Thú vị: Tên Việt và biệt danh của một số vị thừa sai ngoại quốc ở Việt Nam

5.00 star(s) 1 Vote
phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
472

Trong lịch sử gần 500 năm truyền giáo tại Việt Nam, hình ảnh các vị thừa sai nước ngoài đã trở nên thân thiết, gắn bó với quê hương Việt Nam.


phailamgi_Đức cha Pierre Jean Marie Gendreau (Đức cha Đông), Đại diện Tông tòa Hà Nội.jpg

Đức cha Pierre Jean Marie Gendreau (Đức cha Đông), Đại diện Tông tòa Hà Nội. Ảnh TGP. Hà Nội

Chọn Việt Nam làm quê hương

Phần lớn các thừa sai, khi đến Việt Nam thực thi sứ vụ loan báo Tin mừng, họ đều đã chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai của mình.

Họ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau: Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Canada, Ailen, Nhật, Trung Quốc…

Vào thời điểm suốt mấy trăm năm trước thập niên 1940, đi "thừa sai" luôn đồng nghĩa với việc tử đạo, nghĩa là trước khi đi thừa sai, các thừa sai luôn xác định một đi không trở lại.

Họ luôn ra đi trong tâm thế họ được Chúa sai đến Vườn nho của Chúa tại vùng Cận Đông. Do đó, tại miền Truyền giáo, họ tìm mọi cách để hoàn thành sứ vụ Chúa giao, trong đó có việc, cố gắng hội nhập thật sâu vào xã hội Việt Nam đương thời.

phailamgi_ Linh mục Eugene Larouche, C.Ss.R. tên Việt là cha Hiền.jpg
Linh mục Eugene Larouche, C.Ss.R. tên Việt là cha Hiền. Ảnh: DCCT

Chọn một tên Việt Nam

Để hội nhập và thực thi sứ mạng, ngoài việc sáng tạo chữ Quốc ngữ, tổ chức Hội thánh, đào tạo nhân sự… các thừa sai còn cố gắng trở nên một ông Tây đậm chất văn hóa Việt, bằng cách tập thích nghi với phong tục, tập quán, lối sống, lương thực… biết ăn "nước mắm", cá khô…

Ngoài ra, đa số các thừa sai khi đến nhiệm sở của mình ở Việt Nam thường chọn một tên Việt để được hòa mình vào giữa dân chúng, nhất là để diễn tả một mong ước thẳm sâu nào đó. Những tên gọi rất đẹp và thân thương như: cố Hiền, cố Hậu, cố Nhân, cố Đức… trở nên phổ biến.

Các tên riêng này, đôi khi là do các ngài tự chọn cách ngẫu nhiên, theo ước muốn, hoặc do gợi ý của người khác, chẳng hạn: Đức cha Pierre Jean Marie Gendreau (Đức cha Đông), Đại diện Tông tòa Hà Nội, Đức cha Paul Seitz (Đức cha Kim), Giám mục chính tòa Kontum, Đức cha Jean Marie Mazé (Đức cha Kim), Đại diện Tông Tòa Hưng Hóa…

Đôi khi, các ngài lấy một âm trong tên mình và việt hóa thành tên Việt, như Đức cha Eugène Marie Joseph Allys, tên Việt là Đức cha Lý, Đại diện tông Tòa Huế; thừa sai Jean Bonnal, tên Việt là Bổn, thừa sai Jean Dégout, tên Việt là Cố Đề…

phailamgi_Đức cha Allys, Đức cha Lý, Đại diện Tông Tòa Huế..jpg
Đức cha Allys, Đức cha Lý, Đại diện Tông Tòa Huế. Ảnh: phailamgi.com

Và được phong biệt hiệu

Không chỉ chọn cho mình một tên để nên giống người Việt, nhiều thừa sai, ngoài nhiệm vụ loan báo Tin mừng còn cố gắng đem các kỹ thuật tân tiến của kỹ thuật Tây Phương vào giúp người dân phát triển kinh tế và sự thành công của các ngài lớn đến nỗi, những lãnh vực các ngài đóng góp trở thành biệt danh của các ngài.

Những biệt danh nổi tiếng ngày nay còn được nhắc đến như "thừa sai nông gia" (Missionnaire-agriculteur), biệt danh của cha Wendling; "thừa sai điền chủ" (Missionnaire-propriétaire), biệt danh của cha Marie Honoré Tissier hay "thừa sai nhà in", biệt danh dành cho cha Maheu…

Tất cả các vị này, và nhiều thừa sai khác, khi đến Việt Nam, do không có gia đình ruột thịt, do chỉ có một lý tưởng duy nhất là làm chứng cho Tin mừng, nên họ không vun quén tài sản cho cá nhân và gia đình. Nhiều người trong số họ, khi có dịp, còn vận động gia đình đem tiền bạc vào Việt Nam.

phailamgi_Thú vị Tên Việt và biệt danh của một số vị thừa sai ngoại quốc ở Việt Nam_cv1.jpg
Cha Maheu và những học viên học việc in tại Qui Nhơn. Ảnh: Giáo phận Qui Nhơn

Xin ba tấc đất để ở lại...

Không kể những thừa sai vì lao lực, vì bệnh tật, hoặc vì nhiệm vụ mà phải chuyển tới các vùng truyền giáo mới, nhiều thừa sai đã chịu "tử vì đạo" như những ước nguyện của các ngài lúc lên đường đi thừa sai.

Các vị khác thì đã nằm lại vĩnh viễn trên mảnh đất Việt Nam này. Thân xác họ giờ đây nằm rải rác khắp đất nước, từ Lạng Sơn – Cao Bằng cho tới mũi Cà Mau. Có vị an vị trong các ngôi nhà thờ chính tòa, nhưng cũng có những vị mất xác như Cố Cao "thừa sai Vacquier"ở Nam Định, có vị nằm đơn độc trên những cánh rừng vắng, như Đức cha Retord (Liêu)…

Nhiều vị, vì hoàn cảnh lịch sử, khi bị trục xuất khỏi Việt Nam, đã chỉ xin chính quyền mới một ân huệ là xin ba tấc đất để được nằm lại mãi trên quê hương Việt Nam của các ngài.

Thật xúc động và biết ơn! Người Công giáo Việt Nam hôm nay, và những ai có lương tri cần ghi nhớ điều này, Việt Nam được như hôm nay, là nhờ công đức của các vị thừa sai. Họ, mỗi người theo cách của mình, đã hy sinh chính mình vì một quê hương Việt Nam yêu dấu!​
 

[LIVE] Thánh Lễ của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV với các Hồng Y – Thứ Sáu 9/5 - PHAILAMGI.COM - Vào lúc 11:00 giờ Roma (tức 16:00 giờ Việt Nam) ngày thứ Sáu 9/5/2025, Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ chủ sự Thánh lễ đầu tiên với các Hồng Y tại Nhà nguyện Sistine - Đây là một nghi lễ mang tính biểu tượng sâu sắc, đánh dấu khởi đầu chính thức của triều đại mới. Trong Thánh lễ này, Đức Thánh Cha sẽ cùng các Hồng Y hiệp thông cầu nguyện cho sứ vụ lãnh đạo Hội Thánh hoàn vũ mà Ngài vừa được trao phó.

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên