Đi tìm chân lý
Tham gia
25/1/24
Bài viết
876
Phailamgi_Toàn văn Huấn từ của Đức Thánh Cha Lêô XIV gửi các tham dự viên trong Năm Thánh các...jpeg
Đức Giáo hoàng Lêô XIV gặp gỡ các tham dự viên trong Năm Thánh của các Giáo hội Đông phương. Ảnh: Vatican News



HUẤN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA LÊÔ XIV GỬI CÁC THAM DỰ VIÊN TRONG NĂM THÁNH CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG
Hội trường Phaolô VI
Thứ Tư, ngày 14 tháng 5 năm 2025

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Bình an ở cùng anh chị em!

Kính thưa quý vị Thượng phụ, Đức Hồng y, quý Đức Cha,
Anh em linh mục, tu sĩ nam nữ thân mến,
Quý ông bà và anh chị em rất thân mến,

Chúa Kitô đã sống lại! – Người thật đã sống lại! Tôi xin chào anh chị em bằng chính lời chào ấy – lời tuyên xưng mà các Kitô hữu Đông phương không bao giờ mỏi mệt lặp lại trong suốt Mùa Phục Sinh, vì đó chính là trọng tâm của đức tin và niềm hy vọng của chúng ta.

Tôi hết sức xúc động khi được gặp anh chị em nơi đây, trong khuôn khổ Năm Thánh Hy Vọng, một niềm hy vọng không thể lay chuyển vì được đặt nền tảng nơi sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Xin chào mừng anh chị em đến Rôma! Tôi vui mừng hiện diện giữa anh chị em và dành một trong những buổi tiếp kiến đầu tiên của triều đại giáo hoàng mình cho các tín hữu Đông phương.

Anh chị em thật quý giá trước mặt Thiên Chúa. Khi nhìn anh chị em, tôi nghĩ đến sự đa dạng về nguồn gốc, đến lịch sử huy hoàng, và cả những thương đau cay đắng mà nhiều cộng đoàn của anh chị em đã và đang gánh chịu. Tôi muốn tái khẳng định xác tín của Đức Thánh Cha Phanxicô: rằng các Giáo hội Đông phương cần được yêu mến và trân trọng nhờ kho tàng thiêng liêng và khôn ngoan đặc thù mà các Giáo hội ấy gìn giữ, cũng như những điều quý giá mà các Giáo hội ấy có thể dạy chúng ta về đời sống Kitô hữu, tính hiệp hành và phụng vụ. Chúng ta nghĩ đến các Thánh Giáo phụ thời khai nguyên, các Công đồng và truyền thống đan tu... đó là những kho tàng vô giá của Giáo hội (Huấn từ gửi các tham dự viên cuộc họp ROACO, ngày 27.6.2024).

Tôi cũng muốn nhắc đến Đức Giáo hoàng Lêô XIII, vị giáo hoàng đầu tiên dành riêng một văn kiện để nói về phẩm giá của các Giáo hội Đông phương, được thúc đẩy cách đặc biệt bởi niềm xác tín rằng – theo lời của ngài – “công trình cứu chuộc nhân loại đã bắt đầu từ phương Đông” (Orientalium Dignitas, 30.11.1894). Thật vậy, anh chị em “đóng một vai trò đặc biệt và độc đáo, vì chính vùng đất của anh chị em là nơi khai sinh của Hội Thánh” (Thánh Gioan Phaolô II, Orientale Lumen, 5).

Thật ý nghĩa khi nhiều phụng vụ của anh chị em – mà hiện nay đang được cử hành trọng thể tại Rôma theo truyền thống riêng – vẫn còn sử dụng ngôn ngữ của chính Chúa Giêsu. Đức Lêô XIII cũng từng kêu gọi cách nồng nhiệt rằng: “Sự đa dạng chính đáng về phụng vụ và kỷ luật của các Giáo hội Đông phương… là điều đem lại danh dự và lợi ích lớn lao cho toàn thể Giáo hội” (Orientalium Dignitas). Lời kêu gọi ấy vẫn còn nguyên giá trị cho thời đại hôm nay.

Ngày nay, biết bao anh chị em Đông phương – kể cả những người đang hiện diện nơi đây – buộc phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh, bách hại, bất ổn và nghèo đói. Nhiều người trong số đó không chỉ mất đi quê hương, mà còn có nguy cơ đánh mất cả căn tính đức tin, nhất là khi đã định cư tại phương Tây. Theo dòng thời gian, gia sản quý báu của các Giáo hội Đông phương cũng theo đó mà mai một dần.

Cách đây hơn một thế kỷ, Đức Lêô XIII từng nhận định rằng: “Việc bảo tồn các nghi lễ Đông phương quan trọng hơn người ta vẫn nghĩ.” Ngài còn đi xa đến mức quy định rằng: “Bất kỳ thừa sai nào thuộc nghi lễ Latinh – dù là giáo sĩ triều hay dòng – nếu khuyên bảo hoặc cổ vũ để một tín hữu Công giáo Đông phương chuyển sang nghi lễ Latinh, thì phải bị cách chức và loại bỏ khỏi nhiệm sở” (Orientalium Dignitas).

Chúng tôi sẵn lòng lập lại lời mời gọi ấy: Hãy bảo tồn và phát huy Giáo hội Đông phương, đặc biệt trong các cộng đoàn kiều dân. Không chỉ cần thiết lập các đơn vị Giáo hội Đông phương nơi nào có thể và thích hợp, mà còn cần gia tăng nhận thức nơi các tín hữu nghi lễ Latinh. Về điểm này, tôi xin ủy thác cho Bộ Các Giáo hội Đông phương – mà tôi cũng xin chân thành cảm ơn – nhiệm vụ giúp tôi xác định các nguyên tắc, quy định và hướng dẫn cụ thể, nhằm hỗ trợ các Giám mục Latinh trong việc đồng hành với các tín hữu Công giáo Đông phương nơi hải ngoại, để họ có thể bảo tồn các truyền thống sống động của mình, và qua đó, làm phong phú cộng đoàn mà họ đang sinh sống.

Giáo hội rất cần đến anh chị em. Đóng góp mà Giáo hội Đông phương có thể trao ban hôm nay là vô cùng lớn lao! Chúng ta đang cần phục hồi lại cảm thức mầu nhiệm – điều vẫn đang sống động nơi phụng vụ của anh chị em, những phụng vụ chạm đến toàn thể con người, cất tiếng hát về vẻ đẹp của ơn cứu độ, và gợi lên sự thán phục trước mầu nhiệm Thiên Chúa ôm lấy sự mỏng giòn nhân loại của ta!

Chúng ta cũng cần tái khám phá – cách riêng nơi Giáo hội Tây phương – cảm thức về ưu thế của Thiên Chúa, về giá trị của mầu nhiệm nhập môn (mystagogia), và những nét đặc trưng của linh đạo Đông phương: lời chuyển cầu liên lỉ, tinh thần sám hối, chay tịnh, và những giọt lệ vì tội lỗi của mình cũng như của toàn thể nhân loại (penthos).

Vì vậy, xin anh chị em hãy gìn giữ các truyền thống của mình một cách nguyên vẹn, đừng vì lý do tiện lợi hay thực dụng mà làm chúng bị nhạt nhòa, biến chất bởi não trạng tiêu dùng hoặc chủ nghĩa vị lợi.

Truyền thống linh đạo của anh chị em – cổ kính nhưng luôn mới mẻ – mang tính chữa lành. Nơi đó, bi kịch của khổ đau nhân loại được bao phủ bởi sự ngỡ ngàng trước lòng thương xót của Thiên Chúa. Tội lỗi không dẫn đến tuyệt vọng, nhưng mở đường cho hồng ân trở thành thụ tạo được chữa lành, được thần hóa, được nâng lên tới vinh quang thiên quốc. Vì tất cả những điều ấy, chúng ta hãy không ngừng dâng lời ngợi khen và cảm tạ Chúa.

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Thánh Êphrem người Syria và thân thưa với Chúa Giêsu rằng:
“Vinh danh Ngài, Đấng đã đặt thập giá như một nhịp cầu bắc qua sự chết… Vinh danh Ngài, Đấng đã khoác lấy xác phàm và làm cho nó trở thành nguồn sống cho muôn người” (Bài giảng về Chúa chúng ta, số 9).

Chúng ta cũng phải xin ơn để có thể nhận ra ánh sáng Phục Sinh ngay giữa những thử thách của đời sống – đừng bao giờ nản chí – vì như một vị Giáo phụ Đông phương khác từng viết: “Tội lớn nhất là không tin vào quyền năng của sự Phục Sinh” (Thánh Isaac thành Ninivê, Các bài giảng khổ tu, I, 5).

Ai hơn anh chị em có thể cất lên bài ca hy vọng giữa vực thẳm bạo lực? Ai hơn anh chị em, những người đã trải nghiệm tận cùng nỗi đau của chiến tranh – đến nỗi Đức Phanxicô đã gọi anh chị em là “các Giáo hội tử đạo”? (Huấn từ gửi ROACO, đã dẫn)

Từ Thánh Địa đến Ukraina, từ Liban đến Syria, từ Trung Đông đến Tigray và vùng Caucasus – biết bao cảnh bạo tàn!

Từ giữa máu đổ, từ xác thân những người trẻ bị hy sinh nhân danh bạo lực quân sự, một lời kêu gọi vang lên: không chỉ là tiếng gọi của Đức Giáo hoàng, mà chính là tiếng của Chúa Kitô – Đấng luôn lặp lại:
“Bình an cho anh em!” (Ga 20,19.21.26)
Ngài còn nói:
“Thầy để lại bình an cho anh em; Thầy ban cho anh em bình an của Thầy, không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27).

Bình an của Đức Kitô không phải là sự im lặng lạnh lùng sau chiến tranh, cũng không phải là kết quả của đàn áp, mà là quà tặng ban sự sống mới cho mọi người.
Chúng ta hãy cùng cầu xin ơn bình an ấy – bình an đích thực là hòa giải, tha thứ, và can đảm để mở sang một trang mới.

Phần tôi, tôi sẽ làm hết sức để cho bình an ấy được lên ngôi. Tòa Thánh luôn sẵn sàng giúp các bên đối thoại, để kẻ thù có thể gặp nhau, trò chuyện, và các dân tộc tìm lại được niềm hy vọng và phẩm giá vốn thuộc về họ – đó là phẩm giá của hòa bình.

Dân chúng khắp nơi đang khao khát hòa bình. Và với tất cả tấm lòng, tôi xin ngỏ lời với các nhà lãnh đạo thế giới: Chúng ta hãy gặp nhau, hãy đối thoại, hãy đàm phán! Chiến tranh không bao giờ là tất yếu. Vũ khí có thể và phải được im tiếng – vì chúng không giải quyết được vấn đề, mà chỉ làm chúng trầm trọng hơn.

Người làm nên lịch sử là người kiến tạo hòa bình – không phải là kẻ gieo rắc đau thương. Người lân cận không phải là kẻ thù, nhưng là anh chị em. Không phải là tội phạm để bị thù ghét, nhưng là con người để có thể đối thoại. Chúng ta hãy từ khước não trạng nhị nguyên – chia thế giới thành kẻ tốt và người xấu – vốn là lối tư duy điển hình của bạo lực.

Giáo hội sẽ không bao giờ mỏi mệt khi lặp lại: hãy để vũ khí im tiếng.

Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì biết bao người âm thầm – qua lời cầu nguyện, hy sinh và khiêm nhường – đang gieo những hạt giống của hòa bình.

Tôi cũng cảm tạ vì những Kitô hữu – cả Đông phương lẫn Latinh – đặc biệt tại Trung Đông, vẫn kiên trì ở lại trên chính mảnh đất của mình, không đầu hàng trước cám dỗ phải bỏ đi. Các Kitô hữu cần được tạo điều kiện – không chỉ bằng lời nói – để có thể tiếp tục sống tại quê hương mình, với đầy đủ quyền lợi để tồn tại một cách an toàn. Xin tất cả chúng ta cùng nỗ lực vì điều ấy!

Anh chị em thân mến – những người con của phương Đông – nơi Mặt Trời Công Chính là Chúa Giêsu đã bừng lên ánh sáng cứu độ:
Anh chị em là ánh sáng của thế gian này (x. Mt 5,14).
Xin anh chị em tiếp tục tỏa sáng bằng đức tin, đức cậy và đức mến – và không gì khác.
Ước chi các Giáo hội của anh chị em là những mẫu gương; các vị Mục tử hãy cổ võ sự hiệp thông cách trung tín, đặc biệt trong các Thượng hội đồng Giám mục – nơi phải trở thành không gian của tình huynh đệ và tinh thần đồng trách nhiệm đích thực.

Hãy sống minh bạch trong quản trị của cải; hãy là dấu chỉ của sự tận hiến khiêm tốn và trọn vẹn vì Dân Thánh của Thiên Chúa, không màng đến danh vọng, quyền lực hay hình thức bề ngoài.

Thánh Symeon Tân thần học đã dùng một hình ảnh thật sống động:

“Cũng như ai đó rắc bụi lên ngọn lửa đang cháy thì sẽ làm nó tắt đi, thì những bận tâm trần thế và sự gắn bó với những điều nhỏ mọn, vô giá trị cũng sẽ dập tắt lửa sốt mến trong lòng.” (Các chương thực hành và thần học, 63)

Ngày nay hơn bao giờ hết, ánh sáng rực rỡ của Kitô giáo Đông phương đòi hỏi sự tự do trước mọi gắn bó thế gian và trước mọi khuynh hướng trái ngược với hiệp thông – để vẫn luôn trung tín trong vâng phục và chứng tá Tin Mừng.

Tôi xin chân thành cảm ơn anh chị em. Khi thân ái ban phép lành cho anh chị em, tôi cũng tha thiết xin anh chị em cầu nguyện cho Giáo hội, và dâng lên Thiên Chúa lời cầu bầu đầy sức mạnh cho sứ vụ của tôi.

Xin cảm ơn anh chị em!

Dịch: Phailamgi.com
Nguồn bản Tiếng Anh: vatican.va

Phailamgi_Toàn văn Huấn từ của Đức Thánh Cha Lêô XIV gửi các tham dự viên trong Năm Thánh các ...jpg
Đức Giáo hoàng Lêô XIV chào Đức Thượng phụ Công giáo Syriac Ignace Joseph III Younan trong buổi gặp gỡ các tham dự viên Năm Thánh của các Giáo hội Đông phương tại Hội trường Phaolô VI, Vatican, ngày 14 tháng 5 năm 2025. (Ảnh: CNS/Vatican Media)
 

Podcast #6: "Cha mẹ ơi, con cũng có ước mơ của riêng mình" | Phải làm gì? | Từ nhỏ đến lớn, con luôn nghe cha mẹ nói về ước mơ của mình. Cha mẹ từng kể rằng ngày xưa vì hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ không thể theo đuổi những gì mình muốn. Cha mẹ mong con sẽ làm được những điều mà cha mẹ chưa thể làm, mong con có một công việc ổn định, một cuộc sống tốt đẹp.

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên