Đức cố Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê: Vị mục tử kiên cường và trung thành

5.00 star(s) 5 Votes
phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
372

Ngày 27/11/1978, trở về Việt Nam sau khi tham dự các mật nghị bầu Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I và II chưa được hai ngày, Đức cố Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê đột ngột qua đời ở tuổi 80, sau 28 năm trên cương vị Giám mục và hơn 2 năm với tước vị Hồng y.

Sự ra đi của ngài để lại trong lòng các tín hữu sự tiếc thương vô hạn. Từ Rôma, Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã gửi điện chia buồn, và nói lời vĩnh biệt một vị hồng y "kiên cường và trung thành trong sứ mạng làm chứng cho Chúa Kitô tại đất nước Việt Nam".​

phailamgi_Đức cố Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê Vị mục tử kiên cường và trung thành_cv1.jpg

Chân dung Đức cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê. Ảnh: flickr.com

Đôi dòng tiểu sử

Đức cố Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê sinh ngày 11 tháng 12 năm 1898 tại làng Tràng Duệ, xã Tràng An, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.​
  • Ngày 20 tháng 5 năm 1925, Đức Giáo hoàng Piô XI thiết lập Tòa Khâm sứ tại Việt Nam và cử Giám mục Constantino Ayuti làm Khâm sứ tiên khởi. Thầy giảng Giuse Trịnh Như Khuê được Đức Giám mục Hà Nội Pierre Gendreau (Đông) đề cử làm thông ngôn tại Tòa Khâm sứ và được chịu chức linh mục ngày 1/4/1933 tại nhà thờ Kẻ Sở.​
  • Ngày 18 tháng 4 năm 1950, Tòa Thánh loan tin bổ nhiệm linh mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê, hiện đang là linh mục chính xứ giáo xứ Hàm Long, làm Giám mục hiệu tòa Synaus, Đại diện Tông Tòa Hạt Đại diện Tông Tòa Hà Nội.​
  • Ngày 15 tháng 8 năm 1950, tại Nhà thờ Lớn Hà Nội, Đức cha Tađêô Lê Hữu Từ, Giám mục Phát Diệm, đã tấn phong Giám mục cho ngài. Ngài chọn câu: “Hãy theo Thầy” "Sequere me" làm khẩu hiệu Giám mục. Sau khi được tấn phong Giám mục, vì có lòng sùng kính Đức mẹ cách đặc biệt, nên ngài đã ghép tên Đức Mẹ thành tên thánh là Giuse - Maria.​
  • Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Toà Thánh thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam gồm 03 giáo tỉnh : Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Và thành lập các giáo phận địa phương trực thuộc. Đức cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê được bổ nhiệm làm TGM tiên khởi cho TGP Hà Nội.​
  • Ngày 28 tháng 4 năm 1976, Giáo hoàng Phaolô VI chọn Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê làm Hồng y in pectore và là Hồng y tiên khởi của Việt Nam.​
phailamgi_Đức cố Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê Vị mục tử kiên cường và trung thành_cv2.jpg
Từ trái sang phải: Đức Cha John Dooley , Khâm sứ Tòa Thánh, Đức cha Khuê, ông Nguyễn Hữu Trí - Thủ Hiến Bắc Kỳ và cha Anton Tuyên, Bề trên tu viện Thái Hà, nhân ngày làm phép trường Trung học Khâm Thiên. Ảnh : Phailamgi.com

Ở lại với đoàn chiên

Năm 1954, trong lúc một số Đức Giám mục các giáo phận Bùi Chu, Phát Diệm, Hải Phòng đưa các giáo dân di cư vào Nam, Đức cố Hồng y đã chọn ở lại với đoàn chiên của mình. Ngài đưa về quanh ngài, hoặc đặt ở những nơi quan trọng các linh mục trẻ đầy năng lực từng đi du học tại các đại học Công giáo ngoại quốc, như Cha Thông, Cha Oánh, cha Quynh, cha chính Vinh ở Hà Nội, các cha Căn, Tụng, Thuyết, Bằng ở Phủ Lý, cha Nhân, cha Trọng, cha Vượng ở Nam Định… Nhờ thế, tình hình giáo phận Hà Nội tương đối ổn định giữa thời ly loạn. (x. Phaolô Nguyễn Đắc Trọng, Những Câu chuyện về Một thời, Toàn tập, (Lưu hành nội bộ), 309-310).

phailamgi_ĐHy Khuê_chân dung.jpg
Chân dung ĐHY Khuê thời trẻ. Ảnh: phailamgi.com

Không chỉ ở lại với chiên, kinh lược các giáo xứ khi có thể, ban hành các thư chung hướng dẫn, Đức cố Hồng y còn kiên cường giữ cho đoàn chiên trung thành với đức tin tinh tuyền của Hội thánh, không chấp nhận để đoàn chiên bị nhuộm đỏ bởi chủ nghĩa vô thần.

Trong thực tế, ngay sau khi thủ đô được giải phóng (10/10/1954), trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đức cố Hồng y Khuê đã bày tỏ thiện chí muốn cùng chính phủ làm cho thế giới thấy được Giáo hội Công giáo có thể sống chung hòa bình với chế độ.

Tuy nhiên, sau đó, chứng kiến những vi phạm về tự do tôn giáo, những sai trái trong công cuộc cải cách ruộng đất, việc thành lập Ủy ban liên lạc những người Công giáo yêu Tổ quốc, yêu Hòa bình (11/3/1955), nhất là việc chính phủ Ban hành Sắc lệnh 234 về Tự do tôn giáo (14/6/1955) nhằm hạn chế tôn giáo… Đức cố Hồng y đã tỏ rõ lập trường, kiên quyết bảo vệ Giáo hội đến cùng.

Đối với các linh mục theo Ủy ban Liên lạc Công giáo, ngài không chỉ cùng với các Đức Giám mục khẳng định tổ chức này không thuộc Giáo hội và là mối nguy cho sự thống nhất của Giáo hội, mà còn rút phép thông công những linh mục tham gia. Đối với các linh mục này, khi họ đến xin dầu thánh, ngài chỉ cung cấp cho dầu O.S. (Dầu trừ tà), không cấp cho Dầu S.C (Thêm sức) hay O.I (Dầu bệnh nhân) (x. Gérard Gagnon et Alexis Trépanier, 50 ans au Viet Nam, Vol. XI: Vivre et Survivre (1956-1964), 57)

phailamgi_Đức cố Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê Vị mục tử kiên cường và trung thành_1.jpg
Đức Cố Hồng y Giuse Trịnh Như Khuê ngoài cùng bên phải trong chuyến viếng thăm Vatican yết kiến Đức Giáo hoàng Pio XII. Ảnh: Phailamgi.com

Đối với Phái đoàn Công giáo Tiệp Khắc, ngày 26/10/1955, phái đoàn tới Việt Nam nhằm tuyên truyền "giải độc" cho dân về tự do tôn giáo tại Đông Âu. Đức cha Khuê và các linh mục trong thành phố được mời đến tiếp đón, nhưng không ai đến, trừ cha Chiểu, Hàng Bột bị ép đi. Hôm sau, một đoàn cán bộ đến gặp Đức cha hỏi xem khi nào phái đoàn có thể đến chào Đức cha, xin dâng lễ. Đức cha Khuê yêu cầu các chức sắc trong phái đoàn phải có giấy chứng nhận còn hiệp thông với Hội thánh, nhưng họ không có, nên ngài không cho, buộc họ phải xuống tận Hải Phòng dâng lễ Chúa Kitô Vua.

Việc đoàn khách quí của chính phủ phải xuống Hải Phòng dâng lễ là một sự xấu hổ cho nhà nước, nên bác sĩ Trần Duy Hưng – Chủ tịch UBND Hà Nội, mời Đức cha Khuê lên ủy ban khiển trách vì đã làm mất mặt nhà nước. Ngài trả lời "khi nhà nước muốn mời hàng giáo sĩ cao cấp thì đơn giản phải hỏi ý kiến trước. Còn nếu chính quyền nói mình bị mất danh dự, thì chính quyền cần bảo vệ danh dự bằng cách tôn trọng danh dự của Tòa Thánh." Ông thị trưởng yêu cầu Đức Giám mục mời phái đoàn đến chào Giám mục. Ngài từ chối. Vừa về đến nhà, ngài nhận được một văn thư với lời yêu cầu tương tự và ngài lại từ chối. Các cán bộ đi khắp nơi loan báo ngày thứ ba, lễ Các Thánh Nam Nữ, các linh mục Tiệp Khắc sẽ dâng lễ tại nhà thờ chánh tòa. Ngày lễ các thánh 1/11/1955, phái đoàn được các cán bộ hộ tống đến Tòa Giám mục chào Đức cha Khuê và xin được dâng lễ tại nhà thờ chính tòa. Đức cha tiếp đón phái đoàn cách trọng thị và cho biết hai cha Oánh và Vinh sẽ trả lời về đề nghị dâng lễ tại nhà thờ chính tòa. Khoảng 4 giờ chiều, hai cha tới chỗ phái đoàn ở và báo cho biết họ được phép dâng lễ “riêng”, không có giáo dân tham dự, hoặc ở nhà nguyện của Nhà Chung hoặc tại nhà thờ các Thánh Tử Đạo Cửa Bắc. Nghe xong câu trả lời, một vị trong phái đoàn Tiệp Khắc bức xúc: “Điều này sẽ làm cho nhiều kẻ phải hy sinh đấy!.” Cha Oánh, một linh mục trẻ mới từ châu Âu về, khá nhanh trí, đáp lại ngay: “Điều này không làm chúng tôi khiếp sợ, chúng tôi sẵn sàng chết mà!”. “ - Đừng, đừng!!. Phải sống vì Giáo hội chứ!” (Ibid., 74-75). Phái đoàn sau đó đã đến Cửa Bắc dâng lễ giữa các "cán bộ giả giáo dân" nhằm tuyên truyền.

Ngày 18/7/1956, trước cảnh ‘con đấu cha, vợ tố chồng’ trong thời Cải cách ruộng đất, ngài ra Thư chung số 11 dài 14 trang với chủ đề ‘Thương yêu nhau’. Trong thư, ngài phân tích cặn kẽ bằng những trích dẫn Kinh Thánh và các câu chuyện Công giáo nói về: đức tính yêu người, giới răn Yêu người, dây thân ái trong Hội Thánh, Hy sinh – của nuôi Tình yêu và ảnh chịu nạn. Ngài khuyên con cái mình đừng nuôi lòng thù hận, phải biết yêu thương nhau.

Để Thư chung có thể đến được mọi gia đình, ngài in 20.000 bản phân phát khắp nơi, trước khi bức thu được đọc tại các nhà thờ. Lá thư sau đó vượt biên giới giáo phận Hà Nội, lan tỏa ra khắp miền Bắc. Nhiều nơi các linh mục tổ chức các buổi sám hối công khai với mục đích có địa điểm để giáo dân xin lỗi nhau nếu đã từng đấu tố nhau trong thời cải cách ruộng đất và trả lại tài sản từng bị lấy từ các gia đình địa chủ.

phailamgi_Thư chung số 11.jpg
Thư chung số 11: Yêu thương nhau. Ảnh. Tonggiaophanhanoi.org

Ảnh hưởng của Thư chung khiến chính phủ nổi giận cho rằng "đây là bức thư chống cải cách ruộng đất, đặc biệt là sự tha thứ cho thù địch và như thế là tha thứ cho địa chủ, bọn phản động, cường hào ác bá" (Phaolô Nguyễn Đắc Trọng, Những Câu chuyện về Một thời, Toàn tập, (Lưu hành nội bộ), 359). Đây là lá thư mục vụ cuối cùng của Đức cha Khuê. Sau thư mục vụ số 11, chỉ còn lại các thông cáo được gửi đi từ tòa Giám mục Hà Nội.

Sau cải cách ruộng đất, vào thời kỳ sửa sai, chính sách tự do tôn giáo có phần cởi mở hơn, bất chấp những khó khăn, ngài đã lập tức đi kinh lược các xứ đạo. Tuy nhiên, trên đường đi kinh lý, ngày 16/4/1957, ngài bị tước giấy phép đi lại, bị buộc trở về Tòa giám mục và không được phép ra khỏi đó cho đến sau 30/4/1975.

Ngày nay, ngay bậc tam cấp trước cung thánh Nhà thờ lớn Hà Nội là ngôi mộ đơn sơ của ngài. Đó là ước nguyện cuối đời của ngài. Ngài nằm đó, với mong ước sẽ được các giáo dân nhớ đến trong lời cầu nguyện mỗi khi họ lên rước lễ.​

phailamgi_ngôi mộ của dhy trịnh như khuê.jpg

Ngôi mộ của ĐHY Trịnh Như Khuê bên trong nhà thờ Chính tòa Hà Nội. Ảnh: cvk9x.blogspot.com
 
Thành viên
Tham gia
10/2/24
Bài viết
5
Một bài viết hay. Khâm phục và kính Đức Hồng Y.
 
Tích cực
Tham gia
22/12/23
Bài viết
215
Nhờ các bài viết của tác giả @giolanh mà tôi hiểu thêm được nhiều về lịch sử giáo hội Việt Nam. Cảm ơn tác giả
 

Đức Thánh Cha chủ sự Nghi thức mở Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô và Thánh lễ đêm Giáng Sinh

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên