Giáng sinh, nhớ Andersen và "Cô bé bán diêm"

5.00 star(s) 1 Vote
Thành viên
Tham gia
9/9/24
Bài viết
12

Chiều Chủ nhật 22 tháng 12, Chủ nhật cuối cùng của mùa Vọng, Sài Gòn bỗng dịu dàng đến lạ. Ngồi trong quán cà phê quen thuộc trên đường Hồ Văn Huê chờ một người bạn từ lâu không gặp, ngoài đường xe cộ thưa thớt, chút không khí se lạnh của Sài Gòn trong những ngày gần Giáng sinh khiến tôi bất giác nhớ về “Cô bé bán diêm” trong tập truyện cổ tích của Andersen. Câu chuyện ấy, với ngọn lửa diêm mong manh và những ảo ảnh le lói, bỗng hiện về trong tôi như một nỗi ám ảnh khôn nguôi về tuổi thơ của một Sài Gòn cách đây gần nửa thế kỷ.​


phailamgi_Giáng sinh, nhớ Andersen và Cô bé bán diêm_cv1.jpg

Sài Gòn, tháng 12 năm 1951, một cô bé tạo dáng với cây thông Noel được trang trí.
Năm ấy, khoảng năm 1977-1978, tôi đang học lớp 12 trường trung học Nguyễn Thị Minh Khai (tên mới của ngôi trường Nữ trung học Gia Long lừng lẫy trước năm 1975). Sài Gòn lúc ấy vẫn còn chưa hết bàng hoàng sau cuộc chiến. Hai mươi năm bom đạn, rồi những đổi thay chóng mặt sau ngày 30/4, những cải tạo công thương nghiệp, những truy quét văn hóa phẩm “đồi trụy, phản động”… tất cả như cuốn phăng đi sự năng động và cởi mở của một Sài Gòn vốn từng hoa lệ. Giữa những xáo trộn ấy, những đứa trẻ như tôi, 17, 18 tuổi, vừa lớn lên đã phải đối mặt với bao điều mới mẻ, lạ lẫm. Khao khát tìm hiểu về thế giới bên ngoài, nhưng lại bị bó hẹp trong một đất nước gần như biệt lập, chúng tôi đói khát văn hóa, đói khát tinh thần...

Trong những ngày ấy, tôi tình cờ bắt gặp cuốn truyện cổ Andersen trong một cửa hàng sách quốc doanh. Cuốn sách dày, in trên loại giấy rẻ tiền tương tự như loại giấy in báo hoặc in sách paperback Mỹ, bìa sách giờ đây tôi không còn nhớ rõ vì những sách xuất bản thời đó chủ yếu nhằm cung cấp nội dung bằng chữ chứ không quan trọng về trình bày hay hình ảnh minh họa. Tôi chỉ nhớ mình đã đọc ngấu nghiến những câu chuyện thú vị về một đất nước xa xôi và những nhân vật xa lạ, tất cả nằm trong một bối cảnh đây băng tuyết lạ lùng nhưng tình người thì ấm áp trên từng dòng chữ. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến Andersen, biết đến thế giới cổ tích nhiệm màu của ông.

phailamgi_Giáng sinh, nhớ Andersen và Cô bé bán diêm_cv2.jpg
Hai cô gái chọn mua một cây thông cho lễ Giáng sinh tại Sài Gòn, 1967.
Thời đó, Việt Nam còn đang giương cao khẩu hiệu “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội”. Tư tưởng Mác-Lênin được ra sức truyền bá trong nhà trường. Dù không hiểu nhiều về các nền tảng triết học của chủ nghĩa cộng sản nhưng tôi vẫn còn nhớ như in một câu nói của Karl Marx: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Câu nói này được nhắc đi nhắc lại đến độ không ai thuộc thế hệ của tôi mà không biết, và mức độ phổ biến của câu nói khiến cho nó gần như trở thành chân lý. Khi ấy, còn trẻ dại, tôi cũng thấy câu nói ấy “có vẻ hợp lý”.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua với biết bao thay đổi. Bức tường Bá Linh đã được xóa bỏ; nước Đức đã thống nhất được mấy chục năm. Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Nhiều vấn đề đã được nhìn nhận lại - dù rất chậm - và tư tưởng của những người cầm quyền cũng trở nên cởi mở hơn ở một số lĩnh vực. Giờ đây nhớ lại Andersen với những câu chuyện cổ tích của ông, tôi mới hiểu vì sao chúng có sức sống mãnh liệt đến vậy, ngay cả ở đất nước xã hội chủ nghĩa với cái nhìn vốn rất không thiện cảm với nền văn hóa của phương Tây vốn thắm đẫm giá trị Kitô giáo.

Với tôi, Andersen quả thật đã viết bằng cả trái tim, bằng sự thấu hiểu sâu sắc những nỗi đau, những bất hạnh của kiếp người. Ông đã từng trải qua tuổi thơ nghèo khổ, từng bị khinh miệt, ruồng bỏ, nên ông thấu hiểu hơn ai hết những khát khao, những ước mơ của những con người bé nhỏ. Ông đã đưa những trải nghiệm của mình vào những câu chuyện cổ tích, để rồi từ đó, chúng trở nên chân thực, sống động và lay động lòng người.

phailamgi_Giáng sinh, nhớ Andersen và Cô bé bán diêm_1.jpg
Thương xá TAX đón Giáng Sinh năm 1968.
“Cô bé bán diêm” là một ví dụ. Câu chuyện về em bé chết cóng trong đêm giao thừa không chỉ đơn thuần là một câu chuyện cổ tích, mà còn là một bức tranh chân thực về xã hội đương thời, nơi sự giàu sang, xa hoa đối lập với cái nghèo khổ, cùng cực. Andersen đã lên án sự vô cảm, thờ ơ của con người trước nỗi đau của đồng loại, đồng thời khơi gợi lòng trắc ẩn, sự sẻ chia trong mỗi chúng ta.

Nhưng “cô bé bán diêm” không chỉ tồn tại trong truyện cổ tích của Andersen. Ngồi ở quán cà phê tương đối tươm tất tại một quận không phải ở trung tâm Sài Gòn, tôi vẫn trông thấy và cũng hình dung ra được còn rất nhiều mảnh đời lam lũ quanh mình. Sài Gòn của hôm nay quả là đã khác những năm cuối thập niên 70 nhiều lắm, nhưng vẫn còn rất nhiều những “cô bé bán diêm”: Những người già bán vé số, những người tàn tật ngồi bệt ở vệ đường gần các ngã tư xanh đèn đỏ để ngửa nón xin tiền, những người lao động nhập cư ở trong những khu nhà trọ tồi tàn, suốt ngày tất bật vất vả mưu sinh. Những người này cần lắm cần sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng. Và trên hết họ cần một niềm tin như một chiếc cọc để neo vào, và một niềm hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Để còn "ráng sống đến bình minh"...

phailamgi_Giáng sinh, nhớ Andersen và Cô bé bán diêm_2.jpg
Một ki ốt bán đồ trang trí Giáng sinh trên đường Nguyễn Huệ, 1970.

Ngay chính khoảnh khắc đó, tôi chợt nhận ra, tôn giáo, đức tin, không thể là “thuốc phiện”, mà chính là điểm tựa tinh thần, là niềm an ủi cho những tâm hồn đau khổ. Chính đức tin, lòng yêu thương đã giúp con người vượt qua những khó khăn, thử thách, để sống tốt hơn, có ích hơn. Và để dựng xây một xã hội công bằng - một nước Thiên Chúa ngay trong lòng thế giới này...

Giáng Sinh đang đến rất gần, và không gian tĩnh lặng của một buổi chiều cuối năm đã dẫn dắt tôi nhớ về quá khứ, về những cuốn sách mình đã đọc, về tác giả Andersen và về “Cô bé bán diêm”, về một Sài Gòn xưa cũ với những thăng trầm của cuộc sống mà chính tôi và gia đình đã phải trải qua. Tôi cũng hiểu ra ý nghĩa nhân văn của việc con Thiên chúa giáng trần nơi hang lừa máng cỏ. Những câu chuyện cổ tích của Andersen, với những giá trị nhân văn Kitô giáo sắc, sẽ còn mãi sống động trong lòng người đọc, vượt qua mọi rào cản về không gian, thời gian và cả ý thức hệ nữa.

Bởi vì cách đây mấy ngàn năm tiên tri đi Isaiah đã viết:

"Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta." (Is 9:5)

22.12.2014
Phương Anh​

  • Ảnh trong bài: suckhoedoisong.vn
 

Đức Thánh Cha chủ sự Nghi thức mở Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô và Thánh lễ đêm Giáng Sinh

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên