Phải chăng: "Chuyện trên mạng không đáng quan tâm" như nhiều người nghĩ?

Thành viên
Tham gia
2/1/24
Bài viết
68

Mỗi khi tôi ngồi chia sẻ với bạn bè về những câu chuyện hay vấn đề tôi bắt gặp trên mạng xã hội, họ thường đáp lại bằng một câu nghe có vẻ quen thuộc: "Chuyện trên mạng quan tâm làm gì? Kệ nó đi!" Thật ra, với họ, những chuyện trên mạng lúc nào cũng có đầy, hết câu chuyện này rồi lại đến câu chuyện khác, mà đa phần chỉ là thoáng qua, không đáng để bận tâm.​


phailamgi_chuyện trên mạng quan tâm làm gì_cv.jpg

Ảnh: Canva

Có lẽ, với nhiều người, mạng xã hội chỉ đơn thuần là một không gian ảo nơi người ta giải trí, xả stress, hay tranh cãi qua lại. Vì thế, những vấn đề nổi lên hôm nay rồi cũng sẽ chìm đi vào ngày mai, nhường chỗ cho những drama, tin tức khác. Họ có thể cảm thấy việc bận lòng hay dành thời gian để suy nghĩ sâu về những câu chuyện đó là vô ích. Đúng, mạng xã hội dường như không có điểm dừng. Nhưng liệu mọi thứ chỉ đơn giản như vậy?

Mạng ảo nhưng vấn đề thật

Câu chuyện trên mạng không đơn thuần chỉ là sự thoáng qua. Nó phản ánh tâm tư, suy nghĩ và quan điểm của nhiều người về các vấn đề xã hội, văn hóa, hay thậm chí là đạo đức. Những cuộc tranh luận, những câu hỏi mà mọi người đặt ra trên mạng xã hội không chỉ là chuyện vô thưởng vô phạt. Chúng phần nào nói lên những mối quan tâm chung của một cộng đồng. Và nếu bỏ qua hay phớt lờ những chuyện này, liệu chúng ta có bỏ lỡ cơ hội để hiểu hơn về xã hội mình đang sống?

phailamgi_chuyện trên mạng quan tâm làm gì_cv1.jpg


Ví dụ như: Khi một tiktoker ở Mỹ chia sẻ câu chuyện về việc cô từng kiện bố mẹ vì đã sinh ra cô mà không hỏi ý kiến trước, câu chuyện nhanh chóng lan truyền và thu hút sự chú ý của nhiều người dùng. Nhiều người đã đọc và theo dõi câu chuyện này, thậm chí có những đứa trẻ sau khi biết chuyện đã về hỏi mẹ mình: "Sao lúc sinh ra con, mẹ không hỏi ý kiến con trước?" Điều này khiến các bà mẹ lúng túng, không biết phải trả lời như thế nào.

Trong thời đại mà thông tin được lan truyền nhanh chóng, mạng xã hội có sức mạnh kết nối, nhưng đồng thời cũng có thể gây ra sự chia rẽ. Những câu chuyện trên mạng, nếu không được nhìn nhận và thấu hiểu đúng đắn, có thể dẫn đến hiểu lầm, thậm chí là xung đột. Vì thế, thay vì hỏi "chuyện trên mạng quan tâm làm gì?", có lẽ chúng ta nên tự hỏi rằng mình có thể học được gì từ những câu chuyện đó, và làm sao để góp phần làm cho mạng xã hội trở thành một nơi trao đổi thông tin văn minh hơn.

Kệ nó đi, nhưng đừng kệ mãi

Tôi hiểu rằng không phải chuyện nào trên mạng cũng đáng để quan tâm. Có những câu chuyện chỉ mang tính chất giải trí, gây tranh cãi không cần thiết, hoặc không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta. Nhưng trong những lúc đó, việc lựa chọn cẩn thận để không rơi vào "bẫy" của thông tin ồn ào cũng là một kỹ năng quan trọng.

Tuy nhiên, khi những câu chuyện mạng phản ánh những vấn đề lớn hơn như sự bất công, quyền con người, hoặc những nỗi đau chung của xã hội, liệu chúng ta có nên phớt lờ? Mạng ảo, nhưng những cảm xúc, suy nghĩ của con người là thật. Và nếu ta cứ mãi chọn cách "kệ nó đi," liệu điều đó có khiến chúng ta dần trở nên vô cảm với những nỗi đau và khó khăn mà người khác đang phải đối mặt?

Vì vậy, câu hỏi "chuyện trên mạng quan tâm làm gì?" không phải lúc nào cũng có câu trả lời là "không." Đôi khi, câu chuyện đó xứng đáng để chúng ta dừng lại, suy ngẫm, và hành động.​

Phải Làm Gì?
Dù tốt hay xấu đi nữa "Chúng [các phương tiện truyền thông xã hội] đã trở thành một phần nội tại gắn chặt với đời sống ngày nay đến mức dường như vô lý khi ai đó cho rằng chúng trung lập và nằm ngoài những sự đánh giá về luân lý liên quan đến con người."

"Căn cứ vào tầm ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đối với việc lèo lái những thay đổi trong thái độ về thực tại và con người, chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận về tác động của chúng."

"Các phương tiện truyền thông có thể có ảnh hưởng văn minh hoá không những chỉ khi chúng gia tăng khả năng truyền đạt thông tin nhờ vào sự phát triển công nghệ, mà trên hết khi chúng được định hướng tới mục tiêu phục vụ một tầm nhìn thật sự phản ánh các giá trị chung về con người và công ích."

"Các phương tiện truyền thông có thể góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng tình hiệp thông của gia đình nhân loại, và đạo đức của xã hội, khi chúng được dùng để xúc tiến sự tham gia của toàn thế giới vào nỗ lực chung nhằm tìm kiếm những gì là đúng đắn."
Trích đoạn trong Thông điệp Caritas in Veritate (2009), 73, Giáo hoàng Bênêđictô XVI
 

Giấc mơ Docat của Đức Thánh Cha Phanxicô

1:5356 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên