Lịch sử Công giáo miền tây Nam bộ: Giai đoạn trước 1659

5.00 star(s) 3 Votes
Thành viên
Tham gia
5/2/24
Bài viết
149

Hiện nay, có rất ít tài liệu, cũng như những bài nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử truyền giáo tại miền Tây Nam Bộ. Một số bài viết về lịch sử hình thành các giáo phận miền Tây cũng rất sơ sài. Trong thực tế, để có thể trình bày về lịch sử truyền giáo tại một vùng đất nhiều biến động như miền Tây Nam Bộ, thật không dễ dàng. Bài viết này cũng nằm trong số những bài viết sơ sài đó.​


phailamgi_Lịch sử Công giáo miền tây Nam bộ Giai đoạn trước 1659_cv1.jpg
Nhà thờ Cái bè - Tiền Giang. Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa

Về mặt lịch sử, trước thế kỷ 17, miền Tây Nam Bộ là vùng đất của Chân Lạp. Vào năm 1611, biên giới phía nam của Việt Nam mới đến Phú Yên ngày nay. Tuy vậy, theo sử sách để lại, vào năm 1550, linh mục Gaspar da Cruz, thừa sai dòng Đa Minh, đã đến cửa khẩu Cần Cáo (Hà Tiên ngày nay). Hà Tiên khi đó còn đang thuộc về Cao Miên. Theo các nhà nghiên cứu, trong giai đoạn này, ngoài linh mục Gaspar da Cruz, còn có các linh mục tu sĩ dòng Đa Minh khác đến truyền giáo, nhưng chủ yếu hoạt động tại Campuchia, và nếu có hoạt động ở Việt Nam, thì kết quả cũng không đáng kể,[1] bởi đa số các ngài là những tuyên úy “đi theo đoàn viễn chinh của Tây Ban Nha trên đường từ Cao Miên về Manila ghé qua, chứ không chủ đích đi truyền giáo ở Việt Nam.”[2]

Công cuộc truyền giáo có tổ chức ở Việt Nam chỉ bắt đầu với các cha Dòng Tên từ năm 1615 với ba vị thừa sai đầu tiên đến Đàng Trong. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, cho đến năm 1625, công cuộc truyền giáo do các cha Dòng Tên khởi sự từ năm 1615 mới chỉ dừng lại ở Phú Yên và số các Kitô hữu theo đạo được biết tới còn rất giới hạn ở con số 1.200 người. Theo Lê Văn Khuê, thời điểm sớm nhất xuất hiện những Kitô hữu đầu tiên ở Nam Bộ, nếu có, là từ sau biến cố Mô – Xoài (1658).[3] Sau trận đánh Mô Xoài, vua Chân Lạp xin thần phục chúa Nguyễn. Kể từ đây, các lưu dân Việt từ Trung Bộ thuộc Đàng Trong nhiều đợt đến Nam Bộ khai hoang lập ấp, và chắc chắn trong các nhóm lưu dân Việt có những Kitô hữu cùng đi, nhưng với số lượng không nhiều.

Như vậy, cho đến giữa thế kỷ 17, sau khoảng thời gian hơn 40 năm hiện diện và hoạt động, cả ở Đàng Trong (bắt đầu từ năm 1615) và Đàng Ngoài (bắt đầu từ năm 1627), mặc dù đã tạo lập được một “cộng đồng Kitô hữu đông đúc, sống động, có tổ chức,”[4] nhưng vùng đất Tây Nam Bộ vẫn là vùng đất còn xa lạ với các thừa sai Dòng Tên. Công cuộc truyền giáo tại miền Tây Nam Bộ chỉ thực sự bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn sau khi Tòa thánh thiết lập hai giáo phận tông tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Ngày 09/09/1659, Đức Giáo hoàng Alexandre VII công bố chiếu thư thiết lập hai địa phận Đàng Ngoài và Đàng Trong và trao quyền đại diện tông tòa cho hai đức tân giám mục François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de La Motte. Toàn bộ vùng đất Tây Nam Bộ và cả Cao Miên khi đó thuộc về địa phận Đàng Trong.[5] Việc thiết lập hai giáo phận tông tòa đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong lịch sử của Giáo hội nói chung và Giáo hội Việt Nam nói riêng. Từ nay, việc truyền giáo không còn lệ thuộc vào Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha, mà trực thuộc vào Bộ truyền giáo - được thành lập từ năm 1622. Dĩ nhiên, việc thay đổi cơ chế điều hành này đã không diễn ra êm ấm, nhất là tại Việt Nam, kéo theo những xung đột, những tranh chấp quyền mục vụ, không chỉ giữa Tòa Thánh với chính quyền bảo hộ mà còn diễn ra căng thẳng giữa các giám mục đại diện tông tòa với các tu sĩ Dòng Tên những người đã đặt nền móng vững chắc cho công cuộc truyền giáo trước đó. Những tranh chấp này ít nhiều đã ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc truyền giáo. Tuy nhiên, điều cần ghi nhận là: vượt qua mọi tranh chấp, công cuộc truyền giáo vẫn tiếp tục tiến triển trong đó có vùng đất Nam Bộ.

Tác giả bài viết: Lm. Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R.​

Chú thích:

[1] Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập I: Thời kỳ khai phá và hình thành (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2008), 26-28.
[2] Ibid., 36.
[3] Lê Văn Khuê, Thiên Chúa Giáo tại đồng bằng Nam Bộ trong các thế kỷ XVII và XVIII, tại địa chỉ:
http://giadinhanphong.blogspot.com/2010/12/thien-chua-giao-tai-ong-bang-nam-bo.html
[4] Hiện nay, không có tài liệu nào của các thừa sai Dòng Tên đương thời nói về con số các giáo hữu ở Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài. Một số bản báo cáo sau này lại không chính xác vì có sự sai chạy lớn về con số. Theo các thừa sai của Hội thừa sai Paris, con số các giáo hữu Việt Nam vào cuối thời kỳ khai phá của Dòng Tên, lên tới ít nhất 100.000 người (20 ngàn người ở Đàng Trong và 80 ngàn người ở Đàng Ngoài) (Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập I: Thời kỳ khai phá và hình thành (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2008), 177).
[5] Điều cần lưu ý là: trong khoảng thời gian từ 1615-1665, biên giới phía Nam của Việt Nam mới chỉ đến Phú Yên, nên công cuộc truyền giáo của các cha Dòng Tên cũng chỉ dừng lại tại Phú Yên. Phần đất Nam Bộ ngày nay ít được nhắc tới trong nhật trình truyền giáo của các ngài.

Xem thêm:
 

[LIVE] Thánh Lễ của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV với các Hồng Y – Thứ Sáu 9/5 - PHAILAMGI.COM - Vào lúc 11:00 giờ Roma (tức 16:00 giờ Việt Nam) ngày thứ Sáu 9/5/2025, Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ chủ sự Thánh lễ đầu tiên với các Hồng Y tại Nhà nguyện Sistine - Đây là một nghi lễ mang tính biểu tượng sâu sắc, đánh dấu khởi đầu chính thức của triều đại mới. Trong Thánh lễ này, Đức Thánh Cha sẽ cùng các Hồng Y hiệp thông cầu nguyện cho sứ vụ lãnh đạo Hội Thánh hoàn vũ mà Ngài vừa được trao phó.

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên