Xu hướng "đánh đồng": Một người làm sai, cả tập thể gánh chịu

Thành viên
Tham gia
22/12/23
Bài viết
28

Trong cuộc sống, có một hiện tượng vô cùng thú vị, đó là khi một người phạm sai lầm, cả cộng đồng lập tức bị gán ghép tội lỗi. Bạn có bao giờ cảm thấy bất công không? Chỉ vì một người nào đó chặt chém du khách nước ngoài, hình ảnh cả một dân tộc với hàng nghìn năm văn hiến bỗng dưng trở thành “những kẻ lừa đảo”. Hoặc khi người Việt Nam “lỡ” ăn trộm ở nước ngoài, điều này khiến bạn bè quốc tế nhìn chúng ta với ánh mắt thiếu thiện cảm, cứ như thể mọi người đều có xu hướng lấy cắp vậy. Khi một cá nhân có lỡ "phông bạt" hay "biển thủ" tiền từ thiện thì tập thể cũng bị ảnh hưởng và đôi khi phải đứng ra xin lỗi cộng đồng.​


phailamgi_xu hướng đánh đồng_cv.jpg


Thật là một phép tính kỳ lạ của xã hội. Nếu một người làm điều xấu, tại sao cả một tập thể phải chịu trách nhiệm? Tại sao hình ảnh của cả một quốc gia, một tổ chức lại bị "vạ lây" chỉ vì vài cá nhân thiếu ý thức? Nhưng đó là thực tế. Người ta không cần nhiều lý do để đánh giá, một hành động tiêu cực của một ai đó là đủ để cả tập thể bị quy chụp là "đồng lõa" hay "đồng hành" trong sự sai trái.

Chúng ta hẳn đều đã nghe câu chuyện "một con sâu làm rầu nồi canh". Câu nói này không chỉ dừng lại ở những món ăn, mà còn phản ánh chính xác cách mà xã hội đánh giá con người. Khi có ai đó hành xử không đúng, bạn lập tức bị cho là "cùng hội cùng thuyền" dù bạn chẳng liên quan. Điều này xảy ra ở khắp mọi nơi, từ công sở, trường học cho đến cấp quốc gia. Vô tình, chỉ vì một cá nhân không biết cư xử, cả đất nước bỗng chốc bị nhìn nhận qua lăng kính tiêu cực.

Lấy một ví dụ đơn giản: Một vị khách nước ngoài ghé thăm Việt Nam và không may bị "chém đẹp" khi mua một tô phở. Bạn có nghĩ rằng anh ta sẽ rời Việt Nam và đi kể cho bạn bè mình nghe về những con người hiếu khách, nụ cười thân thiện và những bữa ăn ngon lành? Không. Câu chuyện của anh ta sẽ xoay quanh việc "đến Việt Nam, cẩn thận bị lừa". Và rồi, hình ảnh Việt Nam sẽ trở thành "điểm đến của những kẻ lừa đảo" trong mắt hàng trăm, hàng nghìn người.

Câu chuyện này không chỉ dừng lại ở biên giới quốc gia. Hãy thử tưởng tượng bạn đang du lịch ở một quốc gia khác, và bất ngờ đọc thấy tin tức về một người Việt Nam bị bắt vì tội ăn cắp trong siêu thị. Lập tức, mọi ánh mắt sẽ đổ dồn vào bạn với sự nghi ngờ: "Anh/chị cũng là người Việt Nam, có khi nào anh/chị cũng có tính đó không?" Một sự so sánh thiếu công bằng nhưng lại xảy ra mỗi ngày. Đó là cái giá mà tập thể phải trả chỉ vì một người không biết cư xử đúng mực.

phailamgi_xu hướng đánh đồng_cv1.jpg
Ảnh: vietnamnet.vn

Chúng ta cũng nên thừa nhận rằng, xã hội rất giỏi trong việc đánh đồng. Không cần biết bạn là ai, làm gì, chỉ cần một người trong cộng đồng phạm sai lầm, bạn sẽ tự nhiên bị cuốn vào vòng xoáy phán xét. Có thể bạn không liên quan gì đến người bán phở chặt chém hay người ăn trộm ở nước ngoài, nhưng chỉ cần chia sẻ một quốc tịch, một màu da, bạn đã bị đánh đồng rồi. Xã hội không cần nhiều lý do để quy chụp, và rất ít người có đủ kiên nhẫn để phân biệt giữa hành động của một cá nhân và danh dự của cả tập thể.

Nhưng đừng vội chán nản! Sự đánh đồng này cũng có một bài học sâu sắc. Nó nhắc nhở chúng ta rằng, mỗi hành động của mình không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn tới cả tổ chức, cộng đồng, quê hương, và đất nước. Điều này nghe có vẻ nặng nề, nhưng thử nghĩ mà xem: bạn không chỉ đơn thuần là một cá nhân, bạn là một phần của một tập thể lớn hơn. Mỗi khi hành động điều gì, hãy nhớ rằng bạn không chỉ có trách nhiệm với bản thân mà còn cả một cộng đồng đằng sau bạn. Khi bạn cư xử tử tế, đó cũng là cách bạn đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh tích cực cho tập thể. Nhưng nếu bạn phạm sai lầm, hãy chuẩn bị tinh thần rằng, không chỉ bạn mà cả những người xung quanh cũng sẽ bị kéo vào vòng xoáy phán xét của xã hội.

phailamgi_xu hướng đánh đồng_cv 4.jpg
Tập thể xin lỗi vì cá nhân mắc sai phạm liên quan đến tiền từ thiện

Vậy, giải pháp ở đây là gì? Chắc chắn không phải là việc mỗi cá nhân phải "sống hộ" cho cả tập thể, mà là sự ý thức về trách nhiệm của mình. Đừng chỉ nghĩ rằng, "mình làm gì là chuyện của mình". Không, hành động của bạn có thể tác động xa hơn rất nhiều so với những gì bạn tưởng tượng. Trong thế giới hiện đại, không có hành động nào là nhỏ nhặt cả, mọi thứ đều có hệ quả của nó.

Thay vì chỉ trích xã hội vì sự đánh đồng, có lẽ chúng ta nên nhìn nhận lại chính mình. Mỗi người có thể làm tốt phần việc của mình, hành xử có trách nhiệm và ý thức về ảnh hưởng của mình đến tập thể. Khi đó, dù có sự đánh đồng xảy ra, tập thể sẽ không phải chịu đựng những hậu quả tiêu cực từ những cá nhân thiếu ý thức. Và biết đâu, xã hội cũng sẽ trở nên công bằng hơn trong việc đánh giá con người.​

Phải Làm Gì?
Tội nào cũng là tội cá nhân xét về một phương diện nào đó; nhưng xét về một phương diện khác, tội nào cũng là tội xã hội, trong mức độ nó cũng gây ra những hậu quả trong xã hội. Nếu xét cho đúng nghĩa thì tội luôn luôn là một hành vi của con người, vì đó là hành vi tự do của một cá thể, chứ không phải là hành vi của một tập thể hay một cộng đồng cách đúng nghĩa. Đành rằng tính xã hội có thể được tìm thấy trong hết mọi tội, nếu xét tới sự kiện “do sự liên đới vừa mầu nhiệm và không thể nắm bắt được, vừa rất thật và rất cụ thể, tội nào của cá nhân cũng tác động tới người khác một cách nào đó”226. Tuy nhiên, thật là không chính đáng hay không thể chấp nhận được nếu hiểu tội xã hội theo cách: nó làm giảm nhẹ hay xoá hết trách nhiệm của cá nhân, dù là hữu ý hay vô tình, do chỉ nhìn nhận sự sai trái và trách nhiệm của xã hội. Lần tới cùng của bất cứ tình huống tội lỗi nào, cũng luôn luôn thấy có những cá nhân đã phạm tội (TLHTXHCG 117)​
 

Từ Thánh Phêrô đến ĐGH Phanxicô | PhaiLamGi | Video tóm lược danh sách các vị Giáo hoàng – từ Thánh Phêrô, người được chính Chúa Giêsu chọn làm đá tảng xây dựng Hội Thánh, cho đến Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã để lại dấu ấn đậm nét bằng đời sống khiêm nhường, gần gũi và những cải tổ mạnh mẽ vì người nghèo và người bên lề. Một hành trình đức tin, một chuỗi kế vị không gián đoạn, thể hiện sự trung thành của Giáo hội với lời hứa của Đức Kitô: "Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi." (Mt 16,18)

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên