Thành viên
Tham gia
20/5/25
Bài viết
34
Phailamgi_Bài giảng Đức Thánh Cha Leo XIV Cuộc cách mạng của tình yêu từ dụ ngôn người Samari...jpeg

Đức Giáo hoàng Leo XIV cử hành thánh lễ tại Castel Gandolfo (@Vatican Media)

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG LEO XIV
Giáo xứ Giáo hoàng Thánh Tôma Villanova (Castel Gandolfo)
Chúa Nhật, ngày 13 tháng 7 năm 2025​



Anh chị em thân mến,

Tôi rất vui mừng được cử hành Thánh Lễ hôm nay cùng với anh chị em. Tôi xin gửi lời chào đến toàn thể cộng đoàn giáo xứ, quý linh mục, Đức Hồng y của giáo phận, cùng quý vị đại diện chính quyền dân sự và quân sự.
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, chúng ta vừa nghe một trong những dụ ngôn đẹp và cảm động nhất của Chúa Giêsu. Đó chính là dụ ngôn người Samari nhân hậu (Lc 10, 25-37), một dụ ngôn mà tất cả chúng ta đều quen thuộc.

Dụ ngôn này không ngừng chất vấn cuộc sống của mỗi người. Nó khuấy động những lương tâm đang ngủ yên hay lơ đãng, và cảnh báo chúng ta về nguy cơ của một đức tin tự mãn, chỉ hài lòng với việc giữ luật bên ngoài mà không có lòng cảm thương và hành động đầy xót thương như Thiên Chúa.
Dụ ngôn thực sự nói về lòng thương xót. Thật vậy, câu chuyện Tin Mừng nói đến lòng trắc ẩn khiến người Samari hành động, nhưng trước tiên cũng nói đến cách những người khác nhìn người bị thương nằm bên vệ đường sau khi bị bọn cướp đánh. Chúng ta nghe rằng một tư tế và một thầy Lêvi "thấy anh ta, rồi bỏ đi" (c.32). Trong khi đó, về người Samari, Tin Mừng nói: "ông ta thấy và chạnh lòng thương" (c.33).


Anh chị em thân mến, điều quan trọng là cách chúng ta nhìn người khác, vì nó cho thấy điều gì đang ở trong trái tim chúng ta. Chúng ta có thể nhìn và rồi đi ngang qua, hoặc chúng ta có thể nhìn và để lòng mình rung động. Có một cách nhìn hời hợt, vội vã, giả vờ không thấy. Chúng ta có thể nhìn mà không để mình bị đánh động hay chất vấn. Nhưng cũng có cách nhìn bằng con mắt của con tim: nhìn sâu hơn, đồng cảm, chia sẻ trải nghiệm của người khác, để mình được chạm đến và chất vấn. Cách nhìn này đòi chúng ta phải xem xét lại lối sống và trách nhiệm của mình đối với tha nhân.

Dụ ngôn trước hết mời gọi chúng ta chiêm ngắm cách Thiên Chúa nhìn chúng ta, để rồi chính chúng ta cũng học nhìn người và sự việc bằng đôi mắt đầy yêu thương và xót thương của Ngài. Người Samari nhân hậu chính là hình ảnh của Chúa Giêsu, Con Một đời đời mà Chúa Cha đã sai đến giữa lịch sử nhân loại vì Ngài thương xót và không bỏ mặc chúng ta. Giống như người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô trong Tin Mừng, nhân loại đang đi xuống vực thẳm của sự chết; ngày nay, chúng ta vẫn phải đối diện với bóng tối của sự ác, đau khổ, nghèo đói và mầu nhiệm của cái chết. Thế nhưng, Thiên Chúa đã nhìn chúng ta với lòng xót thương; Ngài muốn đồng hành với chúng ta, đi con đường của chúng ta. Trong Chúa Giêsu, người Samari nhân hậu, Ngài đến chữa lành những vết thương của chúng ta và đổ tràn trên chúng ta dầu tình yêu và lòng thương xót của Ngài.


Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc rằng Thiên Chúa chính là lòng thương xót và sự trắc ẩn. Ngài từng gọi Chúa Giêsu là "lòng thương xót của Chúa Cha dành cho chúng ta" (Kinh Truyền Tin, 14/7/2029). Thánh Augustinô cũng dạy rằng, giống như người Samari đến cứu giúp, Chúa Giêsu "muốn được nhận biết như người thân cận của chúng ta. Thật vậy, chính Chúa Kitô cho chúng ta thấy Ngài là Đấng chăm sóc người nửa sống nửa chết bị bọn cướp đánh và bỏ lại bên vệ đường" (De Doctrina Christiana, I, 30.33).

Chúng ta hiểu tại sao dụ ngôn này lại chất vấn mỗi người mạnh mẽ như vậy. Nếu Chúa Kitô cho chúng ta thấy dung mạo của Thiên Chúa đầy xót thương, thì tin vào Ngài và trở thành môn đệ của Ngài có nghĩa là để mình được biến đổi và mặc lấy tâm tình của Ngài. Nghĩa là học có một trái tim biết rung động, đôi mắt biết nhìn và không quay đi, đôi tay biết giúp đỡ và xoa dịu vết thương, đôi vai sẵn sàng gánh lấy gánh nặng của anh chị em.

Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, ông Môsê nói với chúng ta rằng vâng phục các giới răn của Chúa và hướng lòng trí về Ngài không phải là việc gia tăng những hành động bề ngoài, nhưng là nhìn vào chính trái tim mình và khám phá rằng Thiên Chúa đã khắc ghi luật yêu thương nơi đó. Nếu chúng ta thật sự nhận ra sâu thẳm rằng Chúa Kitô, người Samari nhân hậu, yêu thương và chăm sóc chúng ta, thì chúng ta cũng sẽ được thúc đẩy yêu thương và xót thương như Ngài. Một khi được Chúa chữa lành và yêu thương, chúng ta cũng trở thành chứng nhân cho tình yêu và lòng thương xót của Ngài trong thế giới hôm nay.

Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta rất cần một "cuộc cách mạng của tình yêu". Con đường từ Giêrusalem xuống Giêricô hôm nay chính là con đường của biết bao người rơi vào tội lỗi, đau khổ và nghèo túng. Đó là con đường của những người bị đè nặng bởi khó khăn, bị cuộc đời làm tổn thương, bị đánh gục và mất phương hướng. Đó cũng là con đường của các dân tộc bị lột trần, cướp bóc, trở thành nạn nhân của những chế độ độc tài, của nền kinh tế đẩy họ vào cảnh khốn cùng, và của những cuộc chiến cướp đi giấc mơ, thậm chí mạng sống của họ.

Chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta có nhìn rồi đi ngang qua, hay chúng ta sẽ mở rộng con tim như người Samari? Chúng ta có chỉ an phận làm tròn bổn phận, hoặc chỉ coi là "thân cận" những người cùng nhóm, cùng suy nghĩ, cùng quốc tịch hay tôn giáo? Chúa Giêsu đảo lộn cách nghĩ đó, khi đưa ra hình ảnh người Samari, một kẻ ngoại giáo, dị giáo, lại chính là người trở thành thân cận với người bị thương. Và Ngài mời gọi chúng ta cũng làm như vậy.

Đức Bênêđictô XVI đã viết: "Người Samari không hỏi nghĩa vụ liên đới của mình kéo dài đến đâu. Cũng không hỏi điều kiện để được sống đời đời. Điều gì đó khác đã xảy ra: trái tim ông bị đánh động... Nếu câu hỏi là 'Người Samari cũng là thân cận của tôi sao?', thì câu trả lời, trong bối cảnh lúc bấy giờ, chắc chắn là không. Nhưng Chúa Giêsu đảo ngược hoàn toàn: người Samari, kẻ ngoại, lại tự làm cho mình trở thành thân cận và cho tôi thấy rằng tôi phải học để trở thành thân cận từ sâu thẳm bên trong, và câu trả lời đã có sẵn trong lòng tôi. Tôi phải trở thành như người đang yêu, một người có trái tim sẵn sàng rung động trước nhu cầu của người khác" (Đức Giêsu thành Nazareth, tr. 197).

Nhìn mà không đi ngang qua, dừng lại giữa nhịp sống hối hả, để cuộc đời và nhu cầu của người khác chạm đến trái tim chúng ta. Đó chính là điều làm cho chúng ta trở thành thân cận, xây dựng tình huynh đệ đích thực và phá tan mọi bức tường ngăn cách. Cuối cùng, tình yêu sẽ chiến thắng, và mạnh hơn sự dữ và cái chết.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy hướng nhìn về Chúa Kitô, người Samari nhân hậu. Hôm nay, chúng ta hãy lắng nghe lời Ngài nói với từng người: "Hãy đi, và cũng hãy làm như vậy" (c.37).​


Lời của Đức Thánh Cha sau Thánh Lễ
Lúc này, tôi muốn trao tặng cha xứ của giáo xứ giáo hoàng này một món quà nhỏ, để ghi nhớ cuộc cử hành hôm nay. Đĩa thánh và chén thánh mà chúng ta dùng để cử hành Thánh Thể là những khí cụ của sự hiệp thông, và cũng là lời mời gọi mỗi người chúng ta sống hiệp nhất, thực sự cổ võ tình huynh đệ và hiệp thông mà chúng ta đang sống trong Chúa Giêsu Kitô.

Nguồn: vatican.va
 

Sống đạo | Truyền thống

Lời Kinh Hòa Bình

Sáng nay, khi tham dự thánh lễ CN ở Gx Bình Thuận, TGP Saigon tôi được nghe lại bản thánh ca Lời Kinh Hoà Bình (*). Đã nhiều lần nghe bản thánh ca này, nghe như nước đổ lá môn, chẳng đọng lại...

🔥 Sự Sống TỰ PHÁT – Thí Nghiệm THẤT BẠI vẫn Được Dạy Ở Trường | Thuyết Tiến hóa Tập 4

32:1730,017 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên