọi tham dự vào công trình sự sống mới và lãnh trách nhiệm làm phát triển sự sống ấy”.
Thiên Chúa, thông qua ông Môi-Sê trên núi Sinai đã truyền dạy 10 điều răn, trong đó với điều răn thứ 5, Thiên Chúa dạy con người “chớ giết người”.
Điểm qua những câu Kinh thánh đó để thấy, Thiên Chúa rõ ràng không cho phép loài người tự định đoạt trên sinh mạng của mình, sự sống là do Thiên Chúa ban, chứ không phải qua một cách thức mà con người tự “can thiệp”.
Quan điểm của Giáo hội
Thụ tinh nhân tạo, được hiểu là các hình thức can thiệp để có con như (dùng tinh trùng của người chồng hoặc của người khác cấy vào vợ không thông qua giao hợp tự nhiên, hoặc cấy vào người vợ một phôi đã nuôi trong ống nghiệm không được tạo thành từ trứng và tinh trùng của hai vợ chồng…).
Giáo hội nhiều lần khẳng định quan điểm của mình như sau “Việc thụ thai nhân tạo bằng tinh trùng của một người khác là nghịch với tính duy nhất của hôn nhân, với phẩm giá của vợ chồng, với ơn gọi riêng của cha mẹ và với quyền của đứa bé được thụ thai và sinh ra trong hôn nhân và do hôn nhân” (Pius XII Address to Catholic Doctors, September 29, 1949,ASS 41 (1949), tr. 560).”
“Việc nhờ đến tinh trùng hay trứng của người thứ ba để thụ thai, là vi phạm đến sự cam kết hỗ tương giữa vợ chồng và là một thiếu sót trầm trọng đối với tính duy nhất là đặc tính thiết yếu của hôn nhân […]. Ngoài ra, việc thụ thai nhân tạo nơi người nữ không kết hôn, độc thân hay góa bụa, cho dù tinh dịch là của ai, thì cũng không thể biện minh được về mặt đạo đức” (Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và Kỷ Luật các Bí Tích, trong Huấn thị Donum Vitae (Hồng ân sự sống))
“Hôn nhân thành sự và hoàn hợp, khi hai bên đã theo cách thức hợp với nhân tính thực hiện hành vi phu thê, tự nó có khả năng sinh sản con cái; hành vi nầy là mục tiêu tự nhiên của hôn nhân và làm cho vợ chồng trở thành một xương một thịt”. (Giáo luật 1983, điều 1061,1)
Như thế chúng ta thấy, ngay từ khi các phương pháp thụ thai thai nhân tạo ra đời, Giáo hội đã nghiêm khắc “CẤM” giáo dân thực hiện những biện pháp này bởi các lý do cơ bản sau:
Tách rời việc thụ thai khỏi hành vi quan hệ vợ chồng: Giáo hội coi việc sinh con là kết quả tự nhiên của hành vi quan hệ vợ chồng, thể hiện tình yêu và sự kết hợp trọn vẹn giữa hai người. Thụ tinh nhân tạo tách rời hai yếu tố này, được xem như "gây tác động tiêu cực đến ý nghĩa sâu sắc của việc sinh sản và phẩm giá của việc kết hợp vợ chồng".
Nguy cơ hủy hoại phôi thai: Trong quá trình Thụ tinh nhân tạo, thường có nhiều phôi thai được tạo ra, và một số phôi có thể bị loại bỏ hoặc đông lạnh. Giáo hội coi việc hủy hoại phôi thai là vi phạm phẩm giá con người và "đi ngược lại với sứ mệnh truyền sinh và giáo dục mà Thiên Chúa đã trao phó cho gia đình".
Can thiệp vào quy trình tự nhiên: Giáo hội tin rằng việc thụ thai nên diễn ra một cách tự nhiên, mà không có sự can thiệp quá mức của khoa học kỹ thuật. Thụ tinh nhân tạo được xem là "sự can thiệp trái tự nhiên" vào quy trình thiêng liêng này.
Giải pháp nào cho cặp đôi hiếm muộn?
Theo DOCAT “ Ước muốn có con cái có phải là một phần của hôn nhân….Hôn nhân đưa tới gia đình, vì hướng đến việc sinh sản, nuôi dạy con cái và sống với con cái. Do đó, các đôi bạn muốn kết hôn, ngay từ lúc khởi đầu đời sống hôn nhân, không được chối từ khả năng sẽ sinh con với nhau.” Do đó, “về phần những đôi vợ chồng không thể có con” Giáo hội khẳng định “Hôn nhân của họ không hề kém “đáng giá”, vì sinh sản không phải là mục đích duy nhất của hôn nhân” vì lẽ đó ‘Trong trường hợp này, những đôi vợ chồng có thể nhận con nuôi, hay theo một cách khác, chăm lo cho những trẻ em (ví dụ, trẻ con trong đại gia đình của họ, hoặc con cháu của bạn bè). Một cuộc hôn nhân vẫn có thể “sinh hoa trái” nếu đôi bạn không con biết mở cửa nhà mình cho những người cô đơn, thể hiện lòng hiếu khách và tận tâm tham gia các công tác xã hội.”
Ảnh: Canva
Tóm lại, việc áp dụng các hình thức thụ tinh nhân tạo là “KHÔNG THỂ” đối với những người Công giáo, bởi nó dẫn tới những tội lỗi rất lớn như “Nghịch lại ý Thiên Chúa” hay tội “giết người”. Con cái là “Chúa ban” chứ không phải là con người “tự tạo” bằng cách áp dụng các biện pháp trái với tự nhiên vốn có.
Phải làm gì?
Câu 128: Còn về phần những đôi vợ chồng không thể có con?
Hôn nhân của họ không hề kém “đáng giá”, vì sinh sản không phải là mục đích duy nhất của hôn nhân. Hôn nhân vẫn giữ đặc tính bất khả phân ly, và giá trị của một mối liên hệ mật thiết, ngay cả khi đời sống hôn nhân không hoàn hảo vì thiếu con cái, những đứa bé thường được họ khắc khoải mong đợi. Trong trường hợp này, những đôi vợ chồng có thể nhận con nuôi, hay theo một cách khác, chăm lo cho những trẻ em (ví dụ, trẻ con trong đại gia đình của họ, hoặc con cháu của bạn bè). Một cuộc hôn nhân vẫn có thể “sinh hoa trái” nếu đôi bạn không con biết mở cửa nhà mình cho những người cô đơn, thể hiện lòng hiếu khách và tận tâm tham gia các công tác xã hội.