Ba cách tôi học được để sống đức tin nơi làm việc, theo gương Thánh Giuse Thợ

5.00 star(s) 1 Vote
Thành viên
Tham gia
5/2/24
Bài viết
149

Tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc sống đức tin nơi làm việc của mình sau khi tình cờ đọc về lịch sử ngày lễ Thánh Giuse Thợ. Trước đây, với tôi, ngày 1/5 đơn giản là một dịp nghỉ lễ – một ngày để tránh kẹt xe và tạm rời bàn làm việc. Nhưng sau khi tìm hiểu, hóa ra ngày này mang rất nhiều ý nghĩa, đặc biệt là với người Công giáo.​

Vào năm 1955, Đức Giáo hoàng Piô XII đã thiết lập lễ Thánh Giuse Thợ, đặt trùng với Ngày Quốc tế Lao động. Từ đó, một tuyên ngôn mạnh mẽ được đưa ra: Lao động không chỉ là chuyện cơm áo gạo tiền, mà còn là một phần trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Trái với quan điểm của các chủ nghĩa vô thần, vốn chỉ xem lao động phương tiện vật chất đơn thuần, chứ không thể là cầu nối giữa con người với Thiên Chúa.

Là người Công giáo, tôi có thể sống đức tin của mình ở nơi làm việc như thế nào? Và làm sao để công việc hàng ngày – đôi khi là những thứ rất áp lực, tẻ nhạt – lại có thể trở thành một phần trong hành trình thiêng liêng của tôi?​

phailamgi_Ba cách tôi học được để sống đức tin nơi làm việc, theo gương Thánh Giuse Thợ_cv1.jpg


Sau nhiều năm làm việc trong môi trường văn phòng, có lúc thuận lợi, có lúc mệt mỏi đến mức muốn buông xuôi, tôi rút ra được ba điều. Ba cách đơn giản nhưng thật sự giúp tôi giữ được đức tin và thậm chí sống nó một cách tích cực hơn mỗi ngày – giữa những email, deadline và cả những đồng nghiệp “khó ở”.

Dâng công việc mỗi ngày cho Chúa​

Trước đây tôi chỉ quen đọc kinh sáng và tối, nhưng giờ tôi thêm một lời cầu nguyện rất ngắn vào đầu mỗi ngày làm việc: “Lạy Chúa, con dâng mọi việc hôm nay – cả thành công lẫn thất bại – cho Chúa."

Việc này nghe có vẻ nhỏ, nhưng nó thay đổi hoàn toàn cách tôi nhìn công việc. Những việc trước đây tôi thấy chán ngán – như soạn báo cáo hay họp hành liên miên – giờ đây trở thành “lễ vật” dâng cho Chúa. Tôi cảm thấy công việc mình có giá trị hơn, vì nó không chỉ để hoàn thành chỉ tiêu, mà còn để sống hiệp thông với Thiên Chúa.

phailamgi_Ba cách tôi học được để sống đức tin nơi làm việc, theo gương Thánh Giuse Thợ_cv2.jpg

Cầu nguyện giữa những căng thẳng nơi công sở​

Tôi từng có một đồng nghiệp khiến tôi “nổi máu” chỉ trong 5 phút đầu của cuộc họp. Cô ấy rất hay bắt bẻ và luôn muốn thể hiện mình đúng. Trước đây tôi thường chuẩn bị “phản đòn” trong đầu. Nhưng rồi, tôi thử làm một điều khác: trước mỗi cuộc họp, tôi cầu nguyện thầm trong lòng: “Xin Chúa cho con sự bình an. Xin giúp con hiểu người này, và cư xử với cô ấy như Chúa muốn.”

Điều kỳ diệu là chính tôi thay đổi trước. Tôi bình tĩnh hơn, lắng nghe nhiều hơn. Và dần dần, mối quan hệ công việc với cô ấy cũng dịu lại. Cầu nguyện là để thay đổi chính mình.

Sống các nhân đức giữa nơi làm việc​

Trong một môi trường mà cạnh tranh, đố kỵ, nói xấu sau lưng là chuyện thường ngày – việc sống trung thực, công bằng và tử tế giống như... đi ngược dòng. Nhưng tôi tin, đây chính là lúc đức tin thể hiện rõ nhất.

Tôi cố gắng kiên nhẫn hơn khi cộng sự làm sai. Tôi từ chối những “cơ hội” mờ ám. Tôi chọn im lặng khi nghe đồng nghiệp nói xấu người khác. Tôi học cách tử tế dù không được đáp lại. Không dễ chút nào. Nhưng mỗi khi làm được, tôi cảm thấy bình an trong lòng – một cảm giác mà không lời khen thưởng hay mức lương nào mang lại được.

phailamgi_Ba cách tôi học được để sống đức tin nơi làm việc, theo gương Thánh Giuse Thợ_1.jpg


Thánh Gioan Phaolô II từng viết trong Laborem Exercens: “Con người không chỉ làm việc để kiếm sống, mà qua lao động, họ phát triển chính bản thân mình.” (#9)

Tôi cảm thấy mình đang sống điều đó. Nhờ dâng công việc cho Chúa, cầu nguyện trong khó khăn và sống các nhân đức nơi công sở, tôi thấy công việc không còn là gánh nặng, mà là con đường để lớn lên trong đức tin – dù chỉ từng chút một mỗi ngày.

Và tôi biết, Thánh Giuse – người thợ âm thầm và trung tín năm xưa – đang âm thầm đồng hành cùng tôi mỗi ngày, trong từng cú click chuột, từng cuộc họp, từng lời nói giữa đồng nghiệp.​

  • Ảnh trong bài: Canva

Phải làm gì?​

Docat 134: Lao động có ý nghĩa gì đối với con người?

Có khả năng làm việc, có công ăn việc làm, và có thể tạo nên một thành tựu nào đó cho bản thân và người khác, là nguồn hạnh phúc lớn lao đối với nhiều người. Thất nghiệp, không được cần tới, khiến người ta thấy mình như bị tước mất phẩm giá. Qua công việc, con người phát triển những thiên hướng và năng lực của mình, cũng như tham gia vào sự tiến bộ về kinh tế, xã hội, văn hoá. Lao động đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa. Thiên Chúa ra lệnh cho con người chinh phục trái đất (St 1,28), bảo tồn và trồng trọt. Lao động có thể trở thành công việc phục vụ giá trị dành cho đồng loại. Hơn thế nữa, việc canh tác trái đất một cách bền vững và sáng tạo để phát triển tiềm năng trái đất, khiến con người trở nên giống như Đấng Tạo Hoá của mình. Việc thực hiện tốt những phận sự đơn giản cũng liên kết con người với Đức Giêsu, chính Người cũng là một người lao động.​
 

Từ Thánh Phêrô đến ĐGH Phanxicô | PhaiLamGi | Video tóm lược danh sách các vị Giáo hoàng – từ Thánh Phêrô, người được chính Chúa Giêsu chọn làm đá tảng xây dựng Hội Thánh, cho đến Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã để lại dấu ấn đậm nét bằng đời sống khiêm nhường, gần gũi và những cải tổ mạnh mẽ vì người nghèo và người bên lề. Một hành trình đức tin, một chuỗi kế vị không gián đoạn, thể hiện sự trung thành của Giáo hội với lời hứa của Đức Kitô: "Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi." (Mt 16,18)

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên