Cái chết thương tâm của cha Ernest Tricoire (Cố Khoa) và câu hỏi cho người Việt hôm nay

5.00 star(s) 1 Vote
phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
472

Những ngày này của gần 80 năm về trước, chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc và những hệ lụy đau thương từ cuộc chiến sẽ còn hằn sâu những vết thương trong lịch sử dân tộc, đặc biệt lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, khi làn sóng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, do bị kích động, đã dấy lên phong trào chống các thừa sai Pháp ngay trong lòng Giáo hội.


Phailamgi_Cái chết thương tâm của cha Ernest Tricoire (Cố Khoa) và câu hỏi cho người Việt hôm ...jpg

Hài cốt của cha Ernest Tricoire (Cố Khoa). Ảnh: Phailamgi.com

Trong số nhiều vị thừa sai bị thiệt mạng thời gian này, hoặc bị đưa đi mất tích như cái chết của cha Vacquier (Cố Cao) ở Nam Định, bị thủ tiêu như cha Dupont ở Kẻ Sở… thì cái chết của cha Ernest Tricoire, cha Phó nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, được nhiều người chứng kiến và đau thương hơn cả.

Sáng ngày 2/9/1945, ngày lễ các Chân phúc Tử đạo Việt Nam, một cuộc biểu tình rầm rộ do Việt Minh khởi xướng đã được khởi động từ chiều ngày 1/9 trên nhiều tuyến phố và dừng lại ở bên hông nhà thờ Đức Bà.

Sáng sớm ngày 2/9, hàng loạt tiếng nổ bất ngờ vang lên như mật lệnh. Những tiếng la hét nhuốm vẻ thù địch bắt đầu lan ra. Mọi người đổ xô về khu nhà xứ. Những tiếng la hét điên loạn, những tiếng kêu đe dọa, giận dữ, một đám đông cùng xông vào chiếm sân nhà xứ.

Lúc này, trong nhà xứ đang có rất đông dân thường và quân nhân người Châu Âu, phụ nữ và trẻ em vào trú ẩn trong nhà của các cha. Cha Tricoire của Hội Thừa Sai Paris rất bình tĩnh đưa mọi người vào các phòng rồi đi xuống cầu thang cho đóng cửa tầng trệt lại. Ngài đi ra hàng hiên và thấy phía trước một nhóm thanh niên với vẻ gây hấn; cùng lúc ngài nhận ra là ngôi nhà đã bị bao vây.

Trong hành lang, một vài người đang tranh luận với hai thầy Dòng La San. Cuộc tranh luận rất gay gắt, ồn ào, thậm chí có tính đe dọa. Rồi cha Tricoire bước ra, dang rộng vòng tay, ngài nói với nhóm người này: ''Các bạn là anh em, ngài nói với họ, tại sao lại thù ghét nhau?" Ngài vừa nói những lời này xong, liền bị đám đông bắt, lôi đi, bị đánh và bị đâm bằng nhiều nhát dao và giáo. Ngài quỵ xuống chân cầu thang. Không một lời than phiền, không một tiếng kêu, không nói lời nào. Những tên sát nhân la hét chen lấn nhau để đánh ngài thêm nữa. Ngài bị một cú đâm rất sâu vào sườn phải. Trong khi ngài nằm dưới đất, người ta mở họng ngài ra và bắn một phát vào trong miệng. (x. Gérard Gagnon, C.Ss.R. et Alexis Trépanier, C.Ss.R., 50 ans au Viet Nam, Vol. VII: Apogée (1940-1946), 102)

Phailamgi_Cái chết thương tâm của cha Ernest Tricoire (Cố Khoa) và câu hỏi cho người Việt hôm ...jpg
Nơi chứa đựng hài cốt của 85 vị thừa sai ở phía cuối nhà nguyện. Ảnh: Phailamgi.com

Chiều tối, lính Việt Minh cuốn ngài vào một tấm chiếu và họ quăng ngài lên trên một chiếc xe tải nhỏ cùng với xác của những người khác. Một người Công giáo có uy tín đã xin với vị chỉ huy bộ đội Việt Minh và nhờ cha Giuse Bùi Văn Nho, cha sở Nhà thờ Ngã Sáu, chôn cất ngài cách trang trọng bên cạnh các anh em linh mục đang được an táng trong nghĩa trang của các Linh mục Hội Thừa Sai Paris.

Cái chết vì "đạo" của ngài là phần thưởng của 15 năm tận tâm trong một đất nước xa lạ, xa người thân và xa tổ quốc. Chắc chắn, ngài đã dâng hiến trọn cuộc đời cho nền hòa bình của Đông Dương và giờ đây, ở nơi ấy, ngài đang vui hưởng phần thưởng được hứa ban cho những chiến sĩ của Chúa Kitô.

Ngày nay hài cốt của ngài cùng với 84 vị thừa sai thuộc Hội thừa sai Paris đang nằm lặng lẽ ngay cuối nhà nguyện của Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.

Phailamgi_Cái chết thương tâm của cha Ernest Tricoire (Cố Khoa) và câu hỏi cho người Việt hôm ...jpg
Nhà nguyện Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Ảnh: Phailamgi.com

Cái chết đau thương của ngài, cùng với lời nói cuối cùng của ngài: "Này các bạn, các bạn là anh em, tại sao thù ghét nhau", thật đáng để người Việt có lương tri hôm nay phải suy nghĩ. Dù chúng ta khác biệt về chính kiến, tôn giáo, đảng phái… nhưng chúng ta là anh em một nhà. Tại sao thù ghét nhau?​
 

[LIVE] Thánh Lễ của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV với các Hồng Y – Thứ Sáu 9/5 - PHAILAMGI.COM - Vào lúc 11:00 giờ Roma (tức 16:00 giờ Việt Nam) ngày thứ Sáu 9/5/2025, Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ chủ sự Thánh lễ đầu tiên với các Hồng Y tại Nhà nguyện Sistine - Đây là một nghi lễ mang tính biểu tượng sâu sắc, đánh dấu khởi đầu chính thức của triều đại mới. Trong Thánh lễ này, Đức Thánh Cha sẽ cùng các Hồng Y hiệp thông cầu nguyện cho sứ vụ lãnh đạo Hội Thánh hoàn vũ mà Ngài vừa được trao phó.

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên