Behold God’s Providence
- Tham gia
- 17/12/23
- Bài viết
- 1,227
- Chủ đề Author
- #1
Công nghệ số kết nối con người chưa từng mạnh mẽ như hôm nay, thì nghịch lý cô đơn lại trở thành một đại dịch thầm lặng. Sự cô lập xã hội có tác hại tương đương việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và sa sút trí tuệ. Người trẻ, người già, ai cũng có thể là nạn nhân. Giáo hội phải làm gì trước tình trạng này?
Một số khảo sát cho thấy, hiện nay cứ ba người trẻ thì có một người thường xuyên cảm thấy hoàn toàn đơn độc. Cô đơn là vết rạn sâu nơi tâm hồn, làm tổn thương căn tính xã hội của con người.
Theo Giáo huấn Xã hội của Giáo hội, con người cần sống trong xã hội. Chỉ trong tương quan với tha nhân qua trao đổi, phục vụ và đối thoại, con người mới phát triển các tiềm năng của mình (x. Docat #48). Thánh Kinh cũng khẳng định ngay từ khởi đầu: “Con người ở một mình thì không tốt” (St 2,18).
Sự thiếu vắng hiệp thông xã hội này càng trở nên trầm trọng sau đại dịch COVID-19. Báo cáo từ tổ chức ACST Catholic, thời gian sống một mình đã tăng trung bình 24 giờ mỗi tháng từ năm 2003 đến nay, trong khi thời gian gặp gỡ bạn bè suy giảm mạnh. Kết nối kỹ thuật số, thay vì gắn kết, đang dẫn tới “cô đơn giữa đám đông” – sự đông đúc giả tạo nhưng rỗng tuếch.
Đứng trước thực trạng đó, đối với người Công giáo, câu trả lời đầu tiên cho "đại dịch" cô đơn này chính là Đức Giêsu Kitô. Người đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Ngài hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, gắn kết mỗi người vào thân thể mầu nhiệm của Ngài.
Giáo hội là “chuồng chiên mà cửa chuồng duy nhất và cần thiết là chính Đức Kitô”. Trong mỗi giáo xứ, Ngài còn hiện diện qua tình huynh đệ – điều mà những người cô đơn đang khao khát hơn bao giờ hết. Nếu cô đơn là một trong những nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng sức khỏe tâm thần, thì tình bạn nơi cộng đoàn giáo xứ chính là phương thuốc hữu hiệu. Nhưng giáo xứ không thể mặc định người ta sẽ thấy mình là cộng đoàn; cần phải chủ động kiến tạo nền văn hóa hiệp thông.
Điều này cần bắt đầu từ những hành động đơn sơ: một lời chào thân thiện sau Thánh lễ, một cuộc gọi thăm người vắng mặt, một lời mời ai đó tham dự sinh hoạt hội đoàn. Những cử chỉ mà đang làm sống lại hình ảnh người Samaritanô nhân hậu, người đã dừng lại, chăm sóc và đưa người bị thương trở lại với cộng đoàn.
Dù vậy, xây dựng hiệp thông không phải là điều dễ dàng. Những rào cản về thế hệ, văn hóa, và nhịp sống hiện đại khiến nhiều người, đặc biệt là người trẻ cảm thấy xa lạ với Giáo hội. Để vượt qua, cần mời gọi người trẻ khám phá “tính chân thực và huyền nhiệm” của Đức tin; chia sẻ các câu chuyện kết nối từ tòa giảng hay bản tin giáo xứ để truyền cảm hứng.
Công nghệ cũng có thể là trợ lực nếu biết sử dụng đúng cách. Nhưng tình bạn đích thực phải là trực tiếp và cá vị.
Trước đại dịch cô đơn, Giáo hội không thể im lặng. Ngược lại, đây là cơ hội để Giáo hội trở thành ngọn đèn soi sáng, ngôi nhà đón tiếp và là gia đình cho những ai bị bỏ rơi. Mỗi người Kitô hữu được mời gọi trở thành đôi tay và đôi chân của Đức Kitô, người thấy, lắng nghe và yêu thương người bị lãng quên.
Hãy mời một người lạ đến nhà thờ. Hãy gọi cho người bạn đang dần xa cộng đoàn. Hãy phục vụ trong hội đoàn hay nhóm nhỏ. Vì trong Đức Kitô và trong Giáo hội, không ai phải sống một mình. Và ở đó, chúng ta tìm được nơi trú ẩn, tìm thấy gia đình.
- Ảnh trong bài: Unsplash
Phải làm gì?
Docat 48:Tại sao mỗi người là một hữu thể xã hội?
Một người chỉ có thể sống sót và phát triển nhờ vào sự giúp đỡ của những người khác. Làm người không chỉ là sống trong mối liên hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, mà còn phải cố gắng cẩn trọng để giữ mối giao hảo với những người khác nữa. Điều này khởi đầu từ trong gia đình, rồi thể hiện nơi nhóm bạn bè, và cuối cùng mở ra cho xã hội. Điểm cơ bản ở chiều kích xã hội của con người là chúng ta được tạo dựng có nam có nữ (St 2,23). Ngay từ đầu, nam và nữ có cùng phẩm giá như nhau. Họ giúp đỡ lẫn nhau, và bổ túc cho nhau, để cùng nhau đương đầu với cuộc sống. Thiên Chúa làm cho sự kết hợp yêu thương giữa nam và nữ sinh hoa kết quả nơi đứa con của họ. Đây là lý do vì sao gia đình là tế bào nguyên thuỷ của mọi xã hội.
Cùng chủ đề