Tìm hiểu việc quản lý tài sản trong Giáo Hội Công Giáo theo hướng dẫn của Giáo luật

Đi tìm chân lý
Tham gia
25/1/24
Bài viết
742

Trong hành trình thi hành sứ vụ thiêng liêng của mình, Giáo hội Công giáo không chỉ hoạt động trong lĩnh vực đức tin và luân lý, mà còn cần sử dụng những phương tiện vật chất để thực hiện sứ mạng. Việc quản lý tài sản trong Giáo hội vì thế không phải là một vấn đề thuần túy hành chính, mà còn gắn liền với đời sống thiêng liêng và trách nhiệm mục vụ.​


phailamgi_Quản lý tài sản trong giáo hội công giáo và vai trò của giám mục_cv.jpg
Ảnh: giaophanthaibinh.net

1. Mục đích của việc quản lý tài sản

Bộ Giáo luật 1983 khẳng định rằng:​
Do quyền bẩm sinh, Giáo Hội Công Giáo có thể thủ đắc, duy trì, quản trị và chuyển nhượng tài sản vật chất một cách độc lập với quyền bính dân sự, đế theo đuổi những mục đích riêng của mình. (Giáo luật, điều 1254 §1).​

Những mục đích đó bao gồm:​
  • Tổ chức việc thờ phượng Thiên Chúa;​
  • Trợ cấp thích đáng cho hàng giáo sĩ và các thừa tác viên khác;​
  • Làm việc tông đồ và bác ái, nhất là đối với những người nghèo (x. điều 1254 §2).​
Điều này cho thấy tài sản không phải để phục vụ sự xa hoa, mà là phương tiện để phục vụ sứ vụ thiêng liêng và công ích.​

2. Vai trò của Giám mục

Là người đứng đầu giáo phận, Giám mục có trách nhiệm tối cao trong việc giám sát và bảo đảm việc quản trị tài sản trong giáo phận mình được thực hiện đúng luật và đúng mục đích.​
“Đấng Bản Quyền giám sát cẩn thận việc quản trị mọi tài sản thuộc về những pháp nhân công ở dưới quyền mình, miễn là vẫn giữ nguyên những danh nghĩa hợp pháp dành cho ngài quyền lớn hơn.” (x. Giáo luật, điều 1276 §1)​

Ngài có quyền ban hành những hướng dẫn cụ thể để điều phối hoạt động tài chính trong toàn giáo phận, với sự hỗ trợ của Hội đồng Kinh tế giáo phận và hội đồng linh mục. Trong những trường hợp có hành vi tài chính quan trọng (chẳng hạn mua bán tài sản lớn), Giám mục cần có sự đồng thuận của các hội đồng này và, nếu vượt quá một mức giá trị nhất định, còn phải xin phép Tòa Thánh (x. điều 1291–1295).

phailamgi_Quản lý tài sản trong giáo hội công giáo và vai trò của giám mục_cv1.jpg
Ảnh: giaophanhatinh.com

3. Tính minh bạch và tinh thần trách nhiệm

Tài sản của Giáo hội là tài sản chung của cộng đoàn tín hữu, do đó người quản trị không thể sử dụng theo ý riêng mà cần có trách nhiệm giải trình. Người quản trị phải:​
  • Giữ sổ sách kế toán rõ ràng; (x. điều 1284)​
  • Trình báo tình hình tài chính mỗi năm (x. điều 1287 §1);​
  • Tôn trọng ý định của người dâng cúng; (x. điều 1300)​
  • Thực hiện nhiệm vụ của mình một cách chu đáo như một gia chủ tốt lành (x. điều 1284).​
Giáo hội cũng mời gọi sự chuyên nghiệp và minh bạch trong quản lý, đồng thời nhấn mạnh rằng việc quản trị tài sản cần luôn gắn liền với tinh thần Tin Mừng, phục vụ người nghèo, và tránh mọi lạm dụng có thể làm tổn hại đến uy tín của Giáo hội.​


Quản lý tài sản trong Giáo hội không chỉ là việc quản trị hiệu quả, mà còn là hành vi của đức tin và lòng trung tín với sứ mạng phục vụ con người, nhất là những người nghèo khổ. Giám mục, trong vai trò là người gìn giữ tài sản của Thiên Chúa nơi địa phương mình, được mời gọi hành xử như một người quản lý khôn ngoan, luôn ý thức mình là người phục vụ, chứ không phải là chủ sở hữu.

*Nhằm giúp quý độc giả thuận tiện trong việc tham khảo, toàn văn các điều khoản Giáo luật được trích dẫn trong bài sẽ được đăng kèm ở phần bình luận phía dưới.
 
Đi tìm chân lý
Tham gia
25/1/24
Bài viết
742
Điều 492

§1. Trong mỗi giáo phận phải thiết lập một hội đồng kinh tế mà chủ tịch là chính Giám mục giáo phận hoặc là người được ngài ủy nhiệm; hội đồng này gồm ít nhất là ba Kitô hữu thực sự thông thạo trong lĩnh vực kinh tế cũng như trong luật dân sự và nổi tiếng là thanh liêm, do Giám mục bổ nhiệm.

§2. Các thành viên của hội đồng kinh tế phải được bổ nhiệm với nhiệm kỳ là năm năm, nhưng khi mãn hạn, họ có thể được tái bổ nhiệm cho những nhiệm kỳ năm năm khác.

§3. Không được bổ nhiệm vào hội đồng kinh tế những người có họ với Giám mục do huyết tộc hoặc do họ kết bạn tới bậc thứ tư.
 
Đi tìm chân lý
Tham gia
25/1/24
Bài viết
742
Điều 495

§1. Trong mỗi giáo phận phải thiết lập hội đồng linh mục, tức là đoàn thể tư tế, giống như nghị viện của Giám Mục, đại diện cho linh mục đoàn, hội đồng này giúp ngài lãnh đạo giáo phận chiếu theo quy tắc của luật, nhằm mục đích cổ vũ tối đa lợi ích mục vụ của phần dân Chúa được ủy thác cho ngài.

§2. Trong những hạt đại diện tông tòa và những hạt phủ doãn tông tòa, vị Đại Diện hoặc vị Phủ Doãn phải thiết lập một hội đồng gồm ít nhất là ba linh mục thừa sai mà ngài phải tham khảo ý kiến trong những công việc hết sức quan trọng, kể cả bằng thư từ.
 
Đi tìm chân lý
Tham gia
25/1/24
Bài viết
742
Điều 1254

§1. Do quyền bẩm sinh, Giáo Hội Công Giáo có thể thủ đắc, duy trì, quản trị và chuyển nhượng tài sản vật chất một cách độc lập với quyền bính dân sự, đế theo đuổi những mục đích riêng của mình.

§2. Những mục đích riêng chính yếu là: tổ chức việc thờ phượng Thiên Chúa, trợ cấp thích đáng cho hàng giáo sĩ và các thừa tác viên khác, làm việc tông đồ và bác ái, nhất là đối với những người nghèo.
 
Đi tìm chân lý
Tham gia
25/1/24
Bài viết
742
Điều 1276

§1. Đấng Bản Quyền giám sát cẩn thận việc quản trị mọi tài sản thuộc về những pháp nhân công ở dưới quyền mình, miễn là vẫn giữ nguyên những danh nghĩa hợp pháp dành cho ngài quyền lớn hơn.

§2. Các Đấng Bản Quyền phải lo tổ chức toàn bộ việc quản trị tài sản Giáo Hội, bằng cách ban hành những huấn thị riêng trong khuôn khổ của luật phổ quát và luật địa phương, mà vẫn lưu ý đến những quyền lợi, những tục lệ hợp pháp và những hoàn cảnh.
 
Đi tìm chân lý
Tham gia
25/1/24
Bài viết
742
Điều 1284

§1. Tất cả mọi người quản trị buộc phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách chu đáo như một gia chủ tốt lành.

§2. Do đó, các người quản trị phải:

liệu sao để các tài sản được trao cho mình coi sóc không bị mất hoặc không bị hư hại bằng bất cứ cách nào, để đạt được mục đích ấy, họ phải ký những khế ước bảo hiểm, nếu cần;

liệu sao để bảo đảm quyền sở hữu các tài sản của Giáo Hội bằng những phương thế hữu hiệu theo luật dân sự;

tuân giữ những quy định của giáo luật cũng như của luật dân sự, hay những quy định mà người sáng lập, hoặc người dâng cúng, hoặc quyền bính hợp pháp đã đặt ra, và nhất là phải ý tứ đừng để Giáo Hội bị thiệt hại vì không tuân giữ luật dân sự;

cẩn thận thu hoa lợi và doanh thu của tài sản vào thời gian thích hợp, phải bảo quản cách an toàn những của cải đã thu được và phải sử dụng những của cải ấy theo ý định của người sáng lập hoặc theo những quy tắc hợp pháp;

trả tiền lời do vay mượn hoặc do thế nợ vào thời hạn quy định, và phải hoàn lại vốn đúng lúc;

sử dụng số tiền thặng dư vào những mục đích của pháp nhân, với sự đồng ý của Đấng Bản Quyền, sau khi đã trả xong các chi phí, và số tiền thặng dư ấy có thể được đầu tư một cách hữu ích;

giữ sổ thu chi được ghi chép rõ ràng;

cuối năm phải làm bản tường trình về việc quản trị;

sắp xếp cẩn thận và lưu trữ trong một văn khố chắc chắn và thích hợp các văn kiện và các hồ sơ làm nền tảng cho quyền lợi của Giáo Hội hoặc của cơ sở trên các tài sản đó; hơn nữa, ở nơi nào có thể thực hiện cách thuận tiện, phải gửi nộp cho văn khố tòa giám mục những bản sao xác thực của những văn kiện ấy.

§3. Thiết tha khuyên những người quản trị nên soạn thảo những bản dự thu và dự chi hằng năm; nhưng để cho luật riêng buộc những người quản trị phải soạn thảo những bản dự kiến và ấn định rõ ràng cách thức để trình bày những bản dự kiến ấy.
 
Đi tìm chân lý
Tham gia
25/1/24
Bài viết
742
Điều 1287

§1. Những người quản trị bất cứ tài sản nào của Giáo Hội, dù là giáo sĩ hay giáo dân, mà không được miễn trừ cách hợp pháp khỏi quyền lãnh đạo của Giám mục giáo phận, thì hằng năm buộc phải nộp bản tường trình cho Đấng Bản Quyền địa phương, để ngài trao cho hội đồng kinh tế xét duyệt; mọi tục lệ trái ngược đều bị hủy bỏ.

§2. Những người quản trị phải tường trình cho các tín hữu về việc sử dụng những tài sản mà những người này đã dâng cúng cho Giáo Hội, theo những quy tắc do luật riêng ấn định.
 
Đi tìm chân lý
Tham gia
25/1/24
Bài viết
742
Điều 1300

Các ý muốn của các tín hữu dâng cúng hoặc để lại tài sản nhằm những mục tiêu đạo đức, hoặc qua hành vi có giá trị khi còn sống hoặc qua hành vi có giá trị lúc đã chết, một khi đã được chấp nhận cách hợp pháp, phải được thi hành hết sức cẩn thận, ngay cả về cách thức quản trị và sử dụng tài sản, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1301 §3
 
Đi tìm chân lý
Tham gia
25/1/24
Bài viết
742
Điều 1292

§1. Miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 638 §3, khi giá trị tài sản chuyển nhượng được dự kiến giữa mức tiền tối thiểu và tối đa, mà Hội đồng Giám mục phải ấn định cho miền của mình, thì nhà chức trách có thẩm quyền là người do quy chế riêng chỉ định, đối với những pháp nhân không thuộc quyền Giám mục giáo phận; nếu không, nhà chức trách có thẩm quyền là Giám mục giáo phận cùng với sự chấp thuận của hội đồng kinh tế và ban tư vấn, cũng như của những người liên hệ. Chính Giám mục giáo phận cũng cần phải có sự ưng thuận của những người nói trên để chuyển nhượng tài sản của giáo phận.

§2. Tuy nhiên, nếu là trường hợp những tài sản có giá trị vượt mức tiền tối đa, hoặc trường hợp những tài sản đã được dâng cúng cho Giáo Hội do một lời khấn, hoặc trường hợp những tài sản có giá trị nghệ thuật hay lịch sử, thì còn buộc phải có phép của Tòa Thánh đế việc chuyển nhượng được thành sự.

§3. Nếu tài sản chuyển nhượng có thể phân chia được, thì khi xin phép chuyển nhượng, phải nói rõ những phần trước đây đã được chuyển nhượng rồi, nếu không, thì phép cho chuyển nhượng sẽ không có giá trị.

§4. Những ai phải đóng góp ý kiến hay phải ưng thuận trong việc chuyển nhượng tài sản không được góp ý hay ưng thuận trước khi am tường cặn kẽ về tình trạng kinh tế của pháp nhân có tài sản được dự định chuyển nhượng, cũng như về những việc chuyển nhượng đã được thực hiện rồi.
 
Đi tìm chân lý
Tham gia
25/1/24
Bài viết
742
Điều 1298

Không được bán tài sản của Giáo Hội cho chính những người quản trị tài sản ấy, hoặc cho những thân nhân của họ tính tới bậc thứ bốn thuộc họ máu hay họ kết bạn, và cũng không được cho những người ấy thuê mướn, nếu không có phép riêng bằng văn bản của nhà chức trách có thẩm quyền.
 

[Podcast] "Con không muốn sống cuộc đời do cha mẹ áp đặt!" | phailamgi | Cha mẹ ơi, con biết cha mẹ luôn mong điều tốt nhất cho con. Cha mẹ đã trải qua bao nhiêu thăng trầm, đã chứng kiến bao cảnh đời, đã học được những bài học xương máu, nên cha mẹ muốn con tránh khỏi những sai lầm, đi đúng con đường cha mẹ tin là an toàn nhất. Nhưng cha mẹ ơi, đó là cuộc đời của con.

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên