Thánh Giáo hoàng Phaolô VI: những lá thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bên tham chiến

phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
333

Những ngày này cách đây 59 năm, giữa lúc cuộc chiến tranh Việt Nam lần II (1954-1975) diễn ra căng thẳng, Hoa Kỳ chính thức đưa quân vào Việt Nam, từ Vatican Thánh Giáo hoàng Phaolo VI, đã gửi thư tới các bên tham chiến, kêu gọi ngưng bắn, ngồi lại đối thoại xây dựng hòa bình.


phailamgi_Thánh Giáo hoàng Phaolô VI những lá thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bên tham chiến.jpg

Thánh Giáo hoàng Phaolô VI. Ảnh: Vatican news

Vai trò trung gian

Cần biết, triều đại Giáo hoàng của Đức Phaolô VI (1963-1978) nằm gọn trong bối cảnh đối dầu căng thẳng giữa hai khối liên minh quân sự: một bên là Liên bang Xô Viết và các nước khối Cộng sản và một bên là phe Đồng minh gồm Hoa Kỳ và các cường quốc Phương Tây; còn gọi là cuộc chiến ý thức hệ, giữa hai phe dân chủ và cộng sản; trong đó, chiến trường Việt Nam là khốc liệt hơn cả.

Trong bối cảnh chiến tranh ngày càng leo thang, ngày 4/10/1965, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Liên Hiệp Quốc, tại diễn đàn của Liên Hiệp Quốc, Đức thánh cha Phaolô VI đã đọc một bài diễn văn lịch sử kêu gọi các quốc gia "đừng bao giờ để xảy ra chiến tranh nữa…" và thế giới nồng nhiệt đón nhận thông điệp hòa bình của ngài. Chớp thời cơ, Mỹ đề nghị Đức Giáo hoàng làm trung gian bắc nhịp cầu thương lượng với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

phailamgi_Thánh Giáo hoàng Phaolô VI những lá thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bên tham chi...jpg
Ảnh: Flickr

Các nỗ lực ngoại giao

Trong vai trò trung gian, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã cố gắng "tận dụng mọi cơ hội, dù là cơ hội mong manh nhất, để đưa tới một giải pháp công bình và ôn hòa cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Việt Nam." (Trần Anh Dũng chủ biên, Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam (1960-1995), Paris 1996, 184)

Ngày 19/12/1965, nhân lễ Giáng sinh, ngài đã gửi thông điệp kêu gọi các bên tham chiến ngừng các hành động thù nghịch. (x. Phaolô VI, Đề Nghị ngưng bắn dịp Giáng sinh giữa các bên tham chiến, 19.12.1965: InsPVI, III (1965) 1155-1156)

Ngài cũng gửi các Đặc sứ đến các quốc gia, trong đó có miền Nam Việt Nam, kêu gọi các quốc gia, thay vì hận thù, hãy ủng hộ cuộc vận động hòa bình cho Việt Nam của Tòa Thánh.

Tại Vatican, ngài còn đích thân gặp gỡ các đại diện của các bên liên quan, thúc đẩy các bên ngồi lại, tiến tới một cuộc đàm phán hòa bình: ngày 30/12/1965, tiếp đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc; ngày 27/4/1966, tiếp Bộ trưởng ngoại giao Liên Xô; ngày 19/8/1966, tiếp Tướng Nguyễn Hữu Có, Phó thủ tướng,, kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Cộng Hòa; ngày 1/4/1967, tiếp Phó tổng thống Hoa Kỳ...

phailamgi_Thánh Giáo hoàng Phaolô VI những lá thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bên tham chi...jpg
Ảnh: Flickr

Gửi thư cho các nguyên thủ quốc gia tham chiến

Ngoài ra, để thúc đẩy cuộc đối thoại, ngài đã nhiều lần viết thư cho các vị nguyên thủ quốc gia liên quan tới cuộc chiến tại Việt Nam, như Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Các lá thư, trừ lá thư gửi Tổng thống Mỹ bằng tiếng Anh, các lá thư khác đều bằng Pháp ngữ, với văn phong nhẹ nhàng, đơn giản, nhưng thận trọng và không thiên vị.

Ở đây chỉ xin ghi lại nội dung hai lá thư Đức Phaolô VI gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lá thư đầu được viết vào ngày 31/12/1965:

"Thưa ngài Chủ tịch,

Trước thềm Năm mới, chúng tôi muốn nhắc lại cho dân tộc Việt Nam rất yêu dấu điều chúng tôi ao ước từ cõi lòng: đó là một nền hòa bình trong công lý và yêu thương, đánh dấu sự khởi đầu của một thời kỳ bền lâu của các hành động hòa bình, là nguồn mạch của hạnh phúc và thịnh vượng. Với lòng tin tưởng, chúng tôi không ngừng khẩn cầu Thiên Chúa, và một lần nữa nhấn mạnh rằng, chúng tôi sẽ làm tất cả nhằm đạt đến một nền hòa bình hằng khao khát đợi trông, giúp nhân loại thoát khỏi mối đe dọa kinh hoàng. Để đạt được điều đó, chúng tôi khẩn nài các vị hữu trách đừng làm gì để chiến tranh lại tái diễn và các cuộc ném bom dữ dội lại xảy ra. Với niềm hy vọng ấy, một lần nữa, chúng tôi gửi đến ngài, thưa ngài Chủ tịch và quý quốc lời chúc mừng thân ái và chân thành
". (AAS (Acta Apostolicae – Công Báo Tông tòa) 58 (166) 163)

Vào dịp lễ Giáng sinh 1966 và Năm mới 1967, thêm một lần nữa Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã đồng loạt gửi thư đến các vị lãnh đạo các quốc gia tham chiến. Trong thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 8/2/1967, Đức Thánh Cha viết:

"Thưa Ngài Chủ tịch,

Trong cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo các tôn giáo vì hòa bình, chúng tôi rất hài lòng và tin tưởng vào ngài. Vì thế, một lần nữa, chúng tôi mạnh dạn khẩn nài ngài thực hiện những gì có thể, để thúc đẩy giải pháp chấm dứt cuộc xung đột. Chúng tôi hy vọng rằng, hai bên tham chiến sẽ tôn trọng bầu khí bình an của những ngày Tết Nguyễn đán, và không tái diễn những hành động thù nghịch. Trái lại, chúng tôi hy vọng rằng, thời gian ngưng chiến này giúp cho mọi người được hưởng bầu khí an bình, và tạo cơ hội giúp cả hai bên tham chiến, chấm dứt các hoạt động chiến tranh, dẫn tới việc xác định các tiêu chuẩn căn bản cho những cuộc đàm phán chân thành đem lại hòa bình.

Chúng tôi dâng lên Chúa lời cầu nguyện tha thiết với ước mong dân tộc Việt Nam mà chúng tôi rất quý mến, cuối cùng cũng chứng kiến việc khai mở một kỷ nguyên hòa hợp, thịnh vượng, tôn trọng sự công bằng và tự do
". (AAS 59 (1967) 161)

phailamgi_Thánh Giáo hoàng Phaolô VI những lá thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bên tham chi...jpg
Thánh Giáo hoàng Phaolô VI tại Công đồng Vatican II

Không ai chịu nhượng bộ

Các lá thư sau đó đều đã được các vị nguyên thủ phú đáp, nhưng không ai chịu nhượng bộ. Tổng thống Johnson cho rằng, "Hoa kỳ sẵn sàng đàm phán, nhưng sẽ không ngừng bắn, bao lâu phía đối phương không làm điều tương tự."

Trong lá thư trả lời Đức Giáo hoàng ngày 8/2/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lên án Mỹ và đồng minh, yêu cầu Mỹ phải ngưng bắn vô điều kiện. Ông viết: “Tôi muốn cảm ơn Đức Thánh cha về thông điệp của ngài. Người Mỹ đã gửi 500.000 lính Mỹ hay Đồng Minh và 600.000 lính ngụy (Việt Nam Cộng Hòa), gây chiến trên đất nước chúng tôi. Tội ác của chúng thì khủng khiếp. Nhân dân Việt nam sẽ quyết tâm bảo vệ nền độc lập và tin chắc rằng công lý sẽ chiến thắng. Người Mỹ phải ngừng vô điều kiện mọi hành động gây hấn hay bắn phá Việt Nam và công nhận Mặt trận Giải Phóng Dân tộc (F.N.L), bằng cách để cho nhân dân Việt Nam tự quyết số phận của mình. Với những điều kiện đó, hòa bình mới có thể được lặp lại.” (x. Gérard Gagnon et Alexis Trépanier, 50 ans au Viet Nam, Vol. XIII, 133).

Về phần mình, Tổng thống Thiệu ôn hòa hơn. Sau khi cảm ơn Đức thánh cha đã cầu nguyện cho Việt Nam, ông cho rằng: "Việt Nam Cộng Hòa đã dùng tất cả mọi phương cách để tìm kiếm một giải pháp công bằng và danh dự cho cuộc xung đột. Thực tế là Việt Nam Cộng Hòa đang đấu tranh để dành lấy quyền sống, quyền tự do và công bằng. Chắc chắn rằng nếu cộng sản vô thần thành công trong việc xâm lược Việt Nam Cộng Hòa, bằng vũ lực tàn bạo và chủ nghĩa khủng bố xảo quyệt thì số phận của hàng triệu người dân Đông Nam Á sẽ bị đe dọa. Một nền hòa bình lâu dài trên thế giới không thể tồn tại trên một cơ sở vô nhân đạo như vậy.” (Gérard Gagnon et Alexis Trépanier, 50 ans au Viet Nam, Vol. XIII, 133)

phailamgi_Thánh Giáo hoàng Phaolô VI những lá thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bên tham chi...jpg
Ảnh: irishtimes.com

Tóm lại

Một trang sử nhỏ vừa được mở ra cho những ai quan tâm tới tiền đồ của nước nhà, tới vai trò của Giáo hội, cụ thể của thánh Giáo hoàng Phaolô VI trong việc vãn hồi chiến tranh tại Việt Nam.

Điều cần ghi nhận, trong vai trò trung gian, Giáo hội đã luôn đứng ở vị thế trung lập, không thiên vị. Mục tiêu duy nhất của Giáo hội là chấm dứt chiến tranh, chấm dứt những ngày đau khổ cho dân tộc Việt Nam. Nhưng...!!!​

Phải làm gì?​

Docat 279: Giáo Hội làm thế nào để hành động về phương diện chính trị cho hoà bình?

Đặc biệt trong khoảng 180 nước, trong đó Giáo Hội có đại diện ngoại giao qua → TOÀ THÁNH, Giáo Hội làm tất cả những gì có thể làm cho hoà bình và góp phần bảo vệ hoà bình. Giáo Hội bảo vệ các quyền con người (ví dụ, tự do tôn giáo hay bảo vệ sự sống của con người), Giáo Hội kêu gọi giải trừ quân bị và khuyến khích phát triển kinh tế và xã hội, tạo cơ sở cho sự chung sống hoà bình trong xã hội. Toà Thánh cũng phái các nhà trung gian hoà giải đến các khu vực đang gặp khủng hoảng hoặc làm cố vấn và làm trung gian đằng sau hậu trường trong các tình huống khủng hoảng. Ví dụ, Giáo hoàng Gioan XXIII làm trung gian giữa Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy và nhà lãnh đạo Liên bang Xô Viết và Đảng Cộng sản Liên bang Nga, Nikita Khrushchev, trong Cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1961, hoặc Cộng đồng Saint Egidio làm trung gian đã đóng vai trò hàng đầu trong việc ký kết hiệp ước hoà bình năm 1992 cho Mozambique kết thúc cuộc nội chiến ác liệt kéo dài suốt mười sáu năm.​
 

Đức Giáo hoàng Giáo hội Công giáo - Từ Thánh Phêrô đến ĐGH Phanxicô

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên