Mùa Cưới: Con quỳ lạy Chúa Ba Ngôi, con cưới được vợ, con thôi nhà thờ!

5.00 star(s) 1 Vote
Thành viên
Tham gia
14/1/24
Bài viết
77

Việc lấy vợ (chồng) có đạo – hay theo đạo để lấy vợ (chồng) ngày càng trở nên phổ biến tại các gia đình Công giáo, kèm theo biết bao gian nan, thử thách cho cả hai bên đang cố tìm một cái nhìn chung, một hướng đi chung cho cuộc sống. Đời sống hôn nhân gia đình cần có tiếng nói chung để đồng thuận với nhau, mong muốn mãi đi bên nhau suốt cuộc đời xem ra không dễ. Vì ngoài những khó khăn trong đời sống hôn nhân, hai người hoàn toàn khác biệt lại muốn ở cùng nhau, chung thủy đến trọn đời, còn có yếu tố quan trọng khác là tôn giáo.​


phailamgi_Mùa Cưới Con quỳ lạy Chúa Ba Ngôi, con cưới được vợ, con thôi nhà thờ!_cv1.jpg


Lúc trước, vấn đề tôn giáo là yếu tố tiên quyết để gia đình chấp nhận cho hai người yêu nhau tiến tới hôn nhân, nhưng không có gì bảo đảm, nắm chắc ngoại trừ “lời hứa” sẽ theo đạo (ở đây là Công giáo). Nếu một tín hữu mấy đời “đạo gốc” mà còn “lơ mơ” với đức tin, làm sao trong một khóa học giáo lý tân tòng chỉ vài tháng, lại có thể khẳng định người dự tòng “có đức tin và sống đức tin”! Dĩ nhiên với ơn Chúa và lòng thành, người đó có thể khởi sự một đời sống mới theo Chúa Kitô, còn lại, phải trải qua bao khó khăn, gian nan, mà việc “thôi nhà thờ” hoặc “cấm” người có đạo sống đúng với đức tin của mình, lại hay xảy ra.

Vậy giáo lý Công giáo nói gì về đức tin? Giáo lý Công giáo nói rằng, đức tin mà chúng ta lãnh nhận là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là không ai được dùng việc theo đạo như một điều kiện, để cưỡng bức người khác phải tin theo đạo của mình.

phailamgi_Mùa Cưới Con quỳ lạy Chúa Ba Ngôi, con cưới được vợ, con thôi nhà thờ!_cv2.jpg


Công đồng Vaticanô II với Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo - Dignitatis Humanae #3 tuyên bố: “con người có quyền tự do tôn giáo. Quyền tự do này hệ tại con người không bị chi phối vì sự cưỡng bách của cá nhân, đoàn thể hay xã hội hay của bất cứ quyền bính trần gian nào khác. Với ý nghĩa đó, trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, dù cho đó là hành động riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với người khác, trong những giới hạn chính đáng.”

Vì vậy, Giáo hội không bao giờ ép buộc ai phải từ bỏ tôn giáo của mình để gia nhập đạo. Giáo luật số 1124 cho phép một người Công giáo được kết hôn với một người không Công giáo; thường gọi là hôn nhân khác đạo, vì tôn trọng tự do của những người theo các tôn giáo khác. Thánh Phaolô dạy: “Nếu anh em nào có vợ ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng rẫy vợ. Người vợ nào có chồng ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng bỏ chồng. Thật vậy, chồng ngoại đạo được thánh hóa nhờ vợ, và vợ ngoại đạo được thánh hóa nhờ người chồng có đạo.” 1Cr 7,12,13)

phailamgi_Mùa Cưới Con quỳ lạy Chúa Ba Ngôi, con cưới được vợ, con thôi nhà thờ!_1.jpg


Áp lực người phối ngẫu của mình theo đạo sẽ gây ra xung đột trong gia đình, thay vào đó, cứ sống thánh thiện và chuyên cần cầu nguyện xin Chúa biến đổi như Thánh Phêrô dạy: “Chị em là những người vợ, hãy phục tùng chồng, như vậy, dù có những người chồng không tin Lời Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần chị em phải nói lời nào, vì họ thấy cách ăn nết ở trinh tiết và cung kính của chị em. Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thuỳ mị, hiền hoà: đó chính là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa” (1Pr 3,1-4).

Rất có thể trước khi cưới, người có đạo hoặc gia đình của họ làm áp lực để người kia phải theo đạo trước khi kết hôn. Bắt người khác theo đạo là thái độ không phù hợp với tinh thần đạo thánh. Nhưng sống mà không làm chứng tá, ắt sẽ gây nguy hại cho đức tin còn non yếu của người khác. Đó là một thiếu sót lớn trong bổn phận người có đạo. Cách tinh vi nhất mà satan dùng để phá hỏng đời sống chứng tá là cám dỗ người có đạo nuôi dưỡng sự hờn giận hoặc cảm giác tủi thân, thất vọng về người bạn đời không tin kính.

phailamgi_Mùa Cưới Con quỳ lạy Chúa Ba Ngôi, con cưới được vợ, con thôi nhà thờ!_2.jpg


Giáo hội Công giáo luôn nhắc nhở con cái mình nhớ đến bổn phận chứng tá cho Tin mừng, dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thực tế cho thấy có nhiều người không tin đạo, nhưng sau một thời gian sống chung, chứng kiến gương sáng của người Công giáo, họ nhận chân và đón nhận đức tin một cách chân thành. Hãy bước đi trong ân sủng Chúa và nuôi dưỡng niềm hy vọng. Hãy dùng cuộc sống phản ánh đức tin. Chính Chúa Kitô và tình yêu của Người sẽ hoàn tất điều tốt lành đó.​

  • Ảnh trong bài: Canva
 

Người trẻ nói gì về Loan Báo Tin Mừng?

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên