Dành cả triều đại để đến với những "vùng ngoại vi", họ đã về với ngài trong đám tang

5.00 star(s) 1 Vote
Behold God’s Providence
Tham gia
17/12/23
Bài viết
1,056

Trong suốt 12 năm giáo triều, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kiên trì thực hiện sứ vụ đi đến các vùng ngoại vi của thế giới, đúng như điều ngài phát biểu ngay sau khi được bầu chọn vào năm 2013: "Anh em Hồng y đã tìm kiếm Giám mục Rôma đến từ tận cùng trái đất."​

Ngày 26 tháng 4 vừa qua, những vùng ngoại vi ấy đã trở về bên ngài, khi hơn 160 quốc gia gửi phái đoàn đến dự lễ an táng tại Quảng trường Thánh Phêrô, với sự hiện diện của quốc vương, tổng thống, thủ tướng và các nhà lãnh đạo cấp cao từ khắp nơi trên thế giới.​

phailamgi_Dành cả triều đại để đến với những vùng ngoại vi, họ đã về với ngài trong đám tang_cv1.jpg
Các lãnh đạo quyền lực nhất thế giới tiễn biệt linh cữu Đức Phanxicô
Nhiều quốc gia có vị trí địa lý xa xôi như Vanuatu, New Zealand, Úc và Nhật Bản đã cử phái đoàn tham dự. Một số nước tuy chưa từng được Đức Phanxicô viếng thăm, nhưng vẫn hiện diện, gồm Albania, Iceland, El Salvador, Angola, Gabon, Burundi, Sierra Leone, Togo, Zimbabwe, Guinea Xích Đạo, Eswatini, Qatar, Oman và Việt Nam.

Theo Phòng Báo chí Tòa Thánh, trong số 47 quốc gia Đức Giáo hoàng đã từng thăm viếng, chỉ có Kazakhstan và Hàn Quốc vắng mặt tại tang lễ.

Các quốc gia mà Đức Phanxicô từng ưu ái đến thăm như Đông Timor, Cuba, Madagascar, Cộng hòa Trung Phi, Congo, Nam Sudan, Kenya, Mozambique, Maroc, Mông Cổ, Indonesia, Papua New Guinea, Myanmar, Philippines, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain và Palestine cũng đã cử đại diện đến Rôma.

Các nhà lãnh đạo quyền lực thế giới như Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Argentina Javier Milei, Tổng thống Ý Sergio Mattarella, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đều hiện diện. Hoàng tử William của Vương quốc Anh và Toàn quyền Canada Mary Simon cũng có mặt.

Đáng chú ý, Đài Loan được đại diện bởi ông Trần Kiến Nhân, cựu Phó Tổng thống và Thủ tướng, trong khi Trung Quốc đại lục không gửi đại diện chính thức. Đây là chi tiết nhạy cảm trong bối cảnh chỉ có hơn một chục quốc gia, bao gồm cả Thành quốc Vatican, công nhận Đài Loan là quốc gia độc lập.

phailamgi_Dành cả triều đại để đến với những vùng ngoại vi, họ đã về với ngài trong đám tang_cv2.jpg


Theo nghi thức tang lễ Giáo hoàng, các Hồng y, Giám mục và đại diện đại kết được bố trí bên trái quan tài, còn các nguyên thủ quốc gia và phái đoàn chính phủ ngồi bên phải. Trong khu vực VIP, phái đoàn Ý và Argentina được xếp hàng ghế đầu tiên, tiếp theo là các thành viên hoàng gia và các lãnh đạo quốc tế theo thứ tự chính trị và bảng chữ cái tiếng Pháp.

Sự sắp xếp tinh tế này giúp tránh việc các đối thủ chính trị ngồi gần nhau. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy được xếp xa đại diện Nga – bà Olga Lyubimova, Bộ trưởng Văn hóa Nga. Thủ tướng Palestine Mohamed Mustafa cũng được bố trí cách xa đại sứ Israel Yaron Sideman, người được phép đặc biệt tham dự dù tang lễ diễn ra vào ngày Sabbath của người Do Thái.

Tổng thống Trump và Tổng thống Zelenskyy đã có một cuộc trao đổi "rất hiệu quả." Trên mạng xã hội Telegram, ông Zelenskyy mô tả cuộc gặp là "tốt đẹp" và "có thể trở thành bước ngoặt lịch sử nếu những gì đã thảo luận thành hiện thực."

phailamgi_Dành cả triều đại để đến với những vùng ngoại vi, họ đã về với ngài trong đám tang_1.jpg
Tổng thống Trump và Tổng thống Zelenskyy đã có một cuộc trao đổi "rất hiệu quả.
Bức ảnh chụp Trump, Macron, Starmer và Zelenskyy cùng trao đổi trong Đền thờ Thánh Phêrô nhanh chóng được lan truyền. Điều này càng làm nổi bật vai trò của Đức Phanxicô như người kiến tạo những nhịp cầu hòa bình – một thông điệp ngài đã nhiều lần lặp lại, đặc biệt trong Tông huấn Fratelli Tutti (số 8-9).
phailamgi_Dành cả triều đại để đến với những vùng ngoại vi, họ đã về với ngài trong đám tang_2.jpg

Đám tang còn có sự hiện diện của các lãnh đạo tôn giáo khác, gồm Chính Thống giáo, Anh giáo, Luther, Methodist, Evangelical, cũng như các đại diện Do Thái giáo, Phật giáo, Hindu giáo, Kỳ Na giáo, Hỏa giáo và Sikh giáo. Đức Thượng Phụ Đại kết Bartholomew I, Tổng Giám mục Anthony của Chính Thống giáo Nga, và Đức Giáo chủ Karekin II của Giáo hội Tông truyền Armenia đều tham dự.

Sự hiện diện đông đảo của các nhà lãnh đạo thế giới đã làm dấy lên những chỉ trích về sự "đạo đức giả". Đức Hồng y Domenico Battaglia của Napoli cảnh báo trên La Repubblica ngày 26/4: “Có nguy cơ tôn vinh ngài bằng lời nói, nhưng quên ngài trong hành động.” Ngài nhắc lại rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô, giống như các ngôn sứ, đã không ngần ngại "nói thẳng sự thật" (x. Evangelii Gaudium, #258).

Lễ tang của Đức Phanxicô đã trở thành một khoảnh khắc hiếm hoi bạn bè và kẻ thù cùng quy tụ, một lần nữa được nhắc nhớ về lời mời gọi xây dựng "những cây cầu chứ không phải những bức tường" — một di sản mà ngài mong muốn thế giới không chỉ nghe bằng tai, mà còn thể hiện bằng hành động cụ thể (Fratelli Tutti, #6).​

  • Ảnh trong bài: Vatican Media
 

Trực tiếp Lễ An Táng Đức Thánh Cha Phanxicô - PhaiLamGi.com - Thánh lễ an táng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được cử hành vào 10h sáng thứ Bảy, ngày 26/4/2025 (giờ Roma) tại Quảng trường Thánh Phêrô, tương đương 15h chiều theo giờ Việt Nam. Sau Thánh lễ, linh cữu ngài sẽ được an táng tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả. Một số kênh sẽ bắt đầu truyền hình trực tiếp từ 14h hoặc 14h30 (giờ Việt Nam) để giúp người xem chuẩn bị tâm tình tham dự.

4:6556,511 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên