Thành viên
- Tham gia
- 17/12/23
- Bài viết
- 132
- Chủ đề Author
- #1
Năm Thánh là dịp để Dân Chúa cùng nhau lên đường hành hương với niềm hy vọng. Nhưng không chỉ hành hương trên những nẻo đường truyền thống, ngày nay, người trẻ còn đi tìm ý nghĩa cuộc sống trên một “lục địa” mới: mạng xã hội.
Đó chính là nơi mà Tin Mừng cần hiện diện. Khi giới trẻ lên mạng tìm kiếm ý nghĩa, chân lý, cộng đồng… thì liệu chúng ta – những người Công giáo – có ở đó để trả lời? Không phải bằng những khẩu hiệu khô cứng, cũng không bằng lời rao giảng giáo điều, mà bằng sự hiện diện đầy cảm thông, chia sẻ và dấn thân. Truyền thông số không chỉ là nơi để “có mặt”, mà là nơi để hiện diện như một chứng nhân đức tin – qua từng hình ảnh, từng câu chữ, từng đoạn video đầy sức sống.
Nhưng chúng ta cũng phải tự hỏi một cách nghiêm túc: Ai đang là gương mặt đại diện cho Công giáo trên mạng xã hội hiện nay?
Ảnh: riial.org
Rất nhiều người trẻ Việt Nam, kể cả người Công giáo, đang theo dõi các influencer nước ngoài hoặc những kênh mang màu sắc văn hóa phương Tây. Dù các nội dung đó có giá trị, nhưng liệu có phản ánh được đời sống đức tin của người Công giáo Việt giữa bối cảnh văn hóa, xã hội, kinh tế hoàn toàn khác biệt?
Liệu có ai đang lên tiếng đại diện cho người Công giáo là người dân tộc thiểu số, người nghèo thành thị, người khuyết tật, người trẻ đang loay hoay tìm hướng đi trong đời sống đức tin nơi những thành phố ồn ào và đầy cám dỗ?
Trên các nền tảng truyền thông Công giáo Việt, chúng ta vẫn thấy những gương mặt quen thuộc – phần lớn là linh mục, tu sĩ, hoặc giáo dân có vị trí xã hội. Nhưng đâu là tiếng nói từ giới trẻ đang đấu tranh với mất phương hướng, khủng hoảng đức tin, hoặc đang cố gắng sống Tin Mừng giữa nơi người ta cười nhạo điều thiện?
Sự thiếu vắng đó không chỉ là thiếu đại diện – mà còn là thiếu kết nối. Không thấy mình được phản ánh, người trẻ sẽ dễ nghĩ: “Giáo hội không có chỗ cho mình.”
Và đó là điều nguy hiểm nhất.
Ảnh: istockphoto
Để truyền giáo trong thế kỷ XXI, chúng ta không thể chỉ dựa vào những bài giảng hay các hoạt động offline. Chúng ta cần những gương mặt mới dám bước vào môi trường mạng với tinh thần khiêm tốn, đối thoại và dấn thân. Không cần hoàn hảo, không cần danh tiếng – chỉ cần thật. Thật lòng yêu mến Chúa, thật lòng yêu con người, và thật lòng muốn chia sẻ hành trình đức tin của mình.
Nếu bạn đang đọc bài viết này và cảm thấy mình chưa đủ “giỏi”, chưa đủ “thánh thiện” để lên tiếng, hãy nhớ: Chúa đã chọn các ngư phủ chứ không phải các chuyên gia truyền thông.
Bạn có thể là người tiếp theo lên tiếng – không phải để trở thành influencer, mà để trở thành nhân chứng. Trên mạng xã hội, sự hiện diện chân thành cũng là một dạng rao giảng Tin Mừng.
Vậy, ai sẽ là những gương mặt mới của Công giáo Việt trên lục địa số?
Có thể là bạn.
Phải Làm Gì?
Docat 43: Thế nào là cách truyền thông lý tưởng trên Internet?
Vì các Kitô hữu được kỳ vọng chinh phục “trận địa kỹ thuật số” và đem Tin Mừng đến soi sáng trận địa này, họ cần phải có cách giao tiếp khác với những cách tiếp cận thông thường. Họ nên đưa các thông điệp và viết blog về những chủ đề liên quan đến Kitô giáo. Thế nhưng, nếu họ tố giác người khác trong những chủ đề này, nếu họ vu khống, làm nhục và lên án người khác, nếu họ gây ra sự chia rẽ hay ủng hộ sự chia rẽ, thì họ đang làm điều trái ngược với lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn Evangelii Gaudium: “Niềm vui Tin Mừng dành cho mọi người, không loại trừ một ai”. Điều này cũng áp dụng cho sự hiện diện của các Kitô hữu trên các phương tiện truyền thông xã hội: “Giáo Hội ngày nay phải tiến lên và rao giảng Tin Mừng cho tất cả: ở mọi nơi, trong mọi dịp, không ngần ngại, không miễn cưỡng hay sợ hãi” (EG 23)
Cùng chủ đề