phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
472

Từ bao đời nay, các xứ đạo, nhất là các xứ đạo thuộc vùng nông thôn miền Bắc, vẫn được xem là những cộng đoàn vững vàng trong đức tin, bền chặt trong truyền thống gia phong. Tình trạng các cặp vợ chồng ly dị, ngay cả ly thân cực kỳ hiếm. Số các cặp vợ chồng ly dị chỉ đếm trên đầu ngón tay.


phailamgi_Khi tình yêu nguội lạnh Khủng hoảng gia đình trẻ tại các xứ đạo ngày nay_cv1.jpg

Ảnh: thethaovanhoa.vn

Hiện tượng ly dị đáng báo động

Ấy vậy mà gần đây, có một thực trạng đáng báo động: các gia đình trẻ ly thân, ly dị ngày càng nhiều. Năm nay cao hơn năm trước.

Ly dị không còn là hiện tượng lẻ tẻ, đó dường như đang là một “làn sóng âm thầm” len lỏi vào tận nơi từng được coi là thành trì của đạo hạnh.

Tại xứ đạo M.Đ thuộc tỉnh Hải Dương, con số gia đình trẻ ly dị không ít hơn số các gia đình trẻ ly dị theo thống kê của Sở thương binh Xã hội, chiếm khoảng 53% số các gia đình trẻ trong giáo xứ.

Tại giáo xứ L. Tr, giáo phận Bắc Ninh, một giáo xứ truyền thống, trong số hơn 600 gia đình, có từ 50 đến 60 đôi hôn nhân tan vỡ, trong đó có nhiều đôi trên 60 tuổi, cháu chắt đùm đề.

Tại giáo xứ A. T, giáo phận Hải Phòng, trong tổng số 213 gia đình trong giáo xứ, đã có hơn 30 đôi ly dị; trong đó có hàng chục đôi đã tái hôn.

phailamgi_Khi tình yêu nguội lạnh Khủng hoảng gia đình trẻ tại các xứ đạo ngày nay_cv2.jpg
Ảnh: Phunuonline.com.vn

Nguyên nhân gây vỡ đổ

Người ta vẫn hay nói: “Xứ đạo là nơi người ta không chỉ sống đạo mà còn sống cho nhau.” Thế nhưng, giữa đời sống hiện đại đầy biến động, sự gắn bó vợ chồng đang trở nên mong manh. Những cặp đôi trẻ, từng thề hứa trước bàn thờ Chúa, nay dễ dàng buông tay nhau chỉ sau vài năm chung sống, với đôi lần cãi vã.

Nhiều người viện dẫn lý do: không hợp, không chịu nổi nhau, hay “cưới vội vàng quá.” Cũng không thiếu những trường hợp bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội, áp lực gia đình, sự can thiệp của người thứ ba, của các "chuyên gia mạng"… và bởi cái nhìn thực dụng về hôn nhân.

Nhiều bạn trẻ đến với hôn nhân vì cảm xúc nhất thời hoặc lý do lãng mạn, mà thiếu sự hiểu biết sâu xa về trách nhiệm, về tha thứ, và kiên nhẫn... phải có trong hôn nhân.

Trên tất cả là sự phai nhạt trong đời sống đức tin. Cảm thức gia đình là thánh thiêng, là công trình của Chúa không còn, nên không còn gì có thể níu họ kéo dài thêm cuộc hôn nhân đã nhạt nhòa, kể cả có kêu gọi ý thức trách nhiệm của họ đối với con cái.

phailamgi_Khi tình yêu nguội lạnh Khủng hoảng gia đình trẻ tại các xứ đạo ngày nay_1.jpg
Ảnh: Unsplash

Những hậu quả khôn lường

Hậu quả là: con cái trong những gia đình ấy đang lớn lên với nhiều tổn thương và thiếu thốn — không chỉ thiếu thốn về vật chất mà là sự vắng mặt của một mái ấm trọn vẹn.

Trong các gia đình đổ vỡ, “người trẻ bị mất gốc, người già bị bỏ rơi, con cái mồ côi trong khi cha mẹ chúng vẫn còn sống, thanh thiếu niên mất định hướng và không được bảo vệ.” (Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Của Tình Yêu, # 51)

Ngoài ra, nền móng đức tin truyền thống, từng được truyền từ ông bà cha mẹ, đang đứng trước nguy cơ bị đứt đoạn nơi thế hệ mới.

Tình trạng này không chỉ là vấn đề riêng tư của từng đôi vợ chồng, mà là một vết rạn lớn trong thân thể Hội Thánh. Gia đình vốn là “Hội Thánh tại gia,” (Vatican II, LG # 11) là nơi đầu tiên con người học yêu thương, tha thứ và hy sinh. Khi những mái ấm trẻ rạn nứt, cũng là lúc cộng đoàn giáo xứ trở nên lạnh lẽo hơn, bớt đi những tiếng cười, những lời cầu nguyện chung và tinh thần nâng đỡ lẫn nhau. (x. Ibid., # 52)

phailamgi_Khi tình yêu nguội lạnh Khủng hoảng gia đình trẻ tại các xứ đạo ngày nay_2.jpg
Ảnh: Canva

Những câu hỏi đặt ra

Trong tư cách là Mẹ và là Thầy trong đời sống gia đình, trước tình trạng li dị, li thân ngày càng gia tăng nơi các gia đình trẻ, Giáo hội sẽ làm gì để ít là giảm bớt số ca li dị, li thân?

Phải chăng Giáo hội Việt Nam đang thiếu một mục vụ hôn nhân đồng hành sâu sát hơn với mọi gia đình, cách riêng các gia đình đang trên bờ vực đổ vỡ?

Phải chăng giới trẻ chưa được chuẩn bị kỹ càng về đời sống vợ chồng và tinh thần trách nhiệm? Hay xã hội hiện đại đã tác động quá mạnh, khiến con người đề cao cái tôi mà quên mất lời hứa hiến thân?

Tất cả những câu hỏi ấy cần được trả lời không chỉ bằng lời giảng dạy, mà còn bằng sự lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành.

Có lẽ đã đến lúc cần một cuộc khảo sát thực tế nghiêm túc, để lắng nghe chính những người trong cuộc nói lên tiếng lòng mình. Bởi chỉ khi hiểu rõ vết thương, ta mới biết cách băng bó và chữa lành.​

Phải làm gì?​

Docat 125: Hôn nhân có ý nghĩa gì cho gia đình?

Hôn nhân là nền tảng của gia đình. Đối với các Kitô hữu, hôn nhân là một bí tích, do đó, trở thành một dấu chỉ quan trọng từ Thiên Chúa cứu độ. Tuy nhiên, ngay cả trước khi hôn nhân được nâng lên thành bí tích, Giáo Hội cũng đã xác tín và cảm nghiệm rằng hôn nhân là cơ sở tối ưu cho đời sống chung của người nam, người nữ, và trẻ em. Chỉ trong hôn nhân, một sự tin cậy vô điều kiện mới được đảm bảo, một sự tin tưởng không bị thời gian hay những giới hạn khác chi phối. Do đó, hôn nhân mang đến cho tất cả các thành viên của gia đình sự bảo vệ phù hợp với con người, và không gian họ cần để phát triển.​
 

[LIVE] Thánh Lễ của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV với các Hồng Y – Thứ Sáu 9/5 - PHAILAMGI.COM - Vào lúc 11:00 giờ Roma (tức 16:00 giờ Việt Nam) ngày thứ Sáu 9/5/2025, Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ chủ sự Thánh lễ đầu tiên với các Hồng Y tại Nhà nguyện Sistine - Đây là một nghi lễ mang tính biểu tượng sâu sắc, đánh dấu khởi đầu chính thức của triều đại mới. Trong Thánh lễ này, Đức Thánh Cha sẽ cùng các Hồng Y hiệp thông cầu nguyện cho sứ vụ lãnh đạo Hội Thánh hoàn vũ mà Ngài vừa được trao phó.

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên