- Chủ đề Author
- #1
Đau khổ là một quyền lực khuất phục con người. Ai cũng trải qua những hình thức đau khổ khác nhau và đau khổ nhất là sự chết – nhất là chết đang khi sống. Đau khổ vì bị tổn thương khiến các giá trị bị đảo lộn. Chúng ta hay để ý nỗi đau thể lý nhưng lại lãnh đạm với những cơn đau và cơn hấp hối hằng ngày của tâm hồn do tính kiêu ngạo, tự phụ, lương tâm chai cứng, lãnh đạm, bất công…
Trào lưu “chữa lành” phơi bày những giới hạn của con người về nhận thức, về khả năng phán đoán, về việc thiếu các kỹ năng sống lành mạnh dựa trên các tố chất như sự khôn ngoan, tự tin, lòng can đảm, dũng mãnh, kiên trì… nhất là vì “lỗ hổng tâm linh” nên khó có thể bình tâm, tìm thế quân bình và xốc lại ý chí.
Bình thường ai cũng tỏ vẻ mạnh mẽ, nhưng thật ra người ta rất dễ bị tổn thương, nếu không nhờ yếu tố tâm linh, tạo sức mạnh cho tinh thần và sự kiên vững cho đời sống. Yếu tố tâm linh quan trọng và cần thiết đối với Kitô hữu chính là đức tin vào Đức Giêsu.
Các sách Tân ước cho thấy, Đức Giêsu hiện diện ở đâu, ở đó có sự chữa lành cả những tật bệnh về thể xác và sự khống chế của tội lỗi, của ma quỷ trong tâm hồn người ta. Người cảm nhận được nỗi đau đớn, thống khổ của những người bệnh và chữa lành họ mà không đặt điều kiện nào.
Sự chữa lành của Đức Giêsu diễn tả tình thương của Người đối với con người, và quyền năng của Người trên mọi sự, đặc biệt trên các hình thức sự dữ, đau khổ và sự chết. Nhưng người ta không thể được chữa lành nếu không có ước muốn, không đặt niềm tin vào Thiên Chúa và vào Đức Giêsu (x.Mc 9,22-24). Vì “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Như vậy, chúng ta học được hai điều quan trọng để được chữa lành: Mọi sự đều có thể đối với Thiên Chúa và mọi sự đều có thể đối với người tin.
Với tình thương và sự quan tâm ân cần, Người chữa lành thói lãnh đạm của chúng ta; với tình yêu vô điều kiện, Người chữa lành chúng ta khỏi sự hận thù; với niềm tín thác vào Thiên Chúa, Người chữa lành chúng ta khỏi sự lo âu và nghi ngờ; với sự trung tín, Người chữa lành sự phản bội của chúng ta; với sự từ bỏ, Người chữa lành chúng ta khỏi sự tham lam vô độ; với sự khiêm tốn, Người chữa lành thói kiêu căng, tự phụ của chúng ta; với niềm niềm vui loan báo Tin mừng, Người chữa lành chúng ta khỏi sự chán nản, phiền muộn trong cuộc sống; với việc mở mắt cho kẻ mù loà, Người chữa lành sự tăm tối tâm linh của chúng ta.
Cây Thập giá luôn nhắc chúng ta nhớ rằng: “Vì Người phải mang những vết thương, mà chúng ta đã được chữa lành” (1Pr 2,24)
Trong khi Đức Giêsu dùng quyền năng để chữa lành hồn – xác cho người ta, Người đã không thực hiện điều đó cho chính mình. Điều này được ghi chép trong các sách Tin mừng: “Hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!... Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình… Hắn là Vua Ít-ra-en! Bây giờ hắn cứ xuống khỏi thập giá đi, chúng ta tin hắn liền” (Mt 27,40-42). Đức Giêsu, Đấng Chữa Lành đã không chiến thắng đau khổ và cái chết như cách con người suy nghĩ. Trái lại, Người chiến thắng đau khổ và sự chết bằng việc gánh lấy đau khổ và sự chết của nhân loại, để đem bình an và sự sống cho mọi người.
Ai cũng mang những thương tích tâm hồn và thể xác. Dù có tìm cách chữa lành khi chạy theo các trào lưu, hay chỉ tìm những liều thuốc xoa dịu cảm giác, tâm hồn họ vẫn còn đó những vết tổn thương rỉ máu. Chỉ khi đón nhận Đức Giêsu và nghe lời Người, ho mới nhận được ơn chữa lành: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30)
Với kinh nghiệm được Đức Giêsu yêu thương chữa lành, các môn đệ đã cộng tác với Đức Giêsu, tiếp tục chương trình chữa lành của Người. Khi người ta mang đến cho Phêrô và Gioan một người què từ khi lọt lòng mẹ. Anh ta chăm chú nhìn các ngài và mong được bố thí. Phêrô nói với anh: "Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!" (Cv 3,6). Với lời đó, anh ta được chữa lành, “vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa" (Cv 3,8).
Còn bạn thì sao?
- Ảnh trong bài: Canva