Ngọn đuốc và Giếng sâu

2.00 star(s) 1 Vote
Thành viên
Tham gia
31/10/24
Bài viết
3

Anh ta bước đi trong bóng tối. Không phải bóng tối của đêm, mà là bóng tối của chính sự tồn tại, cái bóng tối nặng nề, như thể cái bóng của chính anh ta đang đè lên từng bước chân. Không có gì ngoài không khí đặc quánh, đặc đến mức người ta có thể cắt ra từng khối. Mỗi hơi thở là một sự cố gắng tuyệt vọng, nhưng không sao có thể tránh khỏi sự nghẹt thở, bởi vì anh ta không chỉ thiếu ánh sáng, mà là đang thiếu chính mình. Anh ta lạc lối, không phải vì chưa tìm thấy đường, mà vì anh ta chẳng còn biết cái "đường" ấy là gì nữa. Anh ta chỉ thấy một thế giới rỗng tuếch, và cái rỗng ấy như một hố sâu không đáy, hút cạn mọi ý nghĩa.​


phailamgi_Ngọn đuốc và Giếng sâu_cv1.jpg

Ảnh: tinmoi.net

Một thế giới rỗng tuếch và câu hỏi về ánh sáng​

Anh ta không còn biết mình đang đi đâu, cũng chẳng biết vì sao phải đi. Mọi thứ chỉ là một chuỗi các bước vô nghĩa, các động tác cứng nhắc như một cái máy. Từng bước, từng hơi thở, đều là sự phản kháng vô ích với một cơn tuyệt vọng bao trùm. Trong cái không gian ấy, anh ta không thể hiểu nổi mình đang sống vì cái gì. "Ánh sáng đâu?" – câu hỏi duy nhất vẫn văng vẳng trong tâm trí anh, như một tiếng vọng từ một nơi không thể tìm thấy, từ một cái gì đó xa xôi và tuyệt vọng.

Rồi, giữa cái không gian mịt mù ấy, anh ta nhận ra một sự hiện diện. Một giếng sâu. Không phải giếng nước, mà là cái hố, cái hố đen như cái bóng tối đang bao vây anh. Trên miệng giếng, một ngọn đuốc lơ lửng. Nó không phải ánh sáng, không phải cứu rỗi. Nó chỉ là một ngọn đuốc, đang bập bùng trong sự trống rỗng, một ngọn đuốc đang cố tìm kiếm ý nghĩa trong cái vô nghĩa của thế giới này. Ánh sáng yếu ớt, không đủ để soi sáng mọi thứ, nhưng đủ để khơi dậy sự bất an. Nó khiến anh ta phải đối diện với chính mình, với câu hỏi mà anh ta không thể né tránh: "Tôi muốn ánh sáng, nhưng ánh sáng này là gì?"

Đối diện với tiếng gọi từ bóng tối​

Từ dưới giếng, một giọng nói vang lên, không phải như một câu hỏi, mà như một kết án. Không ai hỏi anh có muốn ánh sáng hay không. Câu hỏi đã được đặt ra từ trước khi anh sinh ra. "Ngươi muốn ánh sáng, phải không?"

Anh không trả lời. Anh không thể. Mọi thứ trong anh đã biến mất. Anh không còn là anh. Anh không còn là người đi tìm kiếm ánh sáng. Anh chỉ là sự tồn tại trống rỗng, một cái bóng đang cố gắng thắp lên một ngọn lửa mà nó không thể chạm tới. Anh nhìn vào cái bóng của mình trong làn nước mờ đục của giếng. Cái bóng ấy không phải là anh, mà là cái ảo ảnh của anh, cái ảo ảnh của tất cả những gì anh chưa từng là. Ánh sáng không thể soi rọi cho cái bóng ấy. Nó chỉ có thể nhắc nhở anh về sự trống rỗng của chính mình.

“Ánh sáng không chỉ để dẫn đường,” giọng nói lại vang lên, “Nó là một thử thách. Nó là sứ mệnh. Nó là ngọn lửa cần phải chia sẻ.”

phailamgi_Ngọn đuốc và Giếng sâu_cv2.jpg
Ảnh: Canva

Hành trình chia sẻ ánh sáng​

Vậy đấy. Không phải để soi sáng. Ánh sáng ấy không phải là thứ để giữ lại cho mình. Nó là thứ phải được chia sẻ, nhưng chia sẻ với ai? Chia sẻ với chính mình? Hay với cái bóng của mình, cái bóng đang đè lên mọi hy vọng còn lại?

Người lữ khách lấy ngọn đuốc. Ánh sáng khồng làm anh sáng hơn. Nó chỉ bộc lộ sự mờ mịt trong anh, như một cái gương chiếu lên chính sự trống rỗng của anh. Anh thấy mình – một gương mặt đầy bụi bẩn, mệt mỏi, không có gì ngoài sự tàn lụi. Nhưng trong đôi mắt, có một tia hy vọng nhỏ nhoi lóe lên, không phải hy vọng vào một cứu rỗi, mà là hy vọng trong sự vô nghĩa.

Cuộc gặp gỡ với cụ già bên đường​

Với ngọn đuốc trong tay, anh tiếp tục bước đi. Không phải vì ánh sáng sẽ soi đường, mà vì không thể làm khác. Bước chân anh nặng nề, không phải vì bóng tối bên ngoài, mà vì bóng tối bên trong anh. Ánh sáng chỉ đủ để soi rõ những bước đi trong phút chốc, trước khi bóng tối lại nuốt chửng mọi thứ. Anh không tìm kiếm cái gọi là cứu rỗi. Anh chỉ tìm kiếm sự tồn tại trong cái vô định này. Ánh sáng không phải là cứu cánh. Ánh sáng là sự thử thách. Nó là sự chạm vào cái không thể chịu đựng được.

Người lữ khách, trên đường đi qua bóng tối dày đặc của cuộc đời, bắt gặp một cụ già đang ngồi co ro bên tảng đá, thân thể run rẩy dưới cơn lạnh khắc nghiệt. Ánh mắt của cụ không phải ánh mắt của kẻ xin xỏ, mà là ánh mắt mang theo sự đòi hỏi căn cốt, một yêu sách phát xuất từ chiều sâu của bản thể: "Ngươi có thể chia sẻ ánh sáng này với ta không? Ta đã bị giam cầm trong bóng tối quá lâu."

Người lữ khách đứng đó, tay giữ lấy ngọn đuốc, lòng đầy trăn trở. Anh không trả lời. Làm sao anh có thể cho đi một thứ mà chính anh chưa hiểu hết? Ánh sáng này, tự bản chất, không thuộc về anh, nhưng nó là ánh sáng duy nhất anh có trong thế giới tối tăm này. Và rồi, đối diện với ánh mắt ấy, một điều hiển nhiên lộ ra trước anh: anh không thể giữ lại ánh sáng này cho riêng mình. Trong ý nghĩa sâu xa nhất của nó, ánh sáng không phải là sở hữu cá nhân, không thể bị giam giữ như một tài sản ích kỷ. Anh quyết định chia sẻ.

Khi anh chia sẻ ngọn đuốc, một điều kỳ diệu xảy ra: ánh sáng không bị suy giảm. Nó không yếu đi, không mất đi, mà ngược lại, bùng lên với cường độ rực rỡ hơn. Trong hành động chia sẻ ấy, một chân lý siêu hình được mặc khải: ánh sáng, dù không thuộc về bất kỳ ai, vẫn luôn sẵn sàng cho tất cả. Nó không phải là một tài nguyên khan hiếm, mà là một ân sủng phổ quát, phản ánh chính trật tự của điều thiện hảo: Bonum est diffusivum sui – điều thiện tự nó lan tỏa. Bóng tối không thể chiếm hữu ánh sáng, nhưng chính ánh sáng có quyền chinh phục bóng tối, không qua việc đối kháng, mà qua việc hiến mình cách nhưng không.

Trong sự chia sẻ ấy, người lữ khách không chỉ nhận ra ý nghĩa của ánh sáng mà còn nhận ra ý nghĩa của chính mình: anh là người mang ánh sáng, không phải để giữ, mà để cho đi.

phailamgi_Ngọn đuốc và Giếng sâu_1.jpg

Kết thúc – Ánh sáng biến đổi Bóng tối​

Và rồi, anh nhận ra. Bóng tối không phải là kẻ thù. Không phải là thứ cần phải trốn tránh. Bóng tối là nền tảng. Chính bóng tối làm cho ánh sáng trở nên có ý nghĩa. Nếu không có bóng tối, ánh sáng chỉ là sự trống rỗng. Không có bóng tối, không có gì tồn tại ngoài sự chết. Ánh sáng chỉ có thể chiếu rọi vì có bóng tối. Chính trong bóng tối, ánh sáng mới có thể bừng lên.

Người lữ khách tiếp tục bước đi, không phải vì hy vọng vào một ánh sáng chiếu rọi mọi thứ, mà vì anh đã nhận ra rằng, trong bóng tối, anh mới là sự lựa chọn duy nhất. Anh bước vào ánh sáng, nhưng không phải để tránh né bóng tối. Anh bước vào ánh sáng để đối diện với chính mình.

Ánh sáng, như một ngọn đuốc thiêu đốt sự giả dối trong anh. Không phải là để cứu rỗi, mà là để anh phải cứu rỗi chính mình, trong bóng tối của mình...​

Ánh Sáng của Đức Kitô: Từ Bóng Tối Đến Cuộc Sống Mới.​

Có một chàng trai trẻ đã mang ngọn đuốc đến thế gian. Ngọn đuốc ấy không phải là ánh sáng dịu dàng, không phải là một sự an ủi êm ái, mà là một ngọn lửa bùng cháy, đầy thách thức, không khoan nhượng. “Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ không đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống” (Jean 8:12 / Ga 8,12). Ngọn đuốc ấy không chỉ chiếu sáng mà còn thiêu đốt, không chỉ xua tan bóng tối mà còn nghiền nát những gì không thể chịu đựng nổi ánh sáng của nó. Đức Kitô không phải là một câu chuyện mờ nhạt của những kẻ mộng tưởng, mà là một hiện thực sắc bén, chói lòa, một lưỡi dao bổ thẳng vào lịch sử. Ngài không đến để nhẹ nhàng chạm vào tâm hồn con người, mà để xé toạc màn đêm mà nhân loại đã tự xây dựng để che giấu chính mình.

phailamgi_Ngọn đuốc và Giếng sâu_2.jpg
Ảnh: dongmancoibuichu.com
Ánh sáng của Ngài không phải để xoa dịu nỗi lo sợ, mà là để làm bộc lộ sự trống rỗng mà chúng ta đã lẩn tránh bấy lâu. “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta yêu bóng tối hơn ánh sáng vì việc làm của họ là xấu xa” (Jean 3:19 / Ga 3,19). Đức Kitô không đến để khuyến khích chúng ta tiếp tục sống trong sự giả dối, mà để phá vỡ những sự an toàn mong manh mà chúng ta tưởng là vĩnh cửu. Ngài không mời gọi chúng ta vào một thế giới của sự bình yên, mà vào một thế giới đầy hoang mang, nơi ánh sáng là một sự mời gọi khẩn thiết để ta đối diện với chính bóng tối trong tâm hồn mình.

Như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói: “Ánh sáng của Đức Kitô là chân lý. Chỉ trong ánh sáng của Ngài, chúng ta mới thực sự thấy thế nào là con người và đâu là con đường của sự sống” (Benedict XVI, Urbi et Orbi, 2005 / Dans la lumière du Christ, nous voyons la vérité de l’homme). Ánh sáng ấy không chỉ soi đường, mà là con đường. “Lời Chúa là ngọn đèn soi bước chân con, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Psaume 119:105 / Tv 119,105). Nó không chỉ dẫn lối mà còn buộc chúng ta phải đi. Không phải là con đường dễ dàng, không phải con đường mà ta có thể bước đi trong sự thảnh thơi. Đó là con đường của hoán cải, của sự đấu tranh không ngừng, nơi mà mỗi bước đi là một sự thách thức đối với bản thân, đối với những ảo tưởng về bản thân mà ta đã dày công xây dựng.

Khi ta tiến gần ánh sáng ấy, chúng ta không chỉ đối diện với những gì đã bị che giấu, mà còn phải đối diện với chính sự trống rỗng, sự dối trá đã ăn sâu vào tận cốt tủy của mình. “Vì chính Thiên Chúa, Đấng đã phán: ‘Ánh sáng phải chiếu soi từ trong bóng tối’, cũng là Đấng làm bừng sáng trong lòng chúng ta, để làm cho chúng ta nhận biết vinh quang Thiên Chúa rạng ngời trên khuôn mặt Đức Kitô” (2 Corinthiens 4:6 / 2 Cr 4,6).

phailamgi_Ngọn đuốc và Giếng sâu_3.jpg
Ảnh: Canva
Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh: “Kitô hữu được mời gọi trở thành ánh sáng thế giới, không phải ánh sáng của riêng mình, nhưng là ánh sáng của Đức Kitô, ánh sáng của Tin Mừng, một ánh sáng có thể soi sáng cả những góc khuất tăm tối nhất của nhân loại” (Pape François, Angelus, 2013 / Être lumière dans le Christ, même dans les ténèbres humaines). Điều này không chỉ là sứ mệnh cá nhân, mà còn là một trách nhiệm cộng đồng: ánh sáng chỉ trở nên trọn vẹn khi được lan tỏa.

Trong câu chuyện, hành động chia sẻ ngọn đuốc với cụ già tượng trưng cho chính sứ mệnh này. Ánh sáng không hề mất đi khi được chia sẻ, mà ngược lại, nó càng bừng lên. Đây là biểu tượng rõ rệt về tình yêu Thiên Chúa: một tình yêu không bao giờ vơi cạn khi được ban phát, mà chỉ trở nên phong phú hơn.

Trong mùa Vọng này, ánh sáng của Đức Kitô không chỉ là niềm hy vọng, mà còn là lời kêu gọi hoán cải triệt để. “Chính Đức Kitô là ánh sáng muôn dân” (Hiến chế tín lý Lumen Gentium, số 1 / Christ est la lumière des nations). Như Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II từng nói: “Đừng sợ! Hãy mở rộng cánh cửa tâm hồn để Đức Kitô chiếu sáng!” (Jean-Paul II, Homélie d’inauguration, 1978 / N'ayez pas peur, ouvrez grand votre cœur à la lumière du Christ!).

Ánh sáng của Đức Kitô thâm nhập vào từng ngóc ngách sâu thẳm nhất của tâm hồn, không chỉ để mang lại sự cứu rỗi mà còn để con người tìm thấy bản thể chân thực của chính mình. Đó không chỉ là ánh sáng làm sáng tỏ nội tâm, mà còn là một minh triết siêu việt - một sự khôn ngoan vượt trên mọi hiểu biết thông thường, giúp con người nhìn nhận cuộc sống trong ánh sáng của chân lý thiêng liêng, dẫn dắt nhân loại thoát khỏi vực sâu của tội lỗi và hướng về sự sống đích thực:

phailamgi_Ngọn đuốc và Giếng sâu_4.jpg
Ảnh: Canva
"Ánh sáng của Đức Kitô không chỉ là một ánh sáng chiếu soi tâm hồn, mà còn là ánh sáng dẫn dắt nhân loại ra khỏi bóng tối của tội lỗi và dẫn vào sự sống đích thực" / “La lumière du Christ n'est pas seulement une lumière qui éclaire l'âme, mais aussi une lumière qui guide l'humanité hors des ténèbres du péché et conduit à la vie véritable” (Tông huấn Ecclesia in Europa, 2003).

Ánh sáng này không đơn thuần là một biểu tượng, mà là một thực tại siêu hình - một chân lý không chỉ thuộc về thế giới vật chất mà còn thuộc về bản chất sâu xa nhất của con người và vũ trụ, mang tính quyết định. Nó mời gọi con người bước vào cuộc đối thoại với chính bản thể mình, đồng thời thách thức mọi xác tín đã cũ kỹ, thậm chí có thể phá vỡ những gì ta tưởng là vĩnh cửu.

Tuy nhiên, ánh sáng này không chỉ là một ý niệm trừu tượng; nó hiện diện trong đời sống thực tế, qua từng hành động yêu thương, tha thứ và hy sinh. Khi con người để ánh sáng ấy dẫn dắt, họ sẽ cảm nhận được sự thay đổi trong những tương quan hàng ngày: hòa giải với người khác, dấn thân phục vụ tha nhân, và tìm kiếm ý nghĩa thực sự trong công việc, gia đình, cũng như xã hội. Chỉ khi ánh sáng ấy xuyên qua những bóng tối dày đặc nhất trong tâm hồn, con người mới có thể khởi đầu một đời sống mới, đời sống của chân lý và tự do. Trong ánh sáng của Đức Kitô, không chỉ là sự cứu độ mà còn là sự viên mãn của nhân vị, nơi mà con người gặp được nguồn gốc và đích đến của mình.

"Ánh sáng và bóng tối là hai yếu tố không thể tách rời trong sự tự nhận thức của con người; ánh sáng không chỉ là cứu rỗi mà là sự thử thách và hoán cải, và bóng tối không phải là kẻ thù mà là nền tảng để ánh sáng trở nên có ý nghĩa. Trong ánh sáng của Đức Kitô, con người phải đối diện với sự thật khắc nghiệt của chính mình, không phải để tìm kiếm một cứu rỗi dễ dàng, mà để thực hiện sự hoán cải sâu sắc và lựa chọn sống thật với bản thể của mình."

Nguồn: Fb Huy Nguyễn​
 

Đức Thánh Cha chủ sự Nghi thức mở Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô và Thánh lễ đêm Giáng Sinh

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên