Behold God’s Providence
- Tham gia
- 17/12/23
- Bài viết
- 1,077
- Chủ đề Author
- #1
Những ngày gần đây, tình hình bão lũ tại các tỉnh miền Bắc diễn ra ngày càng phức tạp và để lại nhiều thiệt hại nặng nề. Mưa lớn kéo dài, kết hợp với sạt lở đất và lũ quét đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Đứng trước tình cảnh đó, nhiều Giáo phận của Giáo hội Công giáo Việt Nam đã nhanh chóng lên tiếng, kêu gọi sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng giáo dân và xã hội, nhằm hỗ trợ những người đang chịu hậu quả nặng nề do bão lũ gây ra.
Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, tính đến ngày 9/9, tổng số người chết và mất tích lên đến 98 người, trong đó có 58 người đã được xác nhận tử vong và 40 người vẫn còn mất tích. Bão lũ cũng đã khiến hàng trăm người bị thương và gây thiệt hại lớn cho hạ tầng cơ sở, nhà cửa và hoa màu của người dân.
Các tỉnh như Cao Bằng và Lào Cai chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với hàng chục người chết và mất tích do lũ quét và sạt lở đất. Nhiều khu vực bị cô lập, lực lượng cứu hộ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nạn nhân và đưa họ đến nơi an toàn. Các con số thương vong này dự báo còn tiếp tục tăng do tình hình thời tiết bất ổn và các khu vực bị ảnh hưởng vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ sạt lở và lũ quét tiếp diễn.
Lũ lụt gây nhiều thiệt hại về người và về của.
Trước tình cảnh thảm khốc này, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã nhanh chóng lên tiếng kêu gọi giáo dân và các tổ chức thiện nguyện cùng chung tay giúp đỡ các nạn nhân bão lũ. Các Đức Giám mục tại các giáo phận đã gửi thông điệp kêu gọi tinh thần đoàn kết, nhấn mạnh rằng đây là lúc mọi người cần thể hiện tình yêu thương và bác ái Kitô giáo, bằng cả lời cầu nguyện và những hành động thiết thực.
Trong thư kêu gọi quyên góp giúp đồng bào miền bắc, Đức Giám mục Hà Tĩnh Louis Nguyễn Anh Tuấn có mời gọi: "Hơn ai hết, chúng ta là người dân vùng bão lũ có thể thấu hiểu hoàn cảnh và nỗi đau của bà con miền Bắc lúc này đang cần lời cầu nguyện, sự động viên khích lệ, nhất là sự giúp đỡ thiết thực cụ thể nào đó dù chỉ là một bát gạo, củ khoai hay mỳ gói."
Hay tại Tổng Giáo phận Hà Nội, TGM Giuse Vũ Văn Thiên đã viết thư kêu gọi: "Giúp đỡ người hoạn nạn là nét đẹp truyền thống của người Việt Nam chúng ta, "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Trước hoàn cảnh này, tôi kêu mời quý Cha và Anh chị em hãy giúp đỡ những anh chị em đang gặp khó khăn do thiên tai và lũ lụt."
"Mong quý cha và các giáo xứ, theo tinh thần bác ái Ki-tô Giáo, vận động nguồn nội lực bé nhỏ ít oi của mình, cũng như phối hợp với cơ quan Caritas các cấp, thể hiện sự quan tâm và lòng trắc ẩn ngần nào có thể với những ai đang cần giúp đỡ, không phân biệt lương giáo đạo đời". Lời kêu gọi của Giám mục Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng.
Thư kêu gọi chung tay giúp đỡ nạn nhân vùng lũ của Giáo phận Hà Nội và Giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng
Bên cạnh đó, các buổi cầu nguyện đặc biệt cũng được tổ chức để dâng lên Chúa những lời cầu xin cho sự bình an của những người mất tích, cũng như an ủi và động viên các gia đình đã mất người thân.
Đáp lại lời kêu gọi của các vị Giám mục, nhiều giáo xứ trên khắp cả nước đã nhanh chóng tổ chức các hoạt động cứu trợ khẩn cấp. Họ không chỉ quyên góp tài chính mà còn gửi các nhu yếu phẩm như thực phẩm, nước uống, thuốc men và quần áo đến các khu vực bị ảnh hưởng. Nhiều nhóm thiện nguyện Công giáo đã không ngần ngại tiến vào những vùng khó khăn, đối mặt với nguy cơ lũ quét và sạt lở để hỗ trợ người dân. Những người bị mất nhà cửa, gia đình có người mất tích đều nhận được sự giúp đỡ tận tình từ cộng đồng Công giáo.
Một điểm tập kết các nhu yếu phẩm cần thiết để chuyển đến bà con vùng lũ. Ảnh: Duyên Giang
Những chai nước sạch được đóng gói để gửi đi vùng lũ. Ảnh: Giáo xứ Trù Mật - Hưng Hóa
Những chai nước sạch được đóng gói để gửi đi vùng lũ. Ảnh: Giáo xứ Trù Mật - Hưng Hóa
Trong hoàn cảnh hoạn nạn, tình yêu thương và sự sẻ chia là những điều quý giá nhất mà chúng ta có thể trao tặng cho nhau. Với tinh thần bác ái, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đang chứng tỏ rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Giáo Hội sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ những người cần giúp đỡ, đặc biệt là những người đang gánh chịu hậu quả nặng nề từ thiên tai.
Phải làm gì?
Docat 94: Công ích có ý nghĩa gì cho người nghèo?
Người nghèo phải là trọng tâm của Giáo Hội, nếu không, Giáo Hội đi ngược lại sứ mệnh của mình. Trong Gaudium et Spes, Công đồng Vaticanô II nói về việc ưu tiên chọn lựa người nghèo (GS 1). Từ đây dẫn tới nghĩa vụ xã hội trung tâm của từng cá nhân và của cả Giáo Hội: chăm lo những nhu cầu đặc biệt của những ai sống bên lề xã hội. Tám Mối Phúc trong Bài giảng trên Núi, sự khó nghèo của chính Đức Kitô, và sự chăm sóc đầy thương yêu của Người dành cho dân nghèo, chỉ cho chúng ta biết con đường phải đi. Đứng về phía những người bên lề xã hội là mệnh lệnh trực tiếp của Đức Kitô: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Tuy nhiên, Đức Kitô cũng cảnh báo chúng ta tránh tư tưởng sai lầm rằng chúng ta có thể chấm dứt hoàn toàn sự nghèo đói ở mọi nơi (Mt 26,11). Điều đó chỉ có thể xảy ra khi Đức Kitô đến lần thứ hai.