Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa: Vị mục tử - nhạc sĩ mạnh mẽ lên án "cơ chế xin-cho"

5.00 star(s) 3 Votes
phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
343

Nhắc tới Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, cố Giám mục giáo phận Nha Trang, nhiều người chỉ biết ngài là một giám mục nhạc sĩ, với những bài thánh ca đi vào lòng người như "Trăm triệu lời ca", hay "Bộ lễ Seraphim" vẫn vang lên tại các nhà thờ vào mỗi ngày Chúa Nhật. Ít ai biết rằng, chất chứa trong tâm hồn của một nghệ sĩ, lại là một vị mục tử mạnh mẽ trong "Tinh thần và Chân lý" đúng như khẩu hiệu Giám mục đời ngài.


phailamgi_Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa.jpg

Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa. Ảnh: Giáo xứ Vinh Hương

Đôi dòng tiểu sử

Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa sinh ngày 20.07.1931, tại Bối Kênh, Bình Lục, Hà Nam.

Năm 14 tuổi, ngài gia nhập Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên. Vừa xong Tiểu Chủng viện, đất nước chia đôi, ngài theo các Chủng sinh vào miền Nam và tiếp tục tu học tại Đại Chủng viện Xuân Bích, Vĩnh Long.

Năm 1956, sau hai năm học Triết học tại Vĩnh Long, ngài được gửi sang Trường Truyền giáo Roma, theo học bậc Tiến sĩ Thần học và Cử nhân Thánh nhạc thuộc Học viện Roma.

Ngài thụ phong Linh mục tại Roma ngày 20 tháng 12 năm 1959.

Năm 1963, ngài về Việt Nam, nhập giáo phận Đà Lạt, được bổ nhiệm làm linh mục phó xứ, kiêm hiệu trưởng trường Trung học Trí Đức và điều khiển ca đoàn Sêraphim. Với cương vị này, ngài đã soạn một số bài thánh ca, mà nổi tiếng nhất là Bộ Lễ Sêraphim.

Năm 1968, ngài được chuyển về bổ sung cho Giáo phận Ban Mê Thuột vừa mới thành lập, giữ chức vụ Thư ký Tòa Giám mục và Tuyên úy Dòng Nữ Vương Hòa Bình.

phailamgi_Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa_cv1.jpg
Đơn sơ giữa cộng đoàn Dân Chúa. Ảnh: Giáo phận Nha Trang

Từ Phan Thiết ra Nha Trang

Ngày 30 tháng 1 năm 1975, sau 5 năm chuẩn bị, Đức Phaolô VI đã ký Sắc lệnh thành lập Giáo phận Phan Thiết, đồng thời công bố sắc phong Giám mục chánh tòa Giáo phận Phan Thiết cho linh mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa.

Do hoàn cảnh chiến tranh, Lễ tấn phong Giám mục cho Đức cha Hòa diễn ra âm thầm, ngày 5 tháng 4 năm 1975, tại Ban Mê Thuột. Thánh lễ chỉ có một mình Đức cha Phêrô Nguyễn Huy Mai chủ phong, và cha Trịnh Chính Trực. Đức tân Giám mục chọn câu “Trong Tinh Thần và Chân Lý” làm khẩu hiệu Giám mục. Sau đó, ngài xuống Nha Trang tìm đường ra Phan Thiết.

Tuy nhiên, đang trên đường ra Phan Thiết, mới tới Phan Rang thì Thư ký Tòa Giám mục Nha Trang chạy theo đưa cho ngài Sắc lệnh của Tòa Thánh, ký ngày 24 tháng 4 năm 1975, cử ngài làm Giám mục chính tòa Nha Trang thay thế Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục phó Tổng giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị. (Nguyễn Thế Thoại, Công giáo trên Quê hương Việt Nam, quyền II, (Lưu hành nội bộ), tr. 617)

Ngày 7/5/1975, đất nước vừa thống nhất, ngài chính thức nhận giáo phận Nha Trang. Lễ ra mắt giáo phận được tổ chức ngày 25/5/1975 trong bối cảnh sôi động và phức tạp cả về mặt đạo lẫn mặt đời.

Giáo phận Nha trang, cũng như các giáo phận khác tại miền Nam, lúc này phải đối diện với những thử thách khốc liệt khi đất nước chuyển từ chế độ cũ sang chế độ mới. Không còn các hoạt động bên ngoài khuôn viên nhà thờ, ngay chính việc phụng tự cũng chịu sự kiểm soát. Các cơ sở giáo dục, y tế, từ thiện của Giáo hội bị trưng dụng. Các chủng viện và học viện phải đóng cửa và giải tán. Việc truyền chức, bổ nhiệm, thuyên chuyển các chức sắc trong Giáo hội trở thành vô cùng khó khăn, gần như bất khả... Trong bối cảnh khó khăn đó, nhờ đức hiền hoà và nhẫn nại, ngài đã tạo được sự thông cảm và hợp tác giữa các thành phần dân Chúa trong giáo phận, hàng giáo sĩ giáo phận mỗi ngày một thêm trẻ trung và tăng số. Khi hoàn cảnh cho phép ngài xây dựng Chủng viện, tái thiết các cơ sở vật chất, nhất là đào tạo nhân sự để nâng cao đời sống đức tin cho giáo dân.

phailamgi_Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa_cv2.jpg
Ảnh: Dòng Nữ Vương Hòa Bình

Mạnh mẽ đối thoại trong "Tinh thần và Chân lý"

Cuối năm 2001, sau nhiều năm phục vụ Giáo hội trong chức vụ Chủ tịch các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, ngài được các Đức Giám mục bầu chọn làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Ngài sẽ giữ nhiệm vụ này trong hai nhiệm kỳ liên tiếp, từ năm 2001 đến năm 2007.

Ngày 29/12/2001, thay vì chờ sự ưng thuận của chính quyền, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Giám mục, ngài đã dẫn đầu một phái đoàn đến chào thăm Thủ tướng chính phủ. Trong dịp này, ngài đã đề xuất với Thủ tướng "một số nguyện vọng", trong đó có những đề nghị đáng chú ý như: "hoàn trả lại cho Giáo hội đất đai và các cơ sở tôn giáo bị nhà nước chiếm dụng", "cho phép Giáo hội dễ dàng nhận các sách báo tôn giáo bằng tiếng nước ngoài"... (Nhiều tác giả, Ba mươi năm Giáo hội Công giáo dưới chế độ Cộng sản, (Nguyệt san Diễn Đàn Giáo dân – Phong trào Giáo dân Việt Nam hải ngoại) tr. 587-588)

Sau kỳ họp thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam từ ngày 7-12/10/2002, thêm một lần nữa, trong tư cách Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Phaolô đã gửi tới Quốc hội Việt Nam và các Hội đồng Nhân dân lá thư ngỏ thẳng thắn phê phán và đề nghị nhà nước xóa bỏ cơ chế xin – cho. Lá thư có đoạn viết:

Cơ chế xin-cho biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền mà Nhà Nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân dưới dạng những cái phép, đồng thời biến Nhà Nước từ một tổ chức có chức năng phục vụ công ích trở thành một chủ nhân ông nắm các quyền tự do của người dân và ban phát các phép tự do lại cho họ thường theo sự tùy tiện chủ quan hơn là theo những tiêu chuẩn khách quan. Như thế cơ chế xin-cho vừa đi ngược lại công ích và xóa đi các quyền tự do của người dân, vừa bôi đen hình ảnh của một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân. Đó là điều làm tha hóa con người.” (Ibid., 488)

Trong suốt những năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Giám mục, cùng với vị Tổng thư ký của mình là Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Đức cha Phaolô còn nhiều lần, bằng nhiều cách lên tiếng góp ý cách thẳng thắn và chân thành trước những vấn đề của đất nước. Chính vì sự chân thành và thẳng thắn của ngài mà ngài trở thành vị "giám mục không được nhà nước ưa thích" và Sứ vụ Bắc tiến mà Tòa thánh dự định dành cho ngài cũng không thành sự.

phailamgi_Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa_1.jpg
Về nhà hưu dưỡng Giáo phận. Ảnh: Công giáo và Dân tộc

Hoàn tất hành trình

Ngày 4/12/2009, sau nhiều năm miệt mài trên hành trình sứ vụ, xây dựng các cơ sở vật chất, chuẩn bị cho giáo phận người kế vị, vị mục tử can đảm đã được Đức thánh cha chấp thuận đơn từ chức.

Những năm cuối đời, ngài về nhà hưu dưỡng giáo phận, sống giữa những linh mục đã một thời gắn bó, tiếp tục cầu nguyện cho giáo phận.

Ngài đã được về cùng Chúa lúc 20g00, thứ Ba ngày 14 tháng 2 năm 2017, tại Tòa Giám Mục Nha Trang, hưởng thọ 86 tuổi, 58 năm Linh mục, 42 năm Giám mục.​
 

Giải đáp những câu hỏi thách thức mà người vô thần đặt ra cho người Công giáo

40:31201 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên