Đức cha Phaolô Lê Đắc Trọng: Người canh giữ Đức tin cho Giáo hội miền Bắc

5.00 star(s) 1 Vote
phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
333

Ngày 9/9/2009, tại quảng trường nhà thờ Nam Định, trước hàng chục ngàn người chít khăn tang u sầu, 300 linh mục và 16 Giám mục tham dự lễ an táng Đức Cố Giám mục Phaolô Lê Đắc Trọng, Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã nhận định:

"Đức cha Phaolô là một cột trụ trong Giáo hội, đặc biệt giáo hội miền Bắc. Ngài đã sống xuyên suốt hai thế kỷ, đã trở thành một chứng nhân sống động, đồng thời cũng là người canh giữ đức tin cho Giáo hội miền Bắc".

phailamgi_Đức cha Phaolô Lê Đắc Trọng_1.jpg

Đức cố Giám mục Phụ Tá Tổng Giáo phận Hà Nội Phaolô Lê Đắc Trọng. Ảnh: giaoxunamdinh.org

Vài hàng gợi nhớ

Đức cha Phaolô Lê Đắc Trọng sinh ngày 15 tháng 06 năm 1918, tại Kim Lâm, Thanh Oai, Hà Nội.

Năm lên 6, ngài được cha mẹ cho theo học chữ Nho tại một trường tư trong làng. Năm 14 tuổi, thấy ngài có chí tu học, gia đình và cha nghĩa phụ gửi ngài vào Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên.

Mãn Tiểu Chủng viện, năm 1940, ngài nhập Chủng viện Xuân Bích, ở phố Liễu Giai, Hà Nội. Ngày 19/12/1946, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Đại chủng viện Xuân Bích bị đóng cửa. Các Thầy Chủng sinh phiêu bạt khắp nơi. Đầu năm học 1947, ngài cùng một số các thầy đã học gần xong chương trình Chủng viện được Bề trên Giáo phận gửi xuống học nốt chương trình tại Học viện Dòng Chúa Cứu Thế ở Ấp Thái Hà.

Ngày 15/6/1948, ngài được chịu chức linh mục. Sau một năm ở Hà Nội, ngài lần lượt được bổ nhiệm phụ trách xứ Nam Định (1949), Giám đốc Trường Lê Bảo Tịnh (1950), Chưởng ấn (1952).

Năm 1953, lần thứ 2 ngài về coi sóc xứ Nam Định và ở lại đây cho đến khi qua đời ngày 7/9/2009.

phailamgi_Đức cha Phaolô Lê Đắc Trọng_2.jpg
Ảnh: TPG Hà Nội

Vị Giám mục luôn tìm ý Chúa

Sau hai lần từ chối làm Giám mục dưới thời Đức Giám mục Giuse Trịnh Như Khuê, vì nhu cầu của Tổng giáo phận Hà Nội, ngài nhận làm Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội khi đã bảy mươi sáu tuổi, quá tuổi về hưu của các Giám mục theo qui định của Giáo hội Công giáo.

Ngày 23 tháng 3 năm 1994, Tòa Thánh loan báo Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm linh mục Phaolô Lê Đắc Trọng làm Giám mục hiệu tòa Igilgili, giữ chức Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội. Thánh lễ phong chức được cử hành ngày 15/8/1994 tại nhà thờ lớn Hà Nội. Ngài chọn khẩu hiệu Giám mục "Vâng theo ý Chúa" cho đời Giám mục của mình.

Chọn khẩu hiệu "Vâng theo ý Chúa", cả đời, ngài đã phải miệt mài đau đáu đi tìm và cố làm sao để thực thi trọn vẹn thánh ý Chúa. Tìm ý Chúa, ngài không chỉ thưa tiếng “Fiat” “xin vâng” theo thánh ý Thiên Chúa mà còn với các bề trên loài người, cả trong những trường hợp xem ra khó mà vâng phục được.

phailamgi_Đức cha Phaolô Lê Đắc Trọng_cv1.jpg
Ảnh: TGP Hà Nội

Một Ngôn sứ nhiệt thành

Giảng trong thành lễ an táng của ngài, ngày 9/9/2009, tại Quảng Trường Nhà thờ Nam Định, Đức cha nguyên Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội Lôrenxô Chu Văn Minh, người con thiêng liêng cũng là người đã sống nhiều năm với Đức cha Phaolô tại Nam Định, đã làm chứng:

Suốt hơn 60 năm làm cha xứ Nam Định, Đức cha Phaolô luôn chứng tỏ là một "mục tử tốt lành, ra công dạy giáo lý cho các giới: thiếu niên, thanh niên, người trưởng thành. Trong những thời cấm cách khó khăn và cả trong chiến tranh, xứ Nam Định chưa bao giờ im tiếng học kinh bổn và giáo lý. Ngài tổ chức hội đoàn cho mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi thành phần, để ai cũng có thể tham gia phục vụ Nước Chúa."

Ngài cũng là một ngôn sứ nhiệt thành luôn hăng say rao giảng Lời Chúa, thời thuận lợi cũng như không thuận lợi. Những bài giảng của ngài súc tích, mạch lạc lôi cuốn lòng người, là đèn sáng soi lối chỉ đường cho dân Chúa. Trong thời kỳ gian khó cấm cách, có lần ngài đang dâng Thánh lễ đêm Noen, người ta cắt điện để không có ánh sáng và không dùng được máy tăng âm, nhưng ngài đã chuẩn bị sẵn mấy chục hòm ắc quy để thay nguồn điện, nên giữa đêm tối, ngài vẫn lớn tiếng rao giảng Lời Chúa. Là một linh mục đạo đức có vốn trí thức sâu rộng, có ý thức hiệp thông nên ngài biên tập và dịch thuật hàng chục cuốn sách đạo. Ngài kín đáo cho đánh máy phổ biến các sách hộ giáo, giáo lý, bài giảng để giúp giáo dân, linh mục, giám mục của các giáo phận chung quanh như Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình."

phailamgi_Đức cha Phaolô Lê Đắc Trọng_cv2.jpg
Ảnh: TGP. Hà Nội

Một mục tử không chấp nhận thỏa hiệp

Trước thế lực sự dữ, dù "vóc người nhỏ bé, sức khỏe mong manh, tính tình hiền lành, nhưng Đức cha Phaolô đã luôn phấn đấu sống ngay thẳng trong một xã hội gian tà. Ngài đã luôn luôn thắng vượt tất cả những gì là phù phiếm chóng qua khi thẳng thắn không thỏa hiệp với những gì gian dối, mập mờ, đen tối." (Phaolô Lê Đắc Trọng, Những Câu chuyện về một thời, toàn tập (Lưu hành Nội bộ) – Cuộc chiến đấu quyết liệt, Bài giảng của Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt trong thánh lễ kỷ niệm 15 năm Giám mục Đức cha Lê Đắc Trọng ngày 14/8/2009 tại Kim Lâm, tr. 518-520)

Năm 2001, khi chính quyền Hà Nội đưa các vật dụng tới xây nhà trái phép trên khu đất của Tòa Khâm sứ trước đây, đại diện cho Tòa Tổng Giám mục, ngài đã khẳng khái lên tiếng trước các quan chức chính phủ: "Bao lâu các ông không trả, bấy lâu chúng tôi chưa thôi đòi".

Năm 2008, thêm một lần nữa Tòa Khâm sứ nóng bỏng do sự tham lam của chính quyền, trong những ngày dầu sôi lửa bỏng khi Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt bị truyền thông mạ lị, vu cáo, ở tuổi 90, ngài lại bỏ Nam Định lên Hà Nội, chỉ để được "hiện diện" với vị bề trên của mình trong công cuộc tìm kiếm công lý và sự thật.

Đối với người dân Nam Định, ngài không chỉ là một người ông, một người cha, mà còn là một chứng nhân anh hùng trong đức tin. Nếu Nam Định có Pháp trưởng Bảy Mẫu nơi 45 trong số 118 vị thánh tử đạo Việt Nam đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho đức tin, thì Nam Định còn có những chứng nhân đức tin anh dũng, sẵn sàng đến mức chịu tử đạo để bảo vệ Giáo hội. Người đó chính là Đức cha Phaolô Lê Đắc Trọng, người được mệnh danh là "người canh giữ đức tin cho Giáo hội miền Bắc" xuyên qua hai thế kỷ.

Nhân dịp giỗ lần thứ 15 của ngài (7/9/2009-7/9/2024), xin thắp nén hương lòng thành kính tri ân và xin ngài ở bên Chúa tiếp tục chuyển cầu Chúa gìn giữ Giáo hội Việt Nam được kiên vững trong đức tin giữa những ba đào thử thách hôm nay.​
 

Khoảnh khắc cuối đời của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên