Phù vân nối phù vân Thời gian cứ xoay vần
- Tham gia
- 29/12/23
- Bài viết
- 245
- Chủ đề Author
- #1
Rất lâu trước khi thế giới bàn về AI, deepfake hay thuật toán chi phối quyết định con người, người ta từng tranh luận sôi nổi về một câu chuyện có vẻ đơn giản: “Các linh mục có được phép đi xe đạp không?”
Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, ở một số nơi, việc các linh mục cưỡi xe đạp bị coi là không nghiêm trang. Có người cho rằng hình ảnh một linh mục vướng víu với khung xe, đôi khi ngã lăn ra đường, làm mất đi sự thánh thiêng cần có. Một linh mục “đàng hoàng” thì “phải giữ phong thái trang nghiêm”. Tranh luận ấy, cuối cùng, cũng dần lắng xuống khi xe đạp trở thành phương tiện phổ biến – và người ta nhận ra rằng bản chất không nằm ở chiếc xe, mà ở cách sống và mục vụ của người linh mục.
RCBL MS 1073. Ảnh: churchofireland.org
Câu chuyện ấy giờ đây lại gợi lên trong một bối cảnh rất khác – trí tuệ nhân tạo (AI). Có người lo sợ AI sẽ làm tổn hại đến nhân tính, dẫn đến “vô cảm toàn cầu”, nơi con người phó mặc mọi quyết định cho thuật toán. Có người lại xem AI như công cụ mang lại tiến bộ và công bằng, giúp xóa bỏ bất bình đẳng và nâng cao đời sống con người.
Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong tự truyện Hy vọng, nhắc đến hai nhóm điển hình mà học giả Umberto Eco từng phân biệt: “những người bi quan tận thế” và “những người hòa nhập lạc quan”. Một bên sợ hãi trước mọi đổi thay, bên còn lại sẵn sàng đón nhận cái mới như giải pháp cho mọi vấn đề. Với AI, ranh giới giữa hai thái cực ấy càng rõ rệt: liệu đây là công cụ hủy diệt hay cơ hội đổi đời?
Nhưng Đức Thánh Cha không chọn một thái cực nào. Ngài không kết án cũng không tung hô. Thay vào đó, Ngài mời gọi ta bước một bước lùi để suy ngẫm: “Con người sẽ quyết định trở thành thức ăn cho các thuật toán, hay sẽ tiến bước trên hành trình của mình mà không đánh mất phẩm giá, và tìm lại điều cốt yếu nhất, trung tâm sâu thẳm nhất nơi mỗi người: trái tim.”
Ảnh: admissionxpert.in
Là người sống trong một thời đại đầy rẫy deepfake, thao túng hình ảnh và cảm xúc, Đức Giáo hoàng Phanxicô không đưa ra một bản án, cũng không ca ngợi công nghệ một cách mù quáng. Thay vào đó, ngài nhẹ nhàng nhấn mạnh đến điều cốt lõi mà con người không được phép đánh mất: trái tim – nơi cất giữ tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sự phân định. Dẫu có thuật toán nào tinh vi đến đâu, cũng không thể thay thế khả năng yêu thương, tha thứ và hi sinh – những điều không thể lập trình nhưng lại làm nên nhân loại.
Từ chiếc xe đạp của một linh mục thôn quê đến những thuật toán học máy và dữ liệu lớn, nhân loại vẫn không ngừng hỏi: Chúng ta đang đi đâu? Và ai đang dẫn đường?
Nếu có ai đang bối rối trước thời đại đổi thay, hãy nhớ lại lời thánh Gioan Phaolô II trong Năm Thánh 2000: “Đừng sợ! Mở cửa, thậm chí hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô!” Và biết đâu, như Đức Thánh Cha Phanxicô viết, rượu ngon nhất vẫn chưa được rót ra.
Nội dung bài viết được tham khảo từ cuốn tự truyện "Hy Vọng" của đức giáo hoàng Phanxicô - NXB Thế Giới (Trang 355-360)
Ngoài ra nếu bạn muốn đọc thêm về tranh cãi xoay quanh việc linh mục có nên đi xe đạp vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, có thể đọc tại: Bicycles, Long Coats and Shooting Jackets
Phải Làm Gì?
Docat 46: Giáo Hội có phải chạy theo mỗi bước phát triển công nghệ?
Khoa học và công nghệ là “sản phẩm ngoạn mục của khả năng sáng tạo do Chúa ban cho con người”. Thế nhưng, sự tiến bộ tự nó không phải là cùng đích, và một điều gì đó mới không nhất thiết là điều tốt. Mỗi một sự phát triển cần phải được kiểm tra xem nó phục vụ con người (và do đó phục vụ công ích), hay nó hạ thấp phẩm giá con người, vì nó chào mời những giá trị dễ làm cho người ta ngộ nhận và/hoặc/ gây ra sự lệ thuộc.