Đi tìm chân lý
- Tham gia
- 25/1/24
- Bài viết
- 926
- Chủ đề Author
- #1
Trong một xã hội mà câu hỏi “lương tâm nằm ở đâu?” vẫn đang day dứt sau mỗi vụ thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái bị phanh phui, thì đâu đó ở vùng đất cao nguyên Lâm Đồng, có những câu trả lời lặng lẽ nhưng mạnh mẽ được viết bằng mồ hôi, đất, và cả hy vọng.
Caritas Đà Lạt, tổ chức bác ái của Giáo hội Công giáo, đang đồng hành cùng bà con dân tộc thiểu số trong hành trình phát triển nông nghiệp sạch, sinh thái. Đây không chỉ là câu chuyện làm nông, mà là câu chuyện về giáo dục lương tâm, về cách sống thật với đất, với trời, và với chính mình.
Nhóm cà phê Pơ Nơm bắt đầu với mong ước rất đơn sơ: “Không hại đất, không hại người.” Từ những vườn cà phê nhỏ lẻ, họ mạnh dạn ngưng dùng phân thuốc hóa học, học cách hái trái chín, phơi giàn cao, và tự tay rang xay cà phê. Nhờ sự hỗ trợ của Caritas Đà Lạt, họ đã xây dựng được xưởng riêng và nhận chứng nhận sản xuất sạch — minh chứng cho một lương tâm được gieo và nuôi dưỡng qua từng hạt cà phê.
Ở một góc khác, nhóm Iem Gõh Churu vẫn ngày ngày kiên trì trồng rau hữu cơ, không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ. Họ dùng phân compost tự ủ, giữ giống bản địa, đa dạng hóa cây trồng để đất khỏe và cây ít bệnh. Những luống rau mướt mắt hôm nay là thành quả của gần 10 năm bền bỉ chuyển đổi, vượt qua hoài nghi và cả những mùa thất bát.
Không chỉ dừng lại ở kỹ thuật, Caritas Đà Lạt còn tổ chức các diễn đàn nông nghiệp sinh thái, tập huấn, và khuyến khích bà con viết nhật ký vườn — một cách tự vấn lương tâm hàng ngày: hôm nay mình đã chăm cây thế nào? Có dùng hóa chất không? Có tôn trọng sự sống không? Qua từng trang nhật ký, bà con không chỉ quan sát cây, mà còn học cách quan sát chính mình.
Cha xứ Phi Liêng, Giuse Trần Ngọc Hạnh, đã nói trong lễ khai trương xưởng cà phê: "Trong tiến trình phát triển, hãy luôn phát triển trong sự thật. Đừng vì lợi nhuận mà đánh đổi lương tâm, mà hãy dùng sự thật để lan tỏa những thông điệp tốt đẹp đến mọi người." Lời nhắc ấy không chỉ dành cho bà con, mà còn cho tất cả những ai đang mưu sinh giữa thị trường đầy cám dỗ.
Từ những mảnh vườn trên triền dốc, từ hạt cà phê, mớ rau, Caritas Đà Lạt cùng bà con đang viết lại câu chuyện kinh tế: một nền kinh tế biết yêu đất, trân trọng thiên nhiên, và đặt lương tâm lên trên lợi nhuận. Những nỗ lực này tuy nhỏ bé, nhưng chính là những hạt mầm của một xã hội công bằng, nhân ái và bền vững hơn — điều mà Học thuyết Xã hội Công giáo luôn hướng tới.
Và nếu một ngày bạn tự hỏi, lương tâm có thể được “trồng” và “chăm” như thế nào, hãy đến Đà Lạt, ghé thăm những vườn rau, xưởng cà phê, để nghe những câu chuyện mà mỗi lá, mỗi trái, mỗi hạt đều đang thì thầm: “Người yêu đất, đất không phụ người.”
Ảnh trong bài: Caritas Đà Lạt
Phải Làm Gì?
Docat 256: Các Kitô hữu có thể đóng góp gì cho một môi trường nhân văn?
Các Kitô hữu không phải là các nhà môi trường nếu sự dấn thân của họ chỉ giới hạn trong những lời kêu gọi người khác mang tính luân lý. Cũng vô ích như thế nếu cứ nói thường xuyên về các vấn đề toàn cầu thay vì chú ý kỹ đến môi trường của chính mình và đến những tiềm năng có ở đó. Vì vậy, nền đạo đức môi trường Kitô giáo không được xây dựng trên những lời kêu gọi tự mãn. Thay vào đó, nền đạo đức này cố gắng đưa ra những định hướng liên quan đến các xung đột cá nhân và xã hội cần phải giải quyết. Với mục đích này, trước tiên phải có một bản phân tích chính xác các mối liên hệ nhân quả, các nguy cơ và triển vọng. Chỉ khi đó các nguyên tắc hướng dẫn mới phát huy hiệu quả. Các Kitô hữu thực hiện một đóng góp có giá trị cho việc bảo tồn hệ sinh thái khi họ chăm sóc vạn vật thay vì tỏ ra thất vọng về môi trường. Lòng can đảm dám hy vọng phải được kết hợp với việc tìm tòi nghiên cứu và sẵn sàng hành động.
Cùng chủ đề