Behold God’s Providence
- Tham gia
- 17/12/23
- Bài viết
- 1,106
- Chủ đề Author
- #1
Trong buổi tiếp kiến đầu tiên dành riêng cho giới truyền thông sau khi được bầu hôm 12/5, Đức Giáo hoàng Lêô XIV đã kêu gọi các nhà báo từ bỏ định kiến, sự giận dữ trong đưa tin và hãy trở thành những người kiến tạo hòa bình bằng truyền thông lắng nghe, xây dựng và trung thực. Đồng thời, ngài nhấn mạnh sự cần thiết của Học thuyết xã hội Công giáo trong thời đại AI.
Đức Giáo hoàng Lêô XIV gặp gỡ giới truyền thông ngày 12/5
"Phúc cho ai xây dựng hòa bình", Đức Lêô XIV gửi một lời chúc lành, đặc biệt là với các nhà báo, những người đang ở tuyến đầu trong việc đưa tin về xung đột, bất công và khát vọng hòa bình.
Đức Giáo hoàng bày tỏ sự quan ngại về tình trạng các nhà báo bị cầm tù vì công việc của họ. "Sự đau khổ của những nhà báo bị giam giữ đang thách thức lương tri của các quốc gia và cộng đồng quốc tế, mời gọi tất cả chúng ta bảo vệ món quà quý giá là tự do ngôn luận và tự do báo chí," ngài nói.
Tuy không nêu rõ quốc gia hay cá nhân cụ thể, lời kêu gọi này diễn ra trong bối cảnh nhiều tổ chức quốc tế như RSF và CPJ lên tiếng về việc gia tăng các vụ bắt giữ nhà báo trên toàn cầu.
Phát biểu trước các phóng viên đã đưa tin về lễ tang Đức Giáo hoàng Phanxicô và mật nghị hồng y vừa qua, Đức Giáo hoàng Lêô XIV bày tỏ lòng biết ơn vì nỗ lực vượt qua những định kiến và sáo rỗng khi nói về đời sống Kitô giáo.
"Chúng ta không cần truyền thông ồn ào, hiếu chiến," ngài nói. "Thay vào đó, chúng ta cần một nền truyền thông biết lắng nghe, biết tạo nên những không gian nhân văn và kỹ thuật số dành cho đối thoại."
Vì thế, lựa chọn từ ngữ, phong cách đưa tin của nhà báo có tác động quyết định đến nhận thức xã hội và hoà bình chung.
Hướng đến tương lai, Đức Giáo hoàng Lêô XIV cho biết ngài chọn tông hiệu “Lêô” để tưởng nhớ Đức Giáo hoàng Lêô XIII – vị giáo hoàng của thông điệp Rerum Novarum (1891) mở đầu cho học thuyết xã hội Công giáo hiện đại. Cùng với đó là sự cần thiết phải canh tân học thuyết xã hội Công giáo để đáp ứng “cuộc cách mạng công nghiệp mới” trong thời đại trí tuệ nhân tạo.
“Tôi đặc biệt nghĩ đến trí tuệ nhân tạo – một công cụ có tiềm năng khổng lồ, nhưng đòi hỏi trách nhiệm và phân định rõ ràng, để bảo đảm rằng nó phục vụ công ích và phẩm giá con người,” Đức Giáo hoàng nói.
Trả lời các câu hỏi bên lề, Đức Giáo hoàng xác nhận ngài đang chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ cùng Thượng phụ Đại kết Bácthôlômêô nhân dịp kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Nixêa (325). Tuy chưa công bố lịch trình chính thức, ngài khẳng định thiện chí tiếp nối nỗ lực đại kết của Đức Phanxicô.
Phải làm gì?
Docat 41: Dùng phương tiện truyền thông thế nào cho đúng?
Dùng phương tiện truyền thông cách khôn ngoan là một thách thức cho tất cả mọi người. Ngay cả với các phương tiện truyền thông đại chúng cổ điển (báo giấy, truyền thanh, truyền hình), người ta cũng phải quyết định cần tập trung vào điều gì. Sự hưởng dùng thụ động thường khiến “người dùng” cảm thấy chán nản và trống rỗng về mặt tinh thần. Về điều này, cha mẹ, giáo viên, hay người hướng dẫn các nhóm thanh thiếu niên, phải chịu trách nhiệm đặc biệt. Họ phải làm gương cho con em và thanh thiếu niên về đường lối sử dụng có kỷ luật các phương tiện truyền thông, và giúp các em làm quen với những nội dung phong phú, lành mạnh. Trong trường hợp của phương tiện truyền thông kỹ thuật số, mức độ trách nhiệm phải được nâng cấp, với lý do như sau: người ta không còn là kẻ tiếp nhận thụ động, chỉ xem những gì người khác in ra, gửi tới, hay sản xuất, mà còn có thể tham gia như một nhà sản xuất, gõ “thích” hay bình luận hoặc đưa một tin nhắn, viết blog, tải đoạn video, hay hình ảnh lên mạng. Do vậy, người ta phải chịu một trách nhiệm có thể sánh được với trách nhiệm của bất cứ nhà cung cấp các phương tiện truyền thông đại chúng nào khác.