Phải làm gì trước lời kêu gọi sám hối của Gioan Tẩy Giả?

5.00 star(s) 6 Votes
Thành viên
Tham gia
14/1/24
Bài viết
78

Sau khi loan báo về ngày cánh chung (tận thế) với những điều khủng khiếp (đang diễn ra, mà trong thời nay, chúng ta có thể thoáng thấy nơi này nơi khác) Chúa bảo: “Khi thấy những điều ấy, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu thoát”.​


phailamgi_Phải làm gì trước lời kêu gọi sám hối của Gioan Tẩy Giả_cv1.jpg

Ảnh: catholiccompany.com
1. Trong tinh thần ấy, tuần II mùa vọng này, chúng ta được nghe lời rao giảng của ông Gioan Tẩy giả, vị Tiền hô của Đấng Cứu thế. Câu 1-3 cho thấy sự xuất hiện của ông Gioan là thật, có căn cứ lịch sử, cả lịch sử của đế chế Roma lẫn lịch sử dân Israel. Như vậy, sự xuất hiện của ông Gioan, đúng như lời các ngôn sứ loan báo từ các thời trước, nay được ứng nghiệm.

Gioan Tẩy Giả là ngôn sứ “giao thời” – ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước và ngôn sứ đầu tiên của Tân ước, là người dọn đường cho Đấng Thiên sai đến, và kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Ông đã trích lời ngôn sứ Isaia xưa để xác định cho thời của ông rằng: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 3,4-5)

Lời ông Gioan Tẩy Giả kêu gọi người ta sám hối để được ơn tha tội. Sám hối là nhận ra con đường mình đi bấy nay là sai – sai chỗ nào – sai ở mức độ nào – cái sai ấy để lại những quanh co, hố sâu, lồi lõm, cao thấp nào… Nhắc đến con đường và việc sửa chữa chúng thật cẩn thận, xứng đáng với Đức Chúa sẽ đến. Đường để Chúa đến phải “thẳng”. Nhưng thay đổi một thói quen, thật khó, như một thách đố thay đổi bản thân – bản tính cố hữu, nhất là khi những thay đổi liên quan đến những cố chấp, những thành kiến, sự yên trí. Nhưng khó mấy cũng phải làm, đừng quên việc xin ơn Chúa giúp là cần thiết và quan trọng – thêm sức cho mình có thể vượt thắng mình, thắng những thói xấu của mình.

phailamgi_Phải làm gì trước lời kêu gọi sám hối của Gioan Tẩy Giả.jpg
Ảnh: catholiccompany.com
2. Hoán cải và canh tân đời sống, là điều kiện để lãnh ơn cứu độ. Thực ra, một khi dám thay đổi và điều chỉnh đời sống, chính lúc đó, ơn cứu độ đã bén rẽ và nảy sinh hoa trái hạnh phúc và bình an.

Mùa Vọng vì thế trở thành thời điểm của ân sủng (Chúa ban) và hoà giải (với nhau, với chính mình). Khi những nẻo đường tâm hồn không còn bị những khúc mắc và cản trở của những quyến luyến sai trái, của đam mê khát khao, của thói tự tôn, tính ích kỷ, thích soi mói, thích hưởng thụ, sống vô trách nhiệm, lười biếng…, khi đó tâm hồn được thanh thoát, dễ dàng đón ơn cứu độ của Chúa.

Con đường để Chúa đến với mình còn là hành trình thiêng liêng giữa mỗi người với Chúa. Bởi có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu con đường dẫn đến với Chúa. Nếu con đường vật chất có nhiều nẻo khác nhau, con đường thiêng liêng cũng vạn nỗi thăng trầm; con đường vật chất dễ thấy và có thể sửa chữa dễ dàng, thì đường thiêng liêng lại vô hình, tiềm ẩn những quanh co, khúc mắc.

Trong tâm tình đó, chúng ta cùng hiệp lời cầu xin Chúa để mùa Vọng thực sự là thời điểm của ân sủng rạng ngời trên chúng ta, giúp ta trở nên như ông Gioan Tẩy giả, trở thành chứng nhân loan báo ơn cứu độ cho tha nhân, góp phần làm cho cộng đoàn, giáo xứ và xã hội ngày một tốt đẹp hơn.​
 

Đức Thánh Cha chủ sự Nghi thức mở Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô và Thánh lễ đêm Giáng Sinh

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên