Thành viên
Tham gia
14/1/24
Bài viết
81

Ngày càng nhiều những linh mục, tu sĩ trong nhiều Giáo phận đã tham gia chính trị, cụ thể là Ủy ban Đoàn kết Công giáo. Đây không phải là tổ chức của Giáo hội và không được giáo quyền thừa nhận mà do chính quyền lập ra như một tổ chức xã hội, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hơn thế, còn có những linh mục là Đại biểu Quốc hội… Điều này dấy lên sự lo ngại và thắc mắc từ phía giáo dân về vấn đề Giáo Hội có làm chính trị không?​

Cover_giáo hội có làm chính trị không_phailamgi.jpg

Rất nhiều Tu sĩ, linh mục làm Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TP. HCM. Ảnh: nld.com.vn

Trước hết, chúng ta cần biết thái độ của Đức Giêsu trong tin mừng liên quan đến các vấn đề thuộc phạm vi trần thế, để xem Người có làm chính trị không?

Chắc chắn mục đích chính của Đức Giêsu không phải chỉ để đáp ứng những nhu cầu thể lý, hoặc những khó khăn của đời sống con người, lại càng không cổ vũ bạo động hoặc tổ chức một đảng phái, thiết lập một thể chế để đấu tranh cho một mục tiêu trần thế nào.

Mục đích của Đức Giêsu đến trần gian là rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa “vì Tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” (Lc 4,43) Và cụ thể hơn, Người đến “để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20,28). Đức Giêsu không đến thế gian để tìm địa vị và tiền bạc, danh vọng và quyền lực chính trị. Tin mừng thuật rằng, khi thấy dân chúng sắp đến bắt Người đem đi để tôn Người làm vua, sau khi chứng kiến những phép lạ Người làm, thì Người đã lánh mặt, đi lên núi một mình, như phủ nhận một quan niệm trần tục về Đấng Mêsia, mang bản chất chính trị (x.Mt 22,41-46/ Ga 6,15).

Rõ ràng nhất là khi Đức Giêsu bị điệu ra trước tòa của Tổng trấn Philatô. Thượng Hội Đồng Do thái đã cố tình nộp Đức Giêsu cho người Rôma với lời tố cáo về tội bạo động, gây rối chính trị, tương tự như trường hợp Baraba (Lc 23,2.19). Các Thượng tế còn sử dụng đòn chính trị để làm áp lực buộc Philatô phải kết án Đức Giêsu (x.Ga 19,12.15-21). Nhưng Đức Giêsu đã dõng dạc tuyên bố: “Nước Tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18,36).

Nếu Nước Chúa thuộc về thế gian, thì Đức Giêsu mới cần lập đảng phái chính trị, kết nạp đảng viên, giành quyền lãnh đạo quốc gia, thiết lập quân đội, công an… để cai trị lâu bền. Ngay cả khi phục sinh từ trong cõi chết, trước khi về trời, Đức Giêsu chỉ ra lệnh cho các tông đồ: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28,19-20).

Đó chính là là sứ mạng và bản chất của Giáo hội, lột tả chức năng và trách nhiệm của Giáo hội mà Đức Giêsu đã trao phó. Sách Giáo lý của Giáo hội, số 2245 nói: “sứ mạng và chức năng của Giáo hội không thể lẫn lộn với cộng đồng chính trị”.

Như vậy Giáo hội không làm chính trị theo nghĩa tranh giành với các tổ chức chính trị về quyền lãnh đạo quốc gia. Mặc dù trong quá khứ, có những giai đoạn lịch sử Giáo hội lẫn lộn giữa “thần quyền và thế quyền”, và chắc chắn, bài học đau thương đó sẽ luôn cảnh tỉnh cho Giáo hội để ngày càng trở nên tinh tuyền và trung thành với sứ mạng và thẩm quyền của mình.

Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn có quyền quan tâm lên tiếng, tỏ thái độ và can thiệp vào những vấn đề liên quan đến những vi phạm nhân quyền, về tự do tín ngưỡng và tôn giáo, cho đến khi nào các quyền ấy được tôn trọng và tuân thủ.

Còn những vấn đề thuộc phạm vi luân lý đạo đức, Giáo hội càng phải lên tiếng trước những trào lưu xã hội cổ vũ sự vô luân phóng túng như phá thai, thụ thai trong ống nghiệm, thực hành thuyết ưu sinh, hôn nhân đồng tính, chết êm dịu, kỳ thị chủng tộc, bạo loạn, khủng bố, diệt chủng và nhất là chiến tranh xâm lược.

Có như thế, Giáo hội mới thực thi đúng với sứ mạng và trách nhiệm của mình là bảo vệ những giá trị Tin mừng và tạo điều kiện thuận lợi giúp con người tìm đến với Thiên Chúa để được cứu độ. Sách Giáo lý Công giáo số 2246 (trích dẫn Gaudium et spes, số 76e) có viết: “Giáo hội có sứ vụ đưa ra phán đoán luân lý, cả trong những vấn đề liên quan tới lãnh vực chính trị, khi các quyền lợi căn bản của con người hay ơn cứu độ các linh hồn đòi hỏi, bằng cách sử dụng mọi phương tiện và chỉ những phương tiện nào phù hợp với Tin mừng và hòa hợp với lợi ích của mọi người, tùy theo các thời đại và hoàn cảnh khác nhau.”

Với mục đích này, Giáo hội tránh xa mọi dính dáng đến chính trị, không liên kết, không thoả hiệp, không can thiệp hay hô hào ủng hộ hoặc tìm cách lật đổ bất cứ chế độ nào, vì đó không phải là bổn phận và chức năng của Giáo hội.

Tuy không tham gia vào lãnh vực chính trị nhưng Giáo hội tôn trọng và khuyến khích tín hữu chu toàn nhiệm vụ công dân của mình trong các lãnh vực chính trị, quân sự, xã hội, kinh tế, văn hoá, giáo dục. Với mục đích đem ánh sáng Tin mừng chiếu rạng vào những nơi còn tối tăm vì bất công, bất nhân, bạo lực, đàn áp... Nhưng các tín hữu chỉ được tham gia các lãnh vực chính trị trong tư cách là công dân, chứ không được phép thiết lập một tổ chức chính trị, đảng phái lấy danh xưng là “Công Giáo” để hoạt động với mục đích ủng hộ hay lật đổ chính quyền.

Còn hàng giáo sĩ và tu sĩ, Giáo hội không bao giờ cho phép được trực tiếp tham gia các đảng phái chính trị, tham gia chính trường hoặc bất cứ hoạt động thuần chính trị nào cho những mục tiêu trần thế, kể cả tranh đấu cho tự do, dân chủ và công bằng xã hội.​

Phải làm gì?
Docat 31: Giáo Hội có thể can dự vào các vấn đề xã hội đến mức nào?

Giáo Hội không có trách nhiệm thay thế Nhà nước và chính trị. Đó là lý do vì sao Giáo Hội không đưa ra những giải pháp mang tính chuyên môn đối với những vấn đề xã hội đặc thù. Giáo Hội cũng không thiết lập các chính sách, mà đúng hơn, Giáo Hội truyền cảm hứng cho những chính sách giữ đúng tinh thần Phúc Âm. Trong các thông điệp xã hội, các giáo hoàng đã khai triển những luận đề trung tâm như tiền lương, tài sản, công đoàn - những đề tài được cho là sẽ giúp xây dựng một xã hội liêm chính. Tuy vậy, thành phần duy nhất nên can thiệp trực tiếp vào chính trị chính là những giáo dân đã dấn thân vào lĩnh vực đó. Hơn thế nữa, nhiều Kitô hữu đã đưa suy tư và cam kết tôn giáo của họ vào thực hành nơi các công đoàn, hội nhóm và đoàn thể vận động cho những lý tưởng xã hội cụ thể, ví dụ, trợ giúp người tị nạn, hay bảo vệ người làm công.​
 
Cháy lên
Tham gia
28/12/23
Bài viết
93
Linh mục tham gia chính trị là tốt đời đẹp đạo
 
phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
472
Linh mục tham gia chính trị là tốt đời đẹp đạo
Trích: "Còn hàng giáo sĩ và tu sĩ, Giáo hội không bao giờ cho phép được trực tiếp tham gia các đảng phái chính trị, tham gia chính trường hoặc bất cứ hoạt động thuần chính trị nào cho những mục tiêu trần thế, kể cả tranh đấu cho tự do, dân chủ và công bằng xã hội."
 

[LIVE] Thánh Lễ của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV với các Hồng Y – Thứ Sáu 9/5 - PHAILAMGI.COM - Vào lúc 11:00 giờ Roma (tức 16:00 giờ Việt Nam) ngày thứ Sáu 9/5/2025, Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ chủ sự Thánh lễ đầu tiên với các Hồng Y tại Nhà nguyện Sistine - Đây là một nghi lễ mang tính biểu tượng sâu sắc, đánh dấu khởi đầu chính thức của triều đại mới. Trong Thánh lễ này, Đức Thánh Cha sẽ cùng các Hồng Y hiệp thông cầu nguyện cho sứ vụ lãnh đạo Hội Thánh hoàn vũ mà Ngài vừa được trao phó.

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên