Đức cha Phaolô Nguyễn Minh Nhật: Vị Giám mục của những thư góp ý – kiến nghị đanh thép

5.00 star(s) 4 Votes
phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
472

Trong số các Đức Giám mục giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, vị Giám mục ít được mọi người nhắc đến, nhưng lại là vị "Giám mục thép" với những thư góp ý, những đơn kiến nghị mạnh mẽ gửi tới nhà nước Việt Nam là Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc.


phailamgi_Đức cha Phaolô Nguyễn Minh Nhật_cv1.jpg

Đức Hồng y F.X. Nguyễn Văn Thuận, Đức GM Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật (thứ nhì từ bên trái) đứng sau Đức Thánh Cha Gioan Phalo II trong thánh lễ kính các Thánh Tử Đạo VN ngày 24 tháng 11, 1990 tại Nhà Nguyện Mẹ Chúa Cứu Thế trong dinh Giáo Hoàng, dịp Ad linina năm 1990.

Đôi dòng tiểu sử

Đức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật sinh năm 1926 tại Thượng Kiệm, Phát Diệm, thụ phong Linh Mục năm 1952. Sau khi thụ phong ngài được gửi sang Canada học về truyền giáo và tu đức. Trở về nước ngài làm linh hướng chủng viện Phát Diệm 12 năm, rồi làm linh hướng chủng viện Xuân Lộc cho đến khi được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám Mục Phó Giáo Phận Xuân Lộc vào năm 1975. Ngài lấy khẩu hiệu “Phục Vụ Chúa trong hân hoan.”

Ngày 22.2.1988, sau khi Đức Giám Mục Đa Minh Nguyễn Văn Lãng qua đời, Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật trở thành Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Xuân Lộc, ngài là vị Giám Mục thứ ba của giáo phận Xuân Lộc sau hai Đức Cố Giám Mục Giuse Lê Văn Ấn và Đa Minh Nguyễn Văn Lãng.

Năm 1989, các Đức Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã bầu ngài giữ chức Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Ngài sẽ giữ chức vụ này trong hai nhiệm kỳ (1989-1995). Với trọng trách là người đứng đầu Giáo hội Việt Nam, ngài đã nhiều lần gửi đến các lãnh đạo nhà nước, chính phủ, những lá thư góp ý, các đơn kiến nghị thẳng thắn.
phailamgi_đức cha phalo maria Nguyễn Minh nhật.jpg

Chân dung Đức giám mục Phaolo Maria Nguyễn Minh Nhật. Ảnh: vntaiwan.catholic.org.tw

Những lá thư góp ý thẳng thắn

Ngày 14 tháng 05 năm 1991, ngay trước thềm Đại hội lần thứ VII của Đảng Cộng sản, Đức cha đã gửi tới ông Tổng Bí thư và Chính phủ Việt Nam, một bản góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam góp ý về việc xây dựng đất nước và những yêu cầu bức thiết của tôn giáo, (Trần Anh Dũng (chủ biên), Hội đồng Giám mục Việt Nam: 1980-2000, (không ghi nhà xuất bản), 431-436) trong đó nêu rõ:​
  1. Muốn xây dựng đất nước, nhà nước phải lấy phương châm "phục vụ và phát triển con người toàn diện" làm mục tiêu hàng đầu, và chỉ có cơ chế dân chủ mới có thể đáp ứng được mục tiêu này. Tuy nhiên, việc xác định mục tiêu sẽ dễ dàng, nếu đặt "tổ quốc lên trên hết". Điều cần lưu ý là phải "tránh đồng hóa tổ quốc với chủ nghĩa xã hội", vì chủ nghĩa xã hội cũng là vì tổ quốc và vì nhân dân.​
  2. Về lãnh vực tôn giáo, vì "trực tiếp liên quan tới vấn đề dân chủ, đến chính sách đoàn kết dân tộc và việc ổn định xã hội", nên bản góp ý nói rõ: “Trong các quyền của con người thì quyền tự do tôn giáo là đặc biệt rất quan trọng nên phải được tôn trọng như một quyền lợi chứ không phải như một đặc ân.” Tuy nhiên, trong thực tế, "các nghị quyết về tôn giáo quá khắt khe với sinh hoạt tôn giáo và có nhiều điều khoản nhằm hạn chế hơn là bảo đảm quyền tự do tôn giáo". Vì thế, các ngài kiến nghị cần phải lấy ý kiến người dân trước khi ban hành các nghị định và những cán bộ phụ trách mảng tôn giáo phải là những người hiểu biết khách quan về tôn giáo.​

Ngày 26/10/1993, Đức cha nhân danh Hội đồng Giám mục Việt Nam, tiếp tục gửi một văn thư kiến nghị đến ông Võ Văn Kiệt, Thủ tướng chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. (Ibid., 442-444) Bản kiến nghị gồm ba mục, liên quan tới ba lãnh vực: mục vụ, nhân sự và các cơ sở của Giáo hội, với 16 đề nghị cụ thể, trong đó nổi bật là các kiến nghị liên quan tới việc thuyên chuyển và bổ nhiệm các linh mục, đề nghị cho phép Giáo hội mở trường dạy học, cho các dòng tu được tuyển sinh, các linh mục, tu sĩ đi học tập cải tạo về được thi hành mục vụ… và trả lại đất đai, tài sản của giáo hội trước đây bị trưng dụng hoặc hiến cách không thỏa đáng.

Sau khi nhận được những câu trả lời không thỏa đáng, "trả lời mà như không trả lời" từ phía chính phủ qua Văn thư ngày 17/2/1994, do ông Vũ Quang, trưởng Ban tôn giáo chính phủ ký (Ibid., 445-447), Đức cha Phaolô Nguyễn Minh Nhật tiếp tục gửi đến ông Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Chính phủ lá đơn, đề ngày 29/9/1995, (Ibid., 503-507) trong đó có nhắc lại việc HĐGMVN đã gửi tới chính phủ 5 lá đơn 'vừa góp ý, vừa kiến nghị, trình bày những khó khăn trong chính sách tự do tín ngưỡng", nhưng chỉ có một số ít được giải quyết. Trong lá đơn lần này, ngoài những kiến nghị trước đây như để các tôn giáo tham gia giáo dục, y tế, trả lại các cơ sở trường học đang bị chiếm dụng, không xét lý lịch chủng sinh khi phong chức linh mục…, ngài còn đề nghị chính phủ: "Không nên phân biệt các hoạt động tôn giáo thông thường và bất thường vì chỉ có một hoạt động tôn giáo. Vì thế, bất cứ hoạt động tôn giáo nào cũng được tiến hành mà không phải đăng ký, xin phép" (hết trích).

Đối thoại trong chân lý

Trên đây chỉ là những lá thư góp ý, kiến nghị được công bố công khai mà ngài, trong tư cách đại diện cho người Công giáo Việt Nam lên tiếng với nhà nước.

Trong suốt những năm cai quản giáo phận và cả trước đó, trong tư cách là giám mục Phó của Giáo phận Xuân Lộc, người dân còn truyền tụng nhiều câu chuyện cho thấy tính cách cương quyết không khoan nhượng của ngài trước những đòi hỏi vô lý của nhà cầm quyền, cũng như trước thái độ "nước đôi" của các linh mục tu sĩ.

Ngài đã chọn đường lối "sống Phúc âm trong lòng dân tộc" băng chọn lựa đối thoại thẳng thắn và chân thành trong đức tin và chân lý, không luồn cúi, nịnh bợ, nhưng cương quyết vì tương lai của Hội thánh.

Tưởng nhớ ngài trong ngày Giáo Hội cầu cho ơn Thiên triệu linh mục và tu sĩ. Xin cho Giáo hội Việt Nam có thêm nhiều mục tử nhân lành biết hy sinh tính mạng vì đoàn chiên, khôn ngoan trong ân sủng, biết luôn cương quyết đối thoại trong chân lý, chứ không vì lợi lộc của thế gian này.​
 

[LIVE] Thánh Lễ của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV với các Hồng Y – Thứ Sáu 9/5 - PHAILAMGI.COM - Vào lúc 11:00 giờ Roma (tức 16:00 giờ Việt Nam) ngày thứ Sáu 9/5/2025, Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ chủ sự Thánh lễ đầu tiên với các Hồng Y tại Nhà nguyện Sistine - Đây là một nghi lễ mang tính biểu tượng sâu sắc, đánh dấu khởi đầu chính thức của triều đại mới. Trong Thánh lễ này, Đức Thánh Cha sẽ cùng các Hồng Y hiệp thông cầu nguyện cho sứ vụ lãnh đạo Hội Thánh hoàn vũ mà Ngài vừa được trao phó.

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên