Thư gửi em, đất khách quê người và khủng hoảng đức tin

4.80 star(s) 6 Votes
Thành viên
Tham gia
2/1/24
Bài viết
141

Em thương mến,​

Em đã bước chân ra nước ngoài với biết bao hứng khởi của một nền văn minh hiện đại và cuộc sống với biết bao đảm bảo vững chắc hơn về an sinh xã hội. Đây là ước mơ của nhiều nhiều người Việt hiện nay để đổi đời hay có một tương lai ổn định hơn cho bản thân hay con cái sau này.​

phailamgi_Thư gửi em, đất khách quê người và khủng hoảng đức tin_cv1.jpg
Ảnh: freepik.com

Thời gian trôi qua, sau vài tháng trăng mật với những điều mới mẻ, thì bây giờ em bắt đầu và đang chịu những cú sốc về văn hóa (Culture shocks) và một lĩnh vực làm em thất vọng to lớn là lối sống đạo hay mình có thể gọi là khủng hoảng đức tin.

Bình tĩnh em à, cũng như em, khi mới bước chân ra nước ngoài, tôi cũng đã có tưng bừng hoan hỉ với biết bao điều mới lạ và cũng đã dập mật với những khác biệt về văn hóa và thực hành đức tin bên này. Vậy nên giờ mình cùng nhìn lại hai yếu tố có thể sẽ giúp em nhận ra bài học của cơn khủng hoảng này:

1. TÂM LÝ

Em đã rời khỏi môi trường an toàn (Comfort Zone) của mình để bước chân vào vùng thách thức bản thân rất nhiều. Hãy nhìn vào các bạn tân sinh viên ở Việt Nam, khi rời làng quê, bước chân lên thành thị, cũng đã thấy những khác biệt to lớn về văn hóa, lối sống. Xa vòng tay bảo bọc của bố mẹ, sống giữa thành thị với nhịp sống nhanh, hối hả, bon chen, các mối quan hệ phức tạp hơn, rồi yếu tố ngôn ngữ, khi mình thấy tiếng vùng miền lại phần nào gây phân biệt đối xử, chắc chắn sẽ áp lực để thay đổi.

Vậy nên những điều em đang thấy khủng hoảng là một phần của sự đổi thay và thích nghi để tồn tại. Chắc chắn sẽ đau và khó chịu vì dường như nhiều thứ mình đã quen lắm nay bắt đầu phải để ý chỉnh sửa cho phù hợp lối sống mới. Và yếu tố ngôn ngữ khi mình chưa thực sự tự tin để giao tiếp và thể hiện những điều mình muốn hay trao đổi về những khác biệt, thì cũng là rào cản cho sự thích nghi.

Một mặt thì đây là khó khăn, nhưng nhìn cách tích cực thì đây lại là lời mời gọi để em phát triển và lớn lên, vượt lên phiên bản cũ của mình và thích nghi và phát triển bản thân với một phiên bản trưởng thành qua sóng gió và áp lực.

2. VĂN HÓA

Khi nói về văn hóa, thì nó bao gồm rất nhiều mặt của một môi trường xã hội, nhưng hiểu cách đơn giản hơn thì đó là lề thói, lối sống tại một khu vực. Đó có thể là cách ăn uống, cách giao tiếp, cách thức giữ gìn vệ sinh công cộng, hay cách chăm sóc con cái, hay thực hành đức tin trong cộng đồng. Và em thấy đó, việc ra nước ngoài không chỉ là giỏi Tiếng anh hay ngôn ngữ vùng đó mà đó chỉ là phương tiện nhỏ để bắt đầu đi sâu hơn vào văn hóa địa phương.

Điều này cũng rất đau đớn để thay đổi và thích nghi. Khi bản thân mình là người Việt, khi ra đi khỏi quê hương thì một phần lớn của trái tim hay tâm hồn đã ở lại, vì vậy, đã có câu thơ miêu tả cảm xúc này:

"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn." (Chế Lan Viên)

Trái tim mình bị thổn thức nhớ về văn hóa quen thuộc, và rồi bây giờ lại phải thích nghi một lối thực hành văn hóa và đức tin mới, rất mới, khiến mình có cảm giác mình không còn là mình. Khủng hoảng đức tin khi thấy những thực hành đạo đức ít hơn, áp lực công việc cao, khiến cho thời gian cho việc đi lễ hay hội đoàn trở nên thưa thớt dần. Rồi cộng đoàn đức tin thì không có ở gần nhau như làng, xóm mà mỗi nhà ở xa nhau, việc đi nhà thờ không dễ dàng như đi bộ 5, 10 phút mà phải đi xe hơi cả nửa tiếng đồng hồ.

Ở quê mình, đến giờ là nghe thấy tiếng chuông nhà thờ như lời mời gọi của Chúa. Bên này thì có nghe thấy gì đâu? Cũng không có bà nào đi qua nhà í ới rủ đi lễ, đi nguyện. Lễ Chúa Nhật thì không còn nhiều người tham dự, lễ tiếng anh đọc kinh cũng không có tâm tình, vào mùa Chay, cũng không có ngắm nguyện, tháng đức bà cũng không có dâng hoa, lễ tết cũng không có không khí…

3. ĐẤT KHÁCH QUÊ NGƯỜI

Và giờ có lẽ em thấm thía hơn câu nói: ĐẤT KHÁCH QUÊ NGƯỜI, nơi mà chẳng bao giờ thay thế cách trọn vẹn cho quê hương của mình được. Nhưng,...

Vẫn luôn có một chữ "NHƯNG" cho một cái gì đó tốt đẹp. Nhưng đó là chọn lựa của mình. Vậy nên khủng hoảng thực chất là cơ hội để phát triển. Em được mời gọi đi sâu hơn vào tương quan với Chúa cách thiết thân một một. Em bị khô khan đến độ em phải thưa lên: "Con phải sống thế nào Chúa ơi, Con cần Chúa, xin hãy tưới mát tâm hồn khô khan của con kẻo con mất đức tin..."

Đó thực sự cũng là những lời cầu nguyện của tôi khi mới sang bên này. Khủng hoảng nặng lắm, nhưng rồi lại thấy mình bước vào đức tin với thái độ trưởng thành hơn khi ý thức rằng Con cần Chúa. Đến nhà thờ, hay đọc kinh ở nhà là những giờ phút con ĐƯỢC ở bên Chúa, chứ không PHẢI ĐẾN, PHẢI ĐỌC nữa!

Cộng đoàn đức tin đương nhiên quan trọng để đồng hành và trợ giúp mình nên việc tham gia tích cực vào nhà thờ là điều cần thiết. Nhưng mình cũng được mời gọi sống tương quan thân mật thiết thân với Chúa trong mỗi giây phút của cuộc đời. Và trong cái chân thật ấy, em biết Chúa thương em dường nào và em cần Chúa ra sao. Khi em yêu thì em sẽ có cách để đến với người mình yêu...

Thư đã dài, nguyện chúc em kiên nhẫn lúc gặp gian nan và hướng về phía trước với niềm phó thác tin tưởng.
Tôi đồng hành cùng em trong lời cầu nguyện.

Yeuthuong,

Happypencil​
 

[LIVE] Thánh Lễ của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV với các Hồng Y – Thứ Sáu 9/5 - PHAILAMGI.COM - Vào lúc 11:00 giờ Roma (tức 16:00 giờ Việt Nam) ngày thứ Sáu 9/5/2025, Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ chủ sự Thánh lễ đầu tiên với các Hồng Y tại Nhà nguyện Sistine - Đây là một nghi lễ mang tính biểu tượng sâu sắc, đánh dấu khởi đầu chính thức của triều đại mới. Trong Thánh lễ này, Đức Thánh Cha sẽ cùng các Hồng Y hiệp thông cầu nguyện cho sứ vụ lãnh đạo Hội Thánh hoàn vũ mà Ngài vừa được trao phó.

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên