Behold God’s Providence
- Tham gia
- 17/12/23
- Bài viết
- 1,102
- Chủ đề Author
- #1
Việc một người Mỹ được bầu làm Giáo hoàng đã thu hút sự chú ý quốc tế, nhưng các Hồng y Hoa Kỳ tham gia Mật nghị ngày 8 tháng 5 khẳng định: quốc tịch của tân Giáo hoàng Lêô XIV chỉ là chi tiết thứ yếu. Điều nổi bật hơn cả là tinh thần truyền giáo, kinh nghiệm mục vụ quốc tế và phong thái khiêm nhường mà ngài mang đến vai trò lãnh đạo Giáo hội Công giáo toàn cầu.
Bảy vị Hồng y cử trị đến từ Mỹ họp báo về Đức Giáo hoàng Lêô XIV tại hội trường của Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ ngày 9/5. Ảnh: Patrick Leonard / EWTN News
Catholic News Agency đưa tin, tại buổi họp báo ngày 9 tháng 5 tổ chức tại Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ ở Rôma, bảy vị Hồng y người Mỹ đã chia sẻ trải nghiệm Mật nghị và nhận định về vị tân Giáo hoàng.
Khi truyền thông nhắc quá nhiều tới gốc gác vị tân Giáo hoàng, Hồng y Timothy Dolan, Tổng Giám mục New York, nhấn mạnh: “Đức Lêô XIV là một công dân toàn cầu. Gốc gác của ngài là điều phụ thuộc; điều quan trọng là ngài giờ đây là vị kế vị Thánh Phêrô.”
Tuyên bố này được chia sẻ rộng rãi bởi các Hồng y tham dự. Hồng y Robert McElroy, tân Tổng Giám mục Washington, D.C., thừa nhận ngài không bao giờ nghĩ một người Mỹ có thể được bầu làm Giáo hoàng trong đời mình. Tuy nhiên, ngàu cùng các Hồng y khác, bao gồm Daniel DiNardo (Galveston-Houston) và Wilton Gregory (Washington, D.C.), đều đồng thuận rằng lựa chọn này đến từ sự phân định chung trong bầu khí thiêng liêng, không bị ràng buộc bởi địa lý hay chính trị.
Hồng y Blase Cupich của Chicago – thành phố quê hương của Đức Lêô XIV – mô tả quá trình bầu chọn là “một trải nghiệm hiệp nhất” trong tinh thần tôn trọng và đồng thuận. Trong vòng chưa đầy 24 giờ, 89 Hồng y đến từ nhiều quốc gia và bối cảnh khác nhau đã đạt được sự nhất trí.
Hồng y Christophe Pierre, Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ chia sẻ, bầu khí của Mật nghị “hoàn toàn thiêng liêng, không mang tính chiến lược chính trị”.
Hồng y Joseph Tobin và Hồng y Timothy Dolan chia sẻ về Tân Giáo hoàng. Ảnh: CNA
Khi nói tới bầu khí của Mật nghị, Hồng y McElroy chia sẻ: "Khi chúng tôi nhìn lên bức ‘Phán xét cuối cùng’ của Michelangelo trong Nhà nguyện Sistine và hát Kinh cầu các Thánh, mọi sự chia rẽ trong thế giới tan biến. Chúng tôi nhìn vào linh hồn của nhau để phân định: ai có thể trở nên dấu chỉ sống động của Đức Kitô nơi trần gian.”
Đức Lêô XIV được ca ngợi là người mang trong mình “tận căn một tinh thần truyền giáo.” Ngài không chỉ nói về truyền giáo, ngài sống điều đó – như một nhà truyền giáo hiến mình cho Giáo hội.
Dù từng giữ vai trò Bề trên Tổng quyền của một dòng tu, Đức Lêô XIV được đánh giá là người mềm mỏng nhưng kiên định. Hồng y Joseph Tobin (Newark), người quen biết Đức Lêô suốt ba thập niên, chia sẻ khoảnh khắc đầy xúc động khi bỏ phiếu tại Nhà nguyện Sistine. “Tôi nhìn thấy ngài cúi đầu trong tay. Tôi đã cầu nguyện cho ngài – vì tôi không thể hình dung điều gì xảy ra trong tâm hồn một con người khi đứng trước một sứ mạng như vậy. Và rồi khi ngài chấp nhận, tôi biết rằng đó là sự đáp trả trước một tiếng gọi thiêng liêng.”
Sự khiêm tốn và cách trình bày của Đức Lêô trước Mật nghị đã để lại ấn tượng sâu sắc với các Hồng y. Họ nhất trí rằng vai trò Giáo hoàng không phải là sự tái hiện một triều đại trước, mà là sự tiếp nối một hướng đi trong phong cách riêng.
Kết thúc họp báo, các Hồng y khuyến nghị báo chí và tín hữu hãy để thời gian và hành động của Đức Lêô XIV lên tiếng. Tân Giáo hoàng cần được nhìn nhận qua sứ vụ sắp tới của ngài – chứ không chỉ qua nguồn gốc hay danh tiếng trong quá khứ.