So sánh Việt Nam với nước ngoài: Liệu nước ngoài có phải chuẩn mực?

Đi tìm chân lý
Tham gia
25/1/24
Bài viết
836

Trên mạng xã hội ta dễ dàng bắt gặp khá nhiều bài viết, video so sánh Việt Nam với nước ngoài. Từ chuyện nhân quyền, chống lũ, chữa cháy, giáo dục, y tế...Nhưng có một điều khá hài hước là ngay sau khi những bài viết so sánh đó được "viral" thì lại có những hình ảnh video ở nước ngoài cũng gặp vấn đề tương tự y như Việt Nam. Điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng: liệu việc lấy "nước ngoài" làm tiêu chuẩn có thực sự hợp lý và bền vững trong bối cảnh xây dựng và phát triển xã hội?​


phailamgi_so sánh Việt Nam và nước ngoài_cv.jpg

Bức ảnh chụp trên không này được chụp vào ngày 15 tháng 9 năm 2024 cho thấy quang cảnh trung tâm thành phố bị ngập lụt ở Glucholazy, miền nam Ba Lan. © Sergei Gapon, AFP

Chẳng hạn, khi một số người kêu gọi Việt Nam học hỏi Châu ÂU về cách chống ngập, thì không lâu sau, video về cảnh ngập lụt ở Châu Âu lại được chia sẻ rộng rãi. Tương tự, khi có những chỉ trích về chất lượng cầu cống ở Việt Nam, một cây cầu ở Đức cũng sập trong thời gian ngắn sau đó. Ngay cả khi có những phàn nàn về việc Việt Nam không có trực thăng chữa cháy, người ta lại chứng kiến hỏa hoạn tại Hawaii, nơi được trang bị trực thăng hiện đại nhưng vẫn không thể ngăn được thảm họa cháy rừng.

phailamgi_so sánh Việt Nam và nước ngoài_cv2.jpg
Cầu Carola ở Dresden bị sập một phần nhưng không gây thương vong.
Ảnh của imageBROKER.com GmbH & Co. KG / Alamy Stock Photo

Điều này gợi lên một câu hỏi sâu sắc hơn: Liệu có phải nước ngoài thực sự là tiêu chuẩn lý tưởng mà Việt Nam nên theo đuổi? Và quan trọng hơn, việc so sánh với nước ngoài có thực sự mang lại giá trị xây dựng, hay chỉ là những phán xét nông cạn và dễ bị vặn ngược?

Thực tế là, không quốc gia nào hoàn hảo và không mô hình nào có thể áp dụng một cách máy móc từ nơi này sang nơi khác. Mỗi quốc gia có điều kiện lịch sử, văn hóa, và kinh tế khác nhau. Việt Nam, với đặc thù của mình, cần một nền tảng tư tưởng và phương pháp phát triển phù hợp với hoàn cảnh và giá trị nội tại của dân tộc. Việc chạy theo các mô hình của nước ngoài mà không cân nhắc đến sự khác biệt văn hóa, địa lý và chính trị có thể dẫn đến những kết quả không mong muốn, thậm chí là sai lầm.

Cần tìm kiếm một nền tảng vững chắc hơn để định hướng phát triển xã hội

Trong bối cảnh đó, chúng ta cần tìm kiếm một nền tảng vững chắc hơn để định hướng phát triển xã hội. Giáo huấn Xã hội Công giáo không phải là một hệ thống hoàn hảo nhằm thay thế mọi hệ thống khác, nhưng nó cung cấp một khung tư duy vững chắc giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân và xã hội trong việc xây dựng một cộng đồng tốt đẹp.

Những nguyên tắc phẩm giá con người, công ích, bổ trợ liên đới, những giá trị sự thật, tự dó công lý và bác ái cần được đặt lên hàng đầu trong việc xây dựng và cải thiện xã hội. Đây không phải là những tiêu chuẩn chủ quan hay mang tính thời thượng, mà là những nguyên tắc vững bền, được xây dựng trên mối tương quan giữa con người với nhau và với Thiên Chúa.

phailamgi_so sánh Việt Nam và nước ngoài_cv3.jpg
Ảnh: catholiccharitiesks.org

Nếu chúng ta chỉ dựa vào những hình ảnh hào nhoáng của nước ngoài để làm tiêu chuẩn, thì rất dễ mắc sai lầm trong việc đánh giá và định hướng phát triển xã hội. Thay vào đó, Giáo huấn Xã hội Công giáo mời gọi chúng ta đi sâu vào bản chất của vấn đề, không chỉ nhìn vào hiện tượng bề ngoài mà phải hiểu sâu hơn về các giá trị nền tảng của nhân loại. Những giá trị này giúp chúng ta định hình một xã hội không chỉ dựa trên vật chất, mà còn dựa trên sự tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền của mọi người.

Cuối cùng, việc so sánh Việt Nam với nước ngoài để học hỏi không hẳn là sai, nhưng phải có sự suy xét kỹ lưỡng và có phương pháp. Chúng ta cần một tiêu chuẩn vững chắc hơn để xây dựng đất nước, và Giáo huấn Xã hội Công giáo chính là nền tảng cần thiết để hướng dẫn xã hội theo con đường chân lý và công lý. Thay vì chạy theo những mô hình nước ngoài, chúng ta cần xây dựng một hệ thống xã hội dựa trên những giá trị nhân bản và luân lý, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Việt Nam. Đây mới là con đường bền vững để phát triển xã hội, bảo đảm cho một tương lai công bằng và thịnh vượng.​

Phải Làm Gì?
Docat 35: Có phải học thuyết xã hội của Giáo Hội chỉ dành cho các Kitô hữu?
Học thuyết xã hội của Giáo Hội chẳng có nội dung nào nằm ngoài hay vượt quá trí phán đoán lành mạnh của con người. Tuy nhiên, các vị giáo hoàng luôn nhấn mạnh rằng học thuyết xã hội có ý nghĩa đặc biệt đối với các tín hữu Công giáo. Vì học thuyết này chủ yếu được linh hứng từ niềm tin vào Thiên Chúa yêu thương và công bình, nên mỗi hành động vì công lý hay tình yêu đều được xem xét trong ánh sáng của Thiên Chúa và lời hứa của Ngài. Điều này cũng đòi buộc các Kitô hữu phải hoàn thành tốt đẹp trong việc thực hành học thuyết này. Tuy vậy, tất cả những ai có thiện chí đều cảm thấy rằng giáo huấn xã hội này cũng dành cho cả họ nữa.​
 
"Ask, and it will be given to you" (Mt7,7)
Tham gia
1/9/24
Bài viết
66
Chúa Giê-su ví:"Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men". Với điều kiện xã hội văn hóa và chính trị Việt Nam hiện nay, dường như Giáo Huấn Xã Hội chỉ có thể áp dụng và chính trong đời sống giáo xứ và các Ki-tô hữu, một khi chúng ta xây dựng tốt 1 Hội Thánh Hiệp Hành theo đường hướng tôn trọng nhân phẩm, công lý, hòa bình, liên đới và bổ trợ cho nhau thì ắt xã hội cũng sẽ "dậy men". Phải nhìn nhận, hiện nay qua 3 năm hướng đến Hội Thánh Hiệp Hành 2021-2023, ta vẫn chưa thấy có sự chuyển biến rõ rệt nào trong đời sống sinh hoạt, hoạt động của giáo xứ, mà mới dừng lại ở việc truyền thông và thư ngỏ...(ý kiến cá nhân)
 
  • Like
Like: .
Đi tìm chân lý
Tham gia
25/1/24
Bài viết
836
Mình cũng có điểm đồng ý với quan điểm của bạn về việc Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo trước tiên cần được áp dụng trong đời sống giáo xứ và nơi các Ki-tô hữu, để từ đó tạo ra sự "dậy men" cho xã hội.

Giáo Huấn Xã Hội cung cấp cho chúng ta góc nhìn đúng đắn về các vấn đề xã hội, giúp chúng ta có những nguyên tắc để suy tư và tiêu chuẩn để phán đoán, chỉ dẫn để hành động. Điều này sẽ làm tăng tính thuyết phục khi chúng ta đối thoại về các vấn đề xã hội. Ví dụ khi nhiều người cho rằng "Mọi việc để cho nhà nước lo vì đó là trách nhiệm của nhà nước". Nhưng khi học Giáo huấn ta sẽ có góc nhìn khác, Giáo huấn đưa ra nguyên tắc bổ trợ và sự tham gia. Như vậy tất cả mọi người đều có trách nhiệm tham gia vào việc xây dựng xã hội chứ không đẩy hết mọi việc cho nhà nước.

So sánh Việt Nam với nước ngoài dễ dẫn đến tâm lý phản kháng và giảm tính thuyết phục, khi người ta thường cố gắng chứng minh rằng nước ngoài cũng có vấn đề.
 

Từ Thánh Phêrô đến ĐGH Phanxicô | PhaiLamGi | Video tóm lược danh sách các vị Giáo hoàng – từ Thánh Phêrô, người được chính Chúa Giêsu chọn làm đá tảng xây dựng Hội Thánh, cho đến Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã để lại dấu ấn đậm nét bằng đời sống khiêm nhường, gần gũi và những cải tổ mạnh mẽ vì người nghèo và người bên lề. Một hành trình đức tin, một chuỗi kế vị không gián đoạn, thể hiện sự trung thành của Giáo hội với lời hứa của Đức Kitô: "Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi." (Mt 16,18)

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên