ĐTC Phanxicô viết gì về hôn nhân, LGBTQ+, giáo dân bầu giáo hoàng, và chủ nghĩa giáo sĩ trị?

4.40 star(s) 5 Votes
Thành viên
Tham gia
4/1/24
Bài viết
37
Tháng 2/2024, cuốn hồi ký của ĐTC Phanxicô “Cuộc sống: Câu chuyện của tôi qua dòng Lịch sử” đã được xuất bản dưới dạng trả lời phỏng vấn của Fabio Marchese Ragona. Ở chương XIV, trong một đoạn ngắn, ĐTC Phanxico đưa ra tầm nhìn về một hội thánh mong ước, và đề cập cụ thể đến tin đồn ngài muốn cho nữ tu và giáo dân có quyền tham gia bầu giáo hoàng, về hôn nhân Công giáo và kết hợp đồng tính, về chủ nghĩa giáo sĩ trị. Dưới đây là trích đoạn phần liên quan. (Thành Tâm dịch từ bản tiếng Anh).


Hỏi: “Ngài có biết ai đó đã viết gì về ngài không, thưa Đức Thánh Cha?”, “Rằng ngài đang phá hủy hình ảnh của giáo hoàng, bởi vì ngài đã xóa bỏ khoảng cách giữa nó và người dân?”

phailamgi_GH Phanxico_cv1.jpg
Ảnh: Vatican news

ĐTC Phanxicô:

Vâng, tôi đã từng im lặng một lúc, nghĩ rằng nếu nhìn kỹ lại mọi điều người ta nói và viết về mình, tôi sẽ không có đủ thời gian để làm bất cứ điều gì khác, và tôi sẽ cần một buổi gặp mặt hàng tuần với một nhà tâm lý học! Nhưng tình cờ tôi đã đọc được phát biểu đặc biệt này ở đâu đó: “Phanxicô đang tiêu diệt ngôi vị giáo hoàng.” Và hôm nay tôi có thể nói gì? Ơn gọi của tôi là làm linh mục: trên hết tôi là linh mục. Tôi là một mục tử, và một mục tử phải ở giữa dân mình, nói chuyện với họ, đối thoại, lắng nghe, hỗ trợ họ, trông chừng họ.

Ngày nay việc tạo ra khoảng cách không còn đúng nữa. Chúa Giêsu đã không đặt mình lên trên dân của Người; Người là của mọi người và đi giữa họ. Đúng là Vatican là chế độ quân chủ tuyệt đối cuối cùng tại châu Âu, và những lập luận lịch sự và những lèo lái thì thường được thấy ở đó, nhưng những âm mưu như vậy cần phải bị đánh bại và từ bỏ một lần và mãi mãi.

May mắn thay, yêu cầu cải cách kiểu này đến từ đa số các hồng y có mặt tại các hội nghị toàn thể năm 2013. Có một mong muốn mạnh mẽ muốn thay đổi mọi thứ, từ bỏ một số thái độ, mà đáng buồn thay, tỏ ra khó xóa bỏ. Không cần phải nói, luôn có một số người muốn hãm lại cải cách, muốn mọi thứ luôn giữ nguyên như thời kỳ của các vị vua giáo hoàng, những người mơ về sự thay đổi bề ngoài để duy trì hiện trạng, và điều này chắc chắn là không tốt cho Giáo Hội. Và nói về mật nghị: một số phương tiện truyền thông Mỹ đã đưa tin rằng tôi có ý định thay đổi các quy định, để trao quyền cho các nữ tu và giáo dân bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giáo hoàng mới. Nhưng đây chỉ là chuyện tưởng tượng, rõ ràng là bịa đặt, và được lưu hành nhằm tạo ra cảm giác tồi tệ trong Giáo hội và làm mất phương hướng của các tín hữu.

phailamgi_GH Phanxico_cv2.jpg
Ảnh: Vatican news

Nhưng tôi vẫn nuôi dưỡng một ước mơ cho tương lai: Giáo hội của chúng ta có thể là một giáo hội hiền lành, khiêm tốn, phục vụ, với tất cả những đức tính của Thiên Chúa - do đó cũng dịu dàng, gần gũi và đầy lòng thương xót. Chúng ta phải tiến hành nhiều điều mới, nhiều dự án: ví dụ như Năm Thánh 2025 sẽ truyền cảm hứng cho một niềm tin dâng trào lớn lao, bên cạnh đó còn là cơ hội để tái khám phá bầu khí hy vọng.

Chúng ta phải luôn tin tưởng khi đối mặt với chân trời, đặc biệt khi nói đến các quốc gia và lục địa nơi ơn gọi đang phát triển và có cơn khát Chúa, những nơi có khát khao gần gũi và lắng nghe, và Giáo hội được coi là ốc đảo nơi cơn khát đó có thể được xoa dịu. Trong bối cảnh này, một số người đã gợi ý quay trở lại Giáo hội như thuở ban đầu, như những cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên, nhưng đây chỉ là một hình ảnh lãng mạn: chúng ta phải đơn giản hóa mọi thứ khi nhìn về tương lai, vượt qua chủ nghĩa giáo sĩ trị, tức là, quan điểm của các giáo sĩ là tầng lớp ưu tú với thái độ đạo đức vượt trội và xa cách với các tín hữu. Nó đã trở thành một căn bệnh, một bệnh dịch! Giáo hội có rất đầy các vị thánh, nhưng trong một số trường hợp, Giáo hội đã trở thành một Giáo hội thối nát, chính vì chủ nghĩa giáo sĩ trị hư hỏng.

Khi nghĩ về Giáo Hội sắp tới, tôi nhớ đến lý thuyết của Joseph Ratzinger. Ngài nói về một Giáo hội sẽ tiến lên nhưng theo một cách khác: đó sẽ là một tổ chức nhỏ hơn, đặc biệt hơn. Đó là năm 1969, và nhà thần học người Bavaria đã vạch ra tầm nhìn của chính mình về tương lai trong một loạt bài giảng trên đài phát thanh, nói rằng điều chờ đợi chúng ta là một Giáo hội sẽ bắt đầu lại từ vị thế thiểu số, với ít những người gắn bó, đặt đức tin làm trung tâm của mọi trải nghiệm; một Giáo hội thiêng liêng hơn, nghèo nàn hơn, sẽ trở thành mái ấm cho người nghèo, cho những người không đánh mất Thiên Chúa.

Trong những năm tranh luận thần học sau thông điệp kết thúc của Công đồng Vatican II, Ratzinger đã nói về một thời điểm quan trọng đối với con người, một thời điểm lịch sử khiến cho thời kỳ giữa thời trung cổ và thời hiện đại dường như không đáng kể. Vào thời điểm đó, có dấu hiệu cho thấy nỗ lực biến các linh mục thành một thứ gì đó như các viên chức, nhân viên xã hội, có liên quan về mặt chính trị nhưng không liên quan đến tâm linh. Cũng cả vì lý do này mà chúng ta phải chống lại tai họa của chủ nghĩa giáo sĩ trị: nó là một sự đồi trụy có thể hủy hoại Giáo hội, vì thay vì đề cao giáo dân, nó lại giết chết họ bằng cách thực thi quyền lực đối với họ.

phailamgi_hồi kí GH Phanxico_1.jpg
Ảnh: Vatican news

Không phải ngẫu nhiên mà Don Primo Mazzolari, trong các bài viết của mình, đã đưa ra lời cảnh báo về các linh mục, thay vì mang lại sự nuôi dưỡng và sưởi ấm cho trái tim anh chị em của mình, lại bóp nghẹt mọi dấu hiệu sự sống trong họ. Nhưng virus giáo sĩ trị cũng có thể lây nhiễm vào giáo dân. Điều này thật khủng khiếp, bởi vì đây là những người yêu cầu được giáo sĩ hóa nhưng lại đứng ngoài lề trong việc đưa ra quyết định để không chịu trách nhiệm. Nó đối lập với tính đồng nghị, nơi dân Chúa hội tụ và tham gia tích cực vào con đường của Giáo hội.

Trong bối cảnh này, tôi tưởng tượng ra một Giáo hội mẹ, ôm hôn và chào đón tất cả mọi người, ngay cả những người cảm thấy mình sai lầm và đã bị chúng ta phán xét trong quá khứ. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến những người đồng tính và chuyển giới đang tìm kiếm Chúa, nhưng bị từ chối hoặc bị bách hại.[1]. Nhiều người đã nói về Fiducia supplicans, tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin về việc chúc lành cho các cặp vợ chồng trong những tình huống bất hợp lệ. Tôi chỉ muốn nói rằng Thiên Chúa yêu thương mọi người, đặc biệt là những người tội lỗi. Và nếu các anh em giám mục của tôi, theo sự phân định của họ, quyết định không đi theo con đường này thì điều đó không có nghĩa rằng đây là phòng chờ cho sự ly giáo, bởi vì giáo lý của Giáo hội không bị nghi ngờ. Ngay cả trong Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, dự kiến kết thúc vào tháng 10 năm 2024, người ta cũng đã yêu cầu phải quan tâm và chấp nhận nhiều hơn đối với các thành viên của cộng đồng này và cha mẹ của họ. Tất cả họ đều là con cái Thiên Chúa và phải được chào đón với vòng tay rộng mở. Điều này không có nghĩa là Giáo hội ủng hộ hôn nhân đồng giới: chúng ta không có quyền thay đổi các bí tích do Chúa thiết lập. Hôn nhân là một trong bảy bí tích và chỉ cung cấp cho sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Hãy để yên những điều đang quá tốt.

Ngay cả khi còn là tổng giám mục Buenos Aires, tôi đã ủng hộ và mạnh mẽ bảo vệ giá trị của hôn nhân, và hôm nay tôi vẫn muốn nhấn mạnh, như tôi đã làm trong tông huấn Amoris laetitia (Niềm vui của Tình yêu, số 251), rằng “đối với những đề nghị đặt ra sự kết hợp giữa những người đồng tính ở cùng cấp độ với hôn nhân, hoàn toàn không có cơ sở nào để coi sự kết hợp đồng tính là tương tự hoặc thậm chí hơi giống với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình,” và không thể chấp nhận được rằng “các giáo hội địa phương phải chịu gây áp lực trong vấn đề này và các tổ chức quốc tế phải hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo dựa trên việc ban hành luật để thiết lập 'hôn nhân' giữa những người cùng giới tính."

phailamgi_hồi kí GH Phanxico_2.jpg
Ảnh: Vatican news

Kết hợp dân sự là một vấn đề khác, và về chủ đề này, tôi đã nhiều lần nói rằng những người trải nghiệm món quà tình yêu đó phải có sự bảo vệ pháp lý giống như mọi người khác. Chúa Giêsu thường gặp gỡ và dành thời gian với những người sống bên lề xã hội, những người sống ở vùng ngoại vi hiện sinh, và đó là điều Giáo hội nên làm ngày nay với các thành viên của cộng đồng LGBTQ+ [2], những người thường bị gạt ra ngoài lề xã hội: hãy biến họ thành những người cảm thấy như ở nhà, đặc biệt là những người đã được rửa tội và thuộc về dân Chúa về mọi mặt. Và những ai chưa được rửa tội và muốn được lãnh nhận, hoặc những ai muốn làm cha đỡ đầu hoặc mẹ đỡ đầu: xin hãy đón nhận họ; hãy để họ đi theo một con đường thận trọng để biện phân cá nhân.

Tuy nhiên, điều quan trọng là không gây tai tiếng và làm mất phương hướng của các tín hữu. Các giám mục và linh mục giáo xứ sẽ có sự khôn ngoan để xem xét những vấn đề này theo từng trường hợp. Chúng ta phải bước đi với những người anh chị em này trên con đường đức tin, đúng như Thượng Hội đồng về Gia đình yêu cầu, lên án mạnh mẽ sự phân biệt đối xử và các hành vi bạo lực chống lại họ. Họ thường xuyên là nạn nhân của sự bắt nạt và những hành động hết sức tàn ác. Đây là một lý do khác nữa tại sao họ không được và không thể bị đối xử loại trừ, đặc biệt là bởi Giáo hội, vốn thường coi họ là những quả táo thối một cách bất công.

Tôi tin rằng ngày nay điều cần thiết là chúng ta phải từ bỏ sự cứng nhắc của quá khứ, và tránh xa một Giáo hội chỉ tay lên án. Đây chính là điều tôi muốn nói khi viết thư cho Đức Hồng Y Víc-tor Manuel Fernández, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, vào ngày ngài được bổ nhiệm. Những thái độ này đã xua đuổi các tín hữu. Do đó, điều quan trọng là phải bảo tồn và phát huy đức tin bằng cách đặt mình gần gũi với mọi người, cất những đồ thêu, diềm xếp nếp và những tay áo ren vào tủ, và thay vào đó tập trung vào thông điệp Kitô giáo về lòng trắc ẩn và sự gần gũi.


Ghi chú của Thành Tâm:

[1] Trong cuộc phỏng vấn của hãng tin AP ngày 25/1/2023 ĐTC đã cho biết hiện có 67 quốc gia coi đồng tính luyến ái là một tội, trong đó có 11 quốc gia áp án tử hình cho hành vi này.

[2] LGBT hoặc LGBT+: Lesbian (đồng tính luyến ái nữ), Gay (đồng tính luyến ái nam), Bisexual (song tính luyến ái), Transgender (chuyển giới) và Queer (có xu hướng tính dụcbản dạng giới khác biệt, hoặc không định dạng được tính dục của mình).
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Đối thoại liên tôn trong gia đình, ba đạo Cao Đài, mẹ đạo Phật, con là một linh mục

5:9577 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên