Hai Hình Thức Bách Hại Đạo Chúa Là Giết Chóc Và Loại Trừ

5.00 star(s) 1 Vote
Thành viên
Tham gia
14/1/24
Bài viết
19

Hai hình thức này được mô tả như gương mẫu và có tính tiên tri trong sách Khải Huyền chương 13, bằng hình ảnh hai Con Thú, một con từ dưới biển đi lên (Kh 13,1-10), một con từ đất đi lên (Kh 13,11-18).​


phailamgi_bách hại đạo_cv1.jpg


Con Thú từ dưới biển đi lên được đồng hóa với quyền hành chính trị muốn tiếm quyền Thiên Chúa. Nó được phép “giao chiến với dân thánh và thắng họ” bằng cách lên án, bỏ tù người này, hoặc dùng gươm giết chết kẻ kia. Sự mô tả của sách Khải Huyền có một chiều kích lịch sử hiển nhiên. Con Thú thứ nhất được đồng hóa với việc tôn thờ các hoàng đế Rôma như thần linh, đặc biệt là Nêrô, kẻ đã gây nên cuộc bách hại chính thức thứ nhất chống lại người Kitô hữu.

Còn Con Thú từ đất đi lên cũng bách hại các kẻ tin. Tuy nó không giết họ, nhưng gạt họ ra bên lề, cô lập và khai trừ họ. Mục đích của Con Thú từ đất đi lên là “mê hoặc những người sống trên mặt đất, bảo họ tạc tượng thờ Con Thú thứ nhất” (Kh 13,11tt). Nó chú trọng biểu dương vẻ huy hoàng về tôn giáo và văn hóa, phục vụ và cổ võ ý thức hệ vương quyền, đặc biệt ở Tiểu Á. Đây là một thứ quyền lực “mềm”, khéo léo và tinh vi nên mưu đồ của nó khó bị phát hiện. Nó đánh vào công luận, tuyên truyền thuyết phục, thúc đẩy người ta thờ lạy và lụy phục Con Thú thứ nhất, với mục đích này nó bắt đầu thực hiện những chủ trương xem ra là hợp lý, kèm theo những quy định là thích dấu trên tay hữu hoặc trên trán. Nếu không mang dấu thích đó, không ai sẽ có thể “mua hay bán” (như kiểu phải “ngoáy mũi”, có giấy tiêm phòng thời đại dịch Covid mới có thể di chuyển, mua bán).

phailamgi_Bách hại đạo_cv2.jpg


Sự mô tả này hiển nhiên cũng mang một chiều kích tiên tri. Nó vạch ra khung cảnh của các môn đệ Đức Kitô ở mọi giai đoạn lịch sử. Nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu dựa vào những mô tả của sách Khải huyền, đặc biệt mô tả về hai Con Thú, để so sánh với những biến cố hay những thực tại lịch sử, để từ đó rút ra những kết luận vội vàng hoặc sai lạc như người ta đã thường làm. Nhưng cũng sẽ là người thiếu hiều biết, thiếu khôn ngoan và sáng suốt nếu không dùng những lời tố cáo mang tính tiên tri ấy để soi sáng vào những biến cố mà chúng ta gọi là “đọc những dấu chỉ thời đại” đang xẩy ra trong Hội thánh và trên thế giới.

Nhưng tất cả những điều đó lại trở nên hiển nhiên cho lịch sử hôm nay. Những chế độ toàn trị vô thần và những chế độ độc tài quân sự mang bộ mặt Con Thú thứ nhất, làm cho biết bao nhiêu tín hữu tử đạo trong suốt thế kỷ vừa qua, thì giờ đây Con Thú thứ hai đang nổi lên. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới số 5, dường như ám chỉ hình ảnh hai Con Thú vào tình hình hiện nay: “Có những chế độ áp đặt mọi người theo một tôn giáo duy nhất, trong khi có những chế độ dửng dưng với tôn giáo, tuy không bách hại dữ dội nhưng dùng thứ văn hóa nhạo báng có hệ thống đánh vào những niềm tin tôn giáo.”

phailamgi_bách hại đạo_1.jpg


Chắc chắn trên thế giới hôm nay, những nhóm quá khích gây ra những cuộc bách hại những Kitô hữu vẫn chưa chấm dứt. Họ sẽ bị giết chết hoặc buộc phải lưu vong. Còn ở thế giới Tây phương tục hóa, dù không có hình thức thông thường của sự bách hại, nhưng lại có hình thức thứ hai là dùng dư luận qua các kênh truyền thông, dựa vào những sự kiện tạo ra làn sóng tẩy chay Kitô giáo chứ không dùng vũ khí, như mới đây ở lễ khai mạc thế vận hội Olympic 2024 ở Paris, Pháp quốc.

Thánh Phaolô cũng đã cảnh báo về thứ “thần trí của thế gian” (1Cr 2,12) tức vai trò của những thế lực tạo ra một bầu khí bài Kitô khéo léo dẫn dắt công luận, mà đàng sau nó là quyền lực ma quỷ! Phải chăng đó chính là kiểu cắt xén, xuyên tạc sự thật và chân lý để định hướng dư luận? Đúng là có một thứ “thần trí” có cường độ thao túng lịch sử mà cá nhân khó có thể thoát khỏi. Làm, nghĩ hay nói điều gì ngược lại liền bị chụp mũ, bị coi như một việc ngu xuẩn hoặc là sự phản kháng của những “kẻ chống đối dốt nát!” Nến tảng quyền lực của thứ “thần trí của thế gian” trên “cả không trung” (Ep 2,2) là thứ ý thức hệ “bài Kitô” nhận được nhiều ưu đãi qua những phương tiện truyền thông đại chúng cấp quốc gia và quốc tế.

phailamgi_Bách hại đạo_2.jpg


Hậu quả là, vì không dám lên tiếng nói hoặc cổ vũ cho sự thật, chân lý và công bằng (vì nghĩ tiếng nói mình cô đơn, quá yếu ớt hoặc vì nhát sợ…) những người ấy tự lấy băng keo dán miệng mình trước những sự kiện buộc phải lên tiếng, trước những vị thế của ai đó, nhất là trước sự sống, tương lai của chính mình, để rồi trở nên là “kẻ đồng lõa?!” với cái ác và sự gian tà. Nhưng “kẻ thống trị” ẩn mình của thế giới này – chính xác là ẩn mình trong lãnh vực tinh thần, lợi dụng mọi hoàn cảnh của những thời kỳ khó khăn khác nhau – chính nó dẫn dắt và thao túng thế giới phát xuất từ mục đích độc nhất của nó là triệt hạ lòng tin vào Đức Kitô.

Hai hình thức bách hại này khác nhau ở chỗ, Nhà nước vô thần công khai chống lại đức tin, còn sự tục hóa, giải thiêng có khuynh hướng nhạo báng đức tin, đồng hóa đức tin với sự mê tín hoặc như cặn bã của các giai đoạn ấu trĩ mà ý thức của con người đã vượt qua. Nhưng niềm tin tôn giáo không thể tiêu diệt, sẽ không bao giờ tàn lụi, vì nó chiến thắng nỗi sợ chết, sợ quyền lực và những kẻ phụng sự nó.
  • Theo Hồng y Raniero Cantalamessa​
  • Ảnh trong bài: Canva​
 

Giấc mơ Docat của Đức Thánh Cha Phanxicô

1:5356 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên