Người giáo dân: đừng đứng "nhìn" chủ chăn, nhưng hãy nhận lấy trách nhiệm công dân của mình

5.00 star(s) 1 Vote
phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
339

Tại Việt Nam, "chính trị" dường như là từ "cấm kỵ". Chủ quan là do giáo dục dẫn tới sự bàng quan. Khách quan là do Điều 4 của Hiến Pháp 2013 qui định: "Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội," làm cho những dấn thân chính trị thường bị qui kết là "phản động".


phailamgi_Sự đa nguyên chính trị của các Kitô hữu_cv1.jpg

Các giáo dân tham gia phiên Tòa Phúc thẩm xét xử 8 giáo dân Thái Hà ngày 27/3/2009, tại Hà Đông.

"Sinh vật chính trị"

Trong khi, từ rất sớm, bằng quan sát thực tế, các triết gia đã khẳng định: Nhà nước là một thực thể được "hình thành rất sớm và con người tự bản chất là một sinh vật chính trị." (Aristotle, Chính trị, quyển I, chương II)

Điều này có nghĩa là: "Một người là con người thật sự, khi góp sức hình thành đời sống chính trị, và nhờ đó, sống với tư cách một công dân đúng nghĩa." (Docat, # 195)

Cách riêng đối với các Kitô hữu giáo dân, trong bậc sống của mình, họ "tuyệt đối không thể từ chối tham gia vào “chính trị”, tức là những hoạt động đa dạng về kinh tế, xã hội, luật pháp, hành chánh, văn hóa, một chính trị có mục đích cổ võ công ích một cách có tổ chức và qua các định chế." (Gioan Phaolô II, Tông huấn Kitô hữu Giáo dân, #42).

phailamgi_Sự đa nguyên chính trị của các Kitô hữu_cv2.jpg
Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt thăm đồng bào bị lụt tại Giáp Bát trong trận lụt lịch sử tháng 11/2008

Tôn trọng các chọn lựa dấn thân

Khi tham gia vào chính trị, họ được tự do chọn lựa các đảng phái chính trị, trừ các đảng phái nào "tán đồng và tôn vinh bạo lực chống lại sự sống hay phẩm giá của con người, hoặc đưa ra một cương lĩnh bao hàm tính thù hằn xã hội, chính sách mị dân, phân biệt chủng tộc hay đấu tranh giai cấp.” (Docat, #319)

Nói cách khác, trong lãnh vực chính trị, sự dấn thân xã hội đích thật mang tính Kitô giáo luôn bao hàm đòi hỏi tôn trọng tính đa nguyên chính trị.

Vì thế, các giáo dân không bị buộc phải chọn lựa một đảng phái duy nhất. Họ cũng không được đòi buộc các giáo sĩ phải lấy cùng một lập trường chính trị với mình, và ngược lại. Nhiều người lầm tưởng rằng phàm đã là người Công giáo thì chỉ có một chọn lựa chính trị duy nhất.

Trong thực tế, "nhãn quan Kitô giáo sẽ hướng dẫn các Kitô hữu lựa chọn một giải pháp nhất định nào đó tùy hoàn cảnh.” (Gaudium et Spes, số 43) Vì, tự bản chất, đức tin Kitô giáo không bao giờ chủ trương đóng khung các vấn đề xã hội – chính trị vào một khuôn cứng nhắc, nhưng ý thức rằng chiều hướng lịch sử của cuộc sống đòi hỏi con người phải sống trong những tình huống bất toàn và thường đổi thay nhanh chóng.

phailamgi_Sự đa nguyên chính trị của các Kitô hữu_1.jpg
Một buổi học hỏi của lớp giáo huấn xã hội công giáo Thái Bình tháng 10/2023

Hãy nhận lấy trách nhiệm, đừng “nhìn” chủ chăn

Như vậy, dấn thân chính trị vừa là bản chất, vừa là ơn gọi của người giáo dân. Tính đa nguyên chính trị cho phép họ tự do chọn lựa lập trường chính trị dưới ánh sáng của Tin mừng.

Họ không những không được đòi buộc các giáo sĩ phải lấy cùng một lập trường chính trị với mình, và càng không nên "nhìn" và "chờ đợi" chủ chăn, để rồi không chịu hành động.

Trái lại, "chính các tín hữu giáo dân, được đức khôn ngoan Kitô giáo soi dẫn và trong sự cẩn thận trung thành với các giáo huấn của Huấn quyền, hãy nhận lấy trách nhiệm (chính trị) của mình” (Vaticanô II, Gaudium et Spes, số 43).

Về phần mình, các chủ chăn, với đức tin và luật luân lý đòi hỏi, họ phải luôn tôn trọng tính đa nguyên chính trị của các tín hữu, phải can đảm lên tiếng trước các chính sách kinh tế, chính trị "không mang khuôn mặt người"; đồng thời, đồng hành, huấn luyện và soi sáng lương tâm của các tín hữu, nhất là của những người dấn thân vào sinh hoạt chính trị, ngõ hầu hoạt động của họ luôn luôn phục vụ sự thăng tiến toàn diện con người và công ích.​

Phải làm gì?​

Docat 319: Tôi có thể tích cực hoạt động trong một đảng phái chính trị không, nếu những quan điểm của đảng đó không luôn phù hợp với lập trường của học thuyết Kitô giáo?

Vâng, có thể. Là người Công giáo, chúng ta có sứ mệnh biến đổi xã hội thành một “nền văn minh tình yêu”. Khi chúng ta hoạt động trong các đảng phái chính trị, chúng ta có trong tay phương tiện để chứng tỏ tình liên đới của mình với những người yếu thế. Chúng ta phục vụ công ích bằng cách nhấn mạnh địa vị ưu việt của con người trong công tác của đảng, và lưu tâm đến các cơ cấu xã hội bổ trợ. Các đảng phái chính trị hoạch định cương lĩnh riêng cho mình, và họ cần số đông để có thể đưa vào áp dụng thực tế. Vì nền tảng của Kitô giáo có những điểm không phù hợp với quan điểm của đảng phái, nên hiếm có đảng phái nào thể hiện 100 phần trăm học thuyết Kitô giáo. Điều này càng cho thấy sự cộng tác có trách nhiệm của các tín hữu Công giáo thêm quan trọng, để làm vững mạnh những quan điểm hợp lẽ phải và giúp những quan điểm đúng đắn đó giành được sự ủng hộ của số đông quần chúng. Điều kiện tiên quyết cho việc tham gia có trách nhiệm là: đảng phái phải công nhận phẩm giá bất khả xâm phạm của con người, nhân quyền, nhân vị, bảo vệ sự sống người vô tội ở mọi giai đoạn phát triển và trong mọi điều kiện lệ thuộc, bảo vệ hôn nhân như sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, và bảo vệ vị thế hợp pháp của Giáo Hội trong xã hội, các điều kiện này đã được soạn thành điều luật trong các bản hiến pháp của nhiều quốc gia. Các tín hữu Công giáo không được tham gia những đảng phái chính trị nào tán thành và tôn vinh bạo lực chống lại sự sống hay phẩm giá của con người, hoặc đưa ra một cương lĩnh bao hàm tính thù hằn xã hội, chính sách mị dân, phân biệt chủng tộc, hay đấu tranh giai cấp.​
 

Giải đáp những câu hỏi thách thức mà người vô thần đặt ra cho người Công giáo

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên