Đi tìm chân lý
- Tham gia
- 25/1/24
- Bài viết
- 745
- Chủ đề Author
- #1
Trong hành trình thi hành sứ vụ thiêng liêng của mình, Giáo hội Công giáo không chỉ hoạt động trong lĩnh vực đức tin và luân lý, mà còn cần sử dụng những phương tiện vật chất để thực hiện sứ mạng. Việc quản lý tài sản trong Giáo hội vì thế không phải là một vấn đề thuần túy hành chính, mà còn gắn liền với đời sống thiêng liêng và trách nhiệm mục vụ.
Ảnh: giaophanthaibinh.net
1. Mục đích của việc quản lý tài sản
Bộ Giáo luật 1983 khẳng định rằng:
Do quyền bẩm sinh, Giáo Hội Công Giáo có thể thủ đắc, duy trì, quản trị và chuyển nhượng tài sản vật chất một cách độc lập với quyền bính dân sự, đế theo đuổi những mục đích riêng của mình. (Giáo luật, điều 1254 §1).
Những mục đích đó bao gồm:
- Tổ chức việc thờ phượng Thiên Chúa;
- Trợ cấp thích đáng cho hàng giáo sĩ và các thừa tác viên khác;
- Làm việc tông đồ và bác ái, nhất là đối với những người nghèo (x. điều 1254 §2).
Điều này cho thấy tài sản không phải để phục vụ sự xa hoa, mà là phương tiện để phục vụ sứ vụ thiêng liêng và công ích.
2. Vai trò của Giám mục
Là người đứng đầu giáo phận, Giám mục có trách nhiệm tối cao trong việc giám sát và bảo đảm việc quản trị tài sản trong giáo phận mình được thực hiện đúng luật và đúng mục đích.
“Đấng Bản Quyền giám sát cẩn thận việc quản trị mọi tài sản thuộc về những pháp nhân công ở dưới quyền mình, miễn là vẫn giữ nguyên những danh nghĩa hợp pháp dành cho ngài quyền lớn hơn.” (x. Giáo luật, điều 1276 §1)
Ngài có quyền ban hành những hướng dẫn cụ thể để điều phối hoạt động tài chính trong toàn giáo phận, với sự hỗ trợ của Hội đồng Kinh tế giáo phận và hội đồng linh mục. Trong những trường hợp có hành vi tài chính quan trọng (chẳng hạn mua bán tài sản lớn), Giám mục cần có sự đồng thuận của các hội đồng này và, nếu vượt quá một mức giá trị nhất định, còn phải xin phép Tòa Thánh (x. điều 1291–1295).
Ảnh: giaophanhatinh.com
3. Tính minh bạch và tinh thần trách nhiệm
Tài sản của Giáo hội là tài sản chung của cộng đoàn tín hữu, do đó người quản trị không thể sử dụng theo ý riêng mà cần có trách nhiệm giải trình. Người quản trị phải:
- Giữ sổ sách kế toán rõ ràng; (x. điều 1284)
- Trình báo tình hình tài chính mỗi năm (x. điều 1287 §1);
- Tôn trọng ý định của người dâng cúng; (x. điều 1300)
- Thực hiện nhiệm vụ của mình một cách chu đáo như một gia chủ tốt lành (x. điều 1284).
Giáo hội cũng mời gọi sự chuyên nghiệp và minh bạch trong quản lý, đồng thời nhấn mạnh rằng việc quản trị tài sản cần luôn gắn liền với tinh thần Tin Mừng, phục vụ người nghèo, và tránh mọi lạm dụng có thể làm tổn hại đến uy tín của Giáo hội.
Quản lý tài sản trong Giáo hội không chỉ là việc quản trị hiệu quả, mà còn là hành vi của đức tin và lòng trung tín với sứ mạng phục vụ con người, nhất là những người nghèo khổ. Giám mục, trong vai trò là người gìn giữ tài sản của Thiên Chúa nơi địa phương mình, được mời gọi hành xử như một người quản lý khôn ngoan, luôn ý thức mình là người phục vụ, chứ không phải là chủ sở hữu.
*Nhằm giúp quý độc giả thuận tiện trong việc tham khảo, toàn văn các điều khoản Giáo luật được trích dẫn trong bài sẽ được đăng kèm ở phần bình luận phía dưới.
Cùng chủ đề