Lịch sử Công giáo miền Tây Nam bộ: Giai đoạn 1765 - 1844

5.00 star(s) 1 Vote
Thành viên
Tham gia
5/2/24
Bài viết
149

Sau thời kỳ cấm đạo, ngày 12/7/1768, Thánh bộ Truyền giáo đã phân khu vực Cahon (Thủ Ngữ - xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang ngày nay), Nan-khu, Tleng cho các thừa sai thuộc Thánh bộ và các thừa sai Hội Thừa sai Paris.[1]


Phailamgi_Hội thừa sai Paris_cv2.jpg
Ảnh: cochinchine-saigon.com

Như vậy, trong giai đoạn này, ngoài các thừa sai Phan Sinh đã được Tòa thánh trao nhiệm vụ coi sóc vùng đất Nam Bộ (từ Thủ Đức cho tới Hà Tiên) từ ngày 2/7/1740, còn có thêm sự hiện diện của các thừa sai thuộc Thánh bộ và Hội Thừa sai Paris; đặc biệt là sự hiện diện thường xuyên của đức cha Bá Đa Lộc. Trước khi được bổ nhiệm làm giám mục đại diện tông tòa Đàng Trong, năm 1767, ngài được cắt cử làm giám đốc đại chủng viện Hòn Đất – Hà Tiên. Đầu năm 1770, do tình hình ở Hà Tiên bất ổn, ngài được lệnh đem chủng viện Hòn Đất sang Pondichéry, Ấn Độ. Tại đây, ngài được bổ nhiệm làm giám mục tông tòa Đàng Trong, hiệu tòa Adran và được thụ phong giám mục năm 1774.

Sau khi được thụ phong giám mục, năm 1775, đức cha Bá Đa Lộc về tới Hà Tiên với một đoàn tùy tùng gồm mười lăm người, trong đó có ba thừa sai Pháp, chín chủng sinh người Việt và mấy người giúp việc. Trong khoảng thời gian từ 1775 cho đến 1778, là lúc Nguyễn Ánh chiếm được Sài Gòn, ngài thường xuyên ở Cao Miên, nhất là ở Hà Tiên. Sự có mặt của đức cha Bá Đa Lộc ở Hà Tiên, đã thu hút một lượng giáo dân khoảng 500 người đến đây sinh sống. Sau khi Nguyễn Ánh chiếm được Gia Định (1778), đức cha Bá Đa Lộc đã chuyển chủng viện và trụ sở Tòa Giám mục về Tân Triều – phía Bắc thành phố Biên Hòa ngày nay.[2] Từ đây cho đến đầu tháng Tư năm 1782, do Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ bận đối phó với họ Trịnh ở phía Bắc đã không đem quân vào miền Nam, nên đức cha Bá Đa Lộc đã có một khoảng thời gian gần 4 năm để tiếp cận với phần đất đông đúc và trù phú nhất của địa phận Đàng Trong.

Trong thời gian này, hoạt động của vị đại diện tông tòa chủ yếu ở Nam Bộ, vì Trung Bộ - từ Quảng Nam cho tới Phan Thiết, khi ấy thuộc quyền của quân đội Tây Sơn và từ Đèo Hải Vân cho tới sông Gianh do quân đội của Lê – Trịnh chiếm đóng.[3] Mặc dù có sự hiện diện thường xuyên của đức cha Bá Đa Lộc, nhất là do mối tương quan gắn bó của vị giám mục với Nguyễn Phúc Ánh và sự ưu đãi của nhà cầm quyền, nhưng vì con số các nhà truyền giáo quá ít,[4]cùng với việc đức cha Bá Đa Lộc và đoàn tùy tùng, liên tục phải chạy loạn do các cuộc tấn công của nhà Tây Sơn, nhất là việc vị giám mục giáo phận đã rời giáo phận 6 năm để cùng Hoàng tử Cảnh qua Pháp cầu viện, nên công cuộc truyền giáo tại Nam Bộ giai đoạn này không thu được nhiều kết quả. Ngay cả giai đoạn từ năm 1788, khi vùng đất Nam Bộ thuộc quyền kiểm soát hoàn toàn của Nguyễn Phúc Ánh, thì công cuộc truyền giáo vẫn không tiến triển được nhiều vì dân cư Nam Bộ khi đó còn thưa thớt, số lượng các thừa sai ít ỏi, nhất là vì sự nghi kỵ của đám quần thần, cùng sự khích bác của các sư sãi tác động trên dân chúng đã ảnh hưởng ít nhiều tới việc trở lại đạo của người dân trong vùng. Ngày 09/10/1799, đức cha Bá Đa Lộc qua đời và được an táng theo nghi thức vương gia tại Sài Gòn. Khát vọng biến Việt Nam thành quốc giáo của ngài đã không bao giờ thành sự.

phailamgi_gm bá đa lộc.jpg
Giám mục Bá Đa Lộc

Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, hiệu là Gia Long. Nhớ công ơn của đức cha Bá Đa Lộc, vua Gia Long đã để cho Công giáo được tự do hoạt động, nhưng vẫn nghi ngờ, lạnh nhạt, vì sợ sự bành trướng của Công giáo. Năm 1820, vua Gia Long qua đời. Hoàng tử Đảm lên ngôi lấy hiệu là Minh Mạng. Trong giai đoạn đầu nắm quyền (1820-1832), vì muốn thu phục các thừa sai và giới công giáo, nhất là vì tả quân Lê Văn Duyệt – một người chống lại việc Gia Long đặt hoàng tử Đảm lên ngôi vua và luôn ủng hộ giới công giáo, đang trấn nhậm tại Sài Gòn, nên vua Minh Mạng dù không ủng hộ đạo công giáo, nhưng cũng không ra mặt chống đối, chỉ sau khi tả quân Lê Văn Duyệt qua đời năm 1832, vua Minh Mạng bắt đầu ra các chỉ dụ cấm đạo nghiêm ngặt. Cuộc bách hại đạo tiếp tục diễn ra dưới thời Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1847- 1862).

Theo các nhà nghiên cứu, vào giai đoạn đầu thế kỷ 19, dưới thời Gia Long, cũng như giai đoạn đầu thời Minh Mạng (1820-1832), mặc dù công giáo được hoạt động công khai, nhưng “kết quả truyền giáo của giai đoạn này không cao, vì nhân sự quá ít.”[5] Tại Nam Bộ, giai đoạn này, có các thừa sai Phan Sinh hoạt động về phía Nam sông Sài Gòn. Các thừa sai Pháp không chỉ hoạt động ở phía Bắc sông Sài Gòn mà còn hoạt động rộng khắp miền Đông và Tây Nam Bộ, xuống tận Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên.[6] Thống kê cho thấy số tín hữu của Đàng Trong vào năm 1832 chỉ khoảng 70.000 người.[7] Thời bách hại đạo dưới thời Minh Mạng và Tự Đức trong những năm từ 1833 – 1862, là thời gian vô cùng khắc nghiệt với các vị chủ chăn và giáo hữu. Các thừa sai bị buộc phải trốn chạy, ẩn nấp và nhiều vị đã đổ máu tử đạo. Giữa cơn thử thách, năm 1840, đức cha Cuénot Thể đã tấn phong giám mục phó hiệu tòa Isauropolis cho thừa sai Dominique Lefèbvre Ngãi và sai ngài tới đặt trụ sở ở Cái Nhum trong tỉnh Vĩnh Long. Chính trong bối cảnh đầy thử thách đó, giáo phận tây Đàng Trong được thành lập.

Ngày 02/03/1844, Đức thánh cha Grégoriô XVI đã ban Sắc lệnh phân chia địa phận Đàng Trong thành hai, địa phận Đông và địa phận Tây. Khu vực đại diện tông tòa Tây Đàng Trong vừa được thành lập gồm 6 tỉnh Nam Kỳ (Nam Kỳ lục tỉnh): Đồng Nai, Gia Định, Định Tường, Long Hồ, An Giang, Hà Tiên, cùng với Cao Miên và một phần Ai Lao.

Theo thống kê, vào lúc thành lập, giáo phận Tây Đàng Trong có khoảng 23.000 giáo dân, trên tổng số 3.600.000 cư dân trong vùng, chiếm 0,6% dân số. Nhân sự gồm đức cha Lefèbvre Ngãi, ba thừa sai châu Âu và 16 linh mục Việt Nam. Các cơ sở vật chất, như nhà thờ, nhà chung, trường học đều bị phá hủy, chỉ còn ngôi mộ của đức cha Bá Đa Lộc trong một khu vườn xinh đẹp ở ngoại thành Gia Định. [8]

Tác giả: Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong C.Ss.R​

[1] Nguyễn Ngọc Sơn (chủ biên), Giáo hội Công giáo Việt Nam, niên giám 2016 (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2016), 1041.
[2] Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập I: Thời kỳ khai phá và hình thành (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2008), 288.
[3] Ibid., 311.
[4] Trong khoảng thời gian từ 1778-1782, tại Nam Bộ chỉ có một thừa sai Pháp, ba linh mục người Việt và một số thừa sai Dòng Phan Sinh (x. Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập I: Thời kỳ khai phá và hình thành (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2008), 317-319).
[5] Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập II: Thời kỳ Thử thách và Phát triển ( Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2008), 63.
[6] Ibid., 65.
[7] Ibid., 66.
[8] E. Louvet, La Cochinchine Religieuse, tome II (Paris 1885), 155.



Xem thêm:
 

[LIVE] Thánh Lễ của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV với các Hồng Y – Thứ Sáu 9/5 - PHAILAMGI.COM - Vào lúc 11:00 giờ Roma (tức 16:00 giờ Việt Nam) ngày thứ Sáu 9/5/2025, Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ chủ sự Thánh lễ đầu tiên với các Hồng Y tại Nhà nguyện Sistine - Đây là một nghi lễ mang tính biểu tượng sâu sắc, đánh dấu khởi đầu chính thức của triều đại mới. Trong Thánh lễ này, Đức Thánh Cha sẽ cùng các Hồng Y hiệp thông cầu nguyện cho sứ vụ lãnh đạo Hội Thánh hoàn vũ mà Ngài vừa được trao phó.

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên