Đi tìm chân lý
- Tham gia
- 25/1/24
- Bài viết
- 836
- Chủ đề Author
- #1
Trên mạng xã hội ta dễ dàng bắt gặp khá nhiều bài viết, video so sánh Việt Nam với nước ngoài. Từ chuyện nhân quyền, chống lũ, chữa cháy, giáo dục, y tế...Nhưng có một điều khá hài hước là ngay sau khi những bài viết so sánh đó được "viral" thì lại có những hình ảnh video ở nước ngoài cũng gặp vấn đề tương tự y như Việt Nam. Điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng: liệu việc lấy "nước ngoài" làm tiêu chuẩn có thực sự hợp lý và bền vững trong bối cảnh xây dựng và phát triển xã hội?
Bức ảnh chụp trên không này được chụp vào ngày 15 tháng 9 năm 2024 cho thấy quang cảnh trung tâm thành phố bị ngập lụt ở Glucholazy, miền nam Ba Lan. © Sergei Gapon, AFP
Chẳng hạn, khi một số người kêu gọi Việt Nam học hỏi Châu ÂU về cách chống ngập, thì không lâu sau, video về cảnh ngập lụt ở Châu Âu lại được chia sẻ rộng rãi. Tương tự, khi có những chỉ trích về chất lượng cầu cống ở Việt Nam, một cây cầu ở Đức cũng sập trong thời gian ngắn sau đó. Ngay cả khi có những phàn nàn về việc Việt Nam không có trực thăng chữa cháy, người ta lại chứng kiến hỏa hoạn tại Hawaii, nơi được trang bị trực thăng hiện đại nhưng vẫn không thể ngăn được thảm họa cháy rừng.
Cầu Carola ở Dresden bị sập một phần nhưng không gây thương vong.
Ảnh của imageBROKER.com GmbH & Co. KG / Alamy Stock Photo
Ảnh của imageBROKER.com GmbH & Co. KG / Alamy Stock Photo
Điều này gợi lên một câu hỏi sâu sắc hơn: Liệu có phải nước ngoài thực sự là tiêu chuẩn lý tưởng mà Việt Nam nên theo đuổi? Và quan trọng hơn, việc so sánh với nước ngoài có thực sự mang lại giá trị xây dựng, hay chỉ là những phán xét nông cạn và dễ bị vặn ngược?
Thực tế là, không quốc gia nào hoàn hảo và không mô hình nào có thể áp dụng một cách máy móc từ nơi này sang nơi khác. Mỗi quốc gia có điều kiện lịch sử, văn hóa, và kinh tế khác nhau. Việt Nam, với đặc thù của mình, cần một nền tảng tư tưởng và phương pháp phát triển phù hợp với hoàn cảnh và giá trị nội tại của dân tộc. Việc chạy theo các mô hình của nước ngoài mà không cân nhắc đến sự khác biệt văn hóa, địa lý và chính trị có thể dẫn đến những kết quả không mong muốn, thậm chí là sai lầm.
Cần tìm kiếm một nền tảng vững chắc hơn để định hướng phát triển xã hội
Trong bối cảnh đó, chúng ta cần tìm kiếm một nền tảng vững chắc hơn để định hướng phát triển xã hội. Giáo huấn Xã hội Công giáo không phải là một hệ thống hoàn hảo nhằm thay thế mọi hệ thống khác, nhưng nó cung cấp một khung tư duy vững chắc giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân và xã hội trong việc xây dựng một cộng đồng tốt đẹp.
Những nguyên tắc phẩm giá con người, công ích, bổ trợ liên đới, những giá trị sự thật, tự dó công lý và bác ái cần được đặt lên hàng đầu trong việc xây dựng và cải thiện xã hội. Đây không phải là những tiêu chuẩn chủ quan hay mang tính thời thượng, mà là những nguyên tắc vững bền, được xây dựng trên mối tương quan giữa con người với nhau và với Thiên Chúa.
Ảnh: catholiccharitiesks.org
Nếu chúng ta chỉ dựa vào những hình ảnh hào nhoáng của nước ngoài để làm tiêu chuẩn, thì rất dễ mắc sai lầm trong việc đánh giá và định hướng phát triển xã hội. Thay vào đó, Giáo huấn Xã hội Công giáo mời gọi chúng ta đi sâu vào bản chất của vấn đề, không chỉ nhìn vào hiện tượng bề ngoài mà phải hiểu sâu hơn về các giá trị nền tảng của nhân loại. Những giá trị này giúp chúng ta định hình một xã hội không chỉ dựa trên vật chất, mà còn dựa trên sự tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền của mọi người.
Cuối cùng, việc so sánh Việt Nam với nước ngoài để học hỏi không hẳn là sai, nhưng phải có sự suy xét kỹ lưỡng và có phương pháp. Chúng ta cần một tiêu chuẩn vững chắc hơn để xây dựng đất nước, và Giáo huấn Xã hội Công giáo chính là nền tảng cần thiết để hướng dẫn xã hội theo con đường chân lý và công lý. Thay vì chạy theo những mô hình nước ngoài, chúng ta cần xây dựng một hệ thống xã hội dựa trên những giá trị nhân bản và luân lý, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Việt Nam. Đây mới là con đường bền vững để phát triển xã hội, bảo đảm cho một tương lai công bằng và thịnh vượng.
Phải Làm Gì?
Docat 35: Có phải học thuyết xã hội của Giáo Hội chỉ dành cho các Kitô hữu?
Học thuyết xã hội của Giáo Hội chẳng có nội dung nào nằm ngoài hay vượt quá trí phán đoán lành mạnh của con người. Tuy nhiên, các vị giáo hoàng luôn nhấn mạnh rằng học thuyết xã hội có ý nghĩa đặc biệt đối với các tín hữu Công giáo. Vì học thuyết này chủ yếu được linh hứng từ niềm tin vào Thiên Chúa yêu thương và công bình, nên mỗi hành động vì công lý hay tình yêu đều được xem xét trong ánh sáng của Thiên Chúa và lời hứa của Ngài. Điều này cũng đòi buộc các Kitô hữu phải hoàn thành tốt đẹp trong việc thực hành học thuyết này. Tuy vậy, tất cả những ai có thiện chí đều cảm thấy rằng giáo huấn xã hội này cũng dành cho cả họ nữa.
Cùng chủ đề