Cuộc "khổ nạn" của các linh mục - tu sĩ ngược dòng người di tản trở lại miền Bắc sau năm 1954

5.00 star(s) 1 Vote
phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
427

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, đất nước chia đôi tại vĩ tuyến 17, có khoảng 830.000 người, trong đó 75% là người Công giáo từ bỏ quê cha, đất tổ lên đường vào Nam, với hy vọng được tự do sống đạo.

Ở phía ngược lại với dòng người đang hối hả di tản đi tìm tự do, nhiều linh mục, tu sĩ đã nghe tiếng Chúa gọi, ngược dòng người di tản trở lại miền Bắc để ít nhất "bảo đảm còn có sự hiện diện của đạo Công giáo trong vùng đất Cộng sản" và họ đã phải trá giá cho quyết định can đảm này.​

phailamgi_Cuộc khổ nạn của các linh mục tu sĩ ngược dòng người di tản trở lại miền Bắc sau năm...jpg

Từ trái sang: các cha Phạm Hân Quynh, Nguyễn Ngọc Oánh và Nguyễn Văn Thông. Ảnh: Nguyễn Văn Lục

1. Ba vị linh mục tài năng của Địa phận Hà Nội

Trước hết, trong số những linh mục can đảm trở lại miền Bắc, phải kể đến ba vị linh mục xuất sắc của Địa phận Hà Nội là các cha Laurensô Phạm Hân Quynh, Giuse Đích Nguyễn Ngọc Oánh và cha Giuse Nguyễn Văn Thông.

Đức ông Laurensô Phạm Hân Quynh
phailamgi_Đức ông Laurensô Phạm Hân Quynh.jpg

Đức Ông Laurensô Phạm Hân Quynh

Trong số ba người, Cha Laurensô Phạm Hân Quynh là người đầu tiên trở về Hà Nội, từ Paris qua ngả Sài Gòn vào cuối năm 1953, với mong ước "bảo đảm còn có sự hiện diện của đạo Công giáo trong vùng đất Cộng sản". Sau ba năm ở Hà Nội, theo tiếng Chúa gọi, ngày 28/4/1956, cha theo Đức cha Phêrô Khuất Văn Tạo về giúp Giáo phận Hải Phòng.

Năm 1960, Quốc hội Khóa II, theo Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản, đã ban hành Sắc lệnh "Tập trung Cải tạo". Sắc lệnh cho phép bắt người không cần xét xử. Chính quyền địa phương nào cũng có quyền bắt người. Những người thuộc diện phải cải tạo tập trung gồm: thành phần Ngụy quân ngụy quyền trước đây, giai cấp tư sản bóc lột, những người có tầm ảnh hưởng xã hội, thành phần bị cho là khó bảo trong các tôn giáo…

Ngày 8/10/1960, cha Quynh bị bắt vì những bài giảng đanh thép về Công lý và Hòa bình, nhất là vì sức ảnh hưởng của ngài đối với các tín hữu. Sau khi bị bắt, cha lần lược bị đưa đi quản chế suốt 28 năm tại các giáo xứ Đồng Giới (4 năm), Tràng Duệ (4 năm), Câu Thượng (4 năm) và Xuân Hòa – Tiêng Lãng (16 năm). Cha chỉ được trả tự do vào năm 1989.

Đức ông Giuse Đích Nguyễn Ngọc Oánh

phailamgi_Cuộc khổ nạn của các linh mục tu sĩ ngược dòng người di tản trở lại miền Bắc sau năm...jpg
Đức ông Giuse Đích Nguyễn Ngọc Oánh yết kiến thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II. Ảnh: TGP Hà Nội

Năm 1951, vừa khi chịu chức phụ phó tế xong, Thầy Oánh được Bề trên cử đi du học tại Hoa Kỳ. Ngày 3/5/1952, Thầy được thụ phong linh mục tại Đại chủng viện Saint Meinrad, Indiana.

Sau đó, cha được chuyển đến Đại học Loyola tại Chicago để học môn Xã hội học. Tháng 6 năm 1954 cha tốt nghiệp master về Xã hội học. Trong lúc đang dọn luận án Tiến sĩ, cha nhận được thư của cha Phêrô Nguyễn Huy Mai truyền đạt lệnh của Đức cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê mong mỏi các cha đang du học về nước, vì "nhiều cha bỏ đi Nam địa phận không còn người làm việc".

Sau nhiều ngày lo âu trăn trở, phần vì đang học dở dang, phần vì hoàn cảnh chính trị tại quê nhà đang rối ren, nhất là gặp ai cũng khuyên nên ở lại, cuối cùng, theo lời quả quyết của cha Nguyễn Văn Thông: "Bỏ tất cả mà về thì được Chúa Thánh Thần", cha đã can đảm trở về mặc dù biết rằng sẽ phải trả giá đắt cho quyết định đó.

Tháng 9/1955, cha trở về Việt Nam, vừa làm Thư ký Tòa Giám mục, vừa cùng với các cha trong Giáo phận đẩy mạnh các hoạt động giáo lý cho người trưởng thành, trong đó có nhiều trí thức không Công giáo.

Nhận thấy sức ảnh hưởng sâu rộng của cha, ngày 16/8/1965, cha bị đưa về quản chế tại giáo họ Chuôn Trung với kỷ luật nghiêm ngặt: không được ra khỏi thôn, không được nói chuyện với người ngoài, khách đến thăm phải xin phép…

Tuy bị quản chế nghiêm ngặt, hằng ngày phải chịu đựng những thái độ, lời lẽ nghi kỵ, nhục mạ, luôn bị gọi lên thẩm vấn, điều tra, làm kiểm điểm, làm báo cáo liên tục, cha vẫn luôn vui tươi, hăng hái làm việc tay chân như cuốc đất trồng rau, đào giếng; và nhất là dù bị cấm đoán, vẫn dâng lễ vào lúc 2 giờ sáng để giáo dân có thể tham dự thánh lễ.

Cha chỉ được trả tự do vào năm 1985 sau 20 năm bị quản chế không án.

Cha Giuse Nguyễn Văn Thông

phailamgi_Cuộc khổ nạn của các linh mục tu sĩ ngược dòng người di tản trở lại miền Bắc sau năm...jpg

Cha Giuse Nguyễn Văn Thông đứng hàng thứ ba từ trái qua, thứ tư là cha Giuse Đích Nguyễn Ngọc Oánh. Ảnh: Nguyễn Văn Lục

Giống như cha Oánh, cha Thông cũng được Đức Giám mục Trịnh Như Khuê mời về khi còn đang học dở dang. Biết rằng: "Bỏ tất cả mà về thì được Chúa Thánh Thần", cuối tháng 4 năm 1955, cha rời Paris về Việt Nam qua ngả Sài Gòn, trên đường về cha có ghé thăm Rôma.

Cha về tới Sài Gòn vào đầu tháng 5, nhân tiện ghé thăm cha mẹ đang định cư ở Sài Gòn. Nhiều bạn bè, người thân khuyên cha nên ở lại Sài Gòn. Nhiều người còn khích bác cho rằng trở về Bắc là ngu xuẩn. Cụ bà thân sinh của cha thì im lặng, ẩn nhẫn và đau đớn, còn người cha thì nhất định đòi đi theo cha ra Hà Nội.

Năm 1955, cha về Hà Nội và được Đức cha bổ nhiệm lo dạy học tại Đại Chủng viện, nhất là tham gia dạy Giáo lý.

Không được may mắn như hai người bạn chỉ bị án quản chế, năm 1964, cha bị bắt và bị khép vào tội "vi phạm thuần phong mỹ tục", cất giữ tài liệu dâm ô, đồi trụy!!! Cha bị tòa tuyên án 13 năm tù giam và 3 năm quản chế, nhưng với Sắc lệnh Tập trung Cải tạo, cha đã phải chịu tù đầy tổng cộng 23 năm, trong đó có những năm chịu quản chế tại Thọ Cách, Ý Yên, Nam Định.

Năm 1987, cha được trả tự do trong tình trạng không còn minh mẫn và qua đời ngày 23/2/1991.​

2. Các linh mục tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế

phailamgi_Cha Giuse Vũ Ngọc Bích, C.Ss.R.jpg
Cha Giuse Vũ Ngọc Bích, C.Ss.R. Ảnh: DCCT

Khác với ba linh mục của địa phận can đảm bỏ dở việc học trở về miền Bắc, các linh mục tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã vâng lời bề trên, theo lời mời gọi của Đức Khâm sứ Tòa Thánh, John Dooley, tự nguyện từ Sài Gòn quay trở lại Hà Nội, "để bằng mọi giá giữ lại ngôi Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp rất cần cho các tín hữu trong cảnh ly loạn, để coi sóc tài sản và với mức độ nào đó, để thử có thể sống chung với chế độ mới hay không." (Érict Vincent, La Mission des Rédemptoristes Canadiens – Francais au Viet Nam entre 1925 – 1975, Université du Québec à Montréal, Janvier 2012, 78.)

Họ gồm 5 thành viên: hai linh mục thừa sai người Canada là các cha Thomas Côté và Denis Paquette, 3 thánh viên người Việt là cha Giuse Vũ Ngọc Bích và hai thầy Trợ sĩ Marcel Nguyễn Tấn Văn, Clémenté Phạm Văn Đạt.

Các vị về tới Hà Nội ngày 9/10/1954, ngay trước ngày giải phóng thủ đô cũng là hạn cuối, theo Hiệp định Genève, người dân được phép di tản khỏi Hà Nội.

phailamgi_hầy Marcel Nguyễn Tấn Văn, C.Ss.R.jpg
Thầy Marcel Nguyễn Tấn Văn, C.Ss.R. Ảnh: DCCT

Thầy Marcel Nguyễn Tấn Văn là nạn nhân đầu tiên "thọ nạn" chưa đầy một năm sau khi trở về đất Bắc. Ngày 7/5/1955, Thầy bị bắt với cáo buộc 'xúi giục người đi Nam" và bản án 15 năm tù giam. Sau 4 năm 2 tháng chịu tù đầy, ngày 10/7/1959, Thầy qua đời tại Trại giam Suối Ngọc, Yên Bình, Yên Bái.

Hai thừa sai Canada, sau nhiều lần bị triệu tập, đấu tố trong các cuộc họp dân phố, đều đã bị trục xuất. Cha Denis Paquette bị trục xuất ngày 23/10/1958 với cáo buộc "hoạt động chính trị chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Cha Thoma Cô té bị trục xuất ngày 28/10/1959 cùng với một số thừa sai nhà M.E.P.

phailamgi_Thầy Clémenté Phạm Văn Đạt, C.Ss.R. .jpg
Thầy Clémenté Phạm Văn Đạt, C.Ss.R. Ảnh: DCCT

Thầy Clémenté Phạm Văn Đạt bị bắt ngày 9/10/1961 theo lệnh Cải tạo Tập trung với cáo buộc vi phạm thuần phong mỹ tục. Thầy qua đời năm 1970 tại Trại giam Phong Quang, Lào Cai.

Kể từ năm 1961, Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội chỉ còn lại một mình cha Giuse Vũ Ngọc Bích. Cha may mắn không bị tù đầy, nhưng phải chịu nhiều khó khăn thử thách. Nhiều lần cha phải bỏ dở bài giảng để theo cán bộ lên Ủy ban Nhân dân theo lệnh miệng của các nhân viên công lực. Chính nhờ ơn Chúa và sự can đảm của cha mà Dòng Chúa Cứu Thế tồn tại tại Thái Hà cho tới nay.

3. Và để kết

Lịch sử là những câu chuyện ngắn gọn được lấy từ cuộc sống. "Mọi câu chuyện, ngay cả những câu chuyện bị lãng quên nhiều nhất, thậm chí cả những câu chuyện dường như được viết với những dòng quanh co nhất, nhờ tác động của Chúa Thánh thần, đều có thể truyền cảm hứng, có thể được tái sinh thành kiệt tác, và trở thành phụ lục của Tin Mừng. Chẳng hạn như ‘Lời Tự Thú’ của Thánh Augustinô, ‘Người Hành Hương’ của Thánh Ignatiô, ‘Truyện Một Tâm Hồn’ của Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, chuyện ‘Vợ Chồng Chưa Cưới’, chuyện ‘Anh Em Nhà Karamazov.’… cũng như vô số những câu chuyện khác, đã trở thành những kịch bản tuyệt vời về cuộc gặp gỡ giữa hai sự tự do: của Thiên Chúa và của con người." (Phanxicô, Sứ Điệp ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 54 – 2020, số 4)

Trong bối cảnh xã hội mà con người ngày nay "không ngó ngàng tới lịch sử, khinh miệt quá khứ, chối bỏ di sản tinh thần và nhân văn phong phú do thế hệ cha ông truyền lại… và chỉ hướng tới tương lai do họ bày vẽ ra và làm theo ý đồ của họ," (Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, # 13) thì việc tìm lại những chứng từ sống động của các chứng nhân đức tin một thời là thật sự cần thiết; bởi khi con người cố tình quên đi cội nguồn thì họ cũng sẽ mất gốc và vong thân.​
 

Đức cha Phaolô Lê Đắc Trọng: Người canh giữ Đức tin cho Giáo hội miền Bắc | Phải làm gì? | "Đức cha Phaolô là một cột trụ trong Giáo hội, đặc biệt giáo hội miền Bắc. Ngài đã sống xuyên suốt hai thế kỷ, đã trở thành một chứng nhân sống động, đồng thời cũng là người canh giữ đức tin cho Giáo hội miền Bắc".

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên