Trại phong Phú Bình: nơi ở của những phận người cùng khổ!

5.00 star(s) 3 Votes
phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
471

Chúng tôi đến trại Phong Phú Bình vào một buổi sáng trời âm u mưa rét. Con đường dẫn vào trại bằng bê tông nhớp nhúa, phả cái lạnh vào người, khiến ai cũng phải rùng mình. Cách đường quốc lộ 37 khoảng 300 mét, ngay trên lối vào là tấm bảng chỉ đường cũng là địa giới của trại phong.


phailamgi_trại phong phú bình_cv1.jpg

Bà con giáo dân tại trại phong Phú Bình đón nhận linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ảnh: Phailamgi.com

Nơi gần mà xa

Trại phong Phú Bình được thành lập năm 1958, nằm trên địa bàn xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, cách thành phố Thái Nguyên 30 km và cách Hà Nội khoảng 70 km.

Đây là nơi điều trị các bệnh nhân phong từ nhiều tỉnh thành của miền Bắc, đặc biệt là các bệnh nhân thuộc các sắc tộc ít người, như Tày, Nùng, Dao…

Trước năm 2000, khi bệnh phong còn là bệnh nan y chưa có thuốc điều trị, bệnh nhân đến điều trị tại đây rất đông. Thời điểm đông nhất số bệnh nhân lên tới hơn 300 người.

Nhưng, kể từ năm 2000, do có thuốc điều trị, nên đa số bệnh nhân được điều trị tại nhà. Trại không tiếp nhận thêm bệnh nhân mới. Số bệnh nhân còn ở lại trại hiện có 54 người, đa số là các cụ già neo đơn, không nơi nương tựa, những người bị di chứng nặng do hậu quả bệnh phong để lại. Nhiều cụ đã sống ở đây từ những năm đầu thành lập trại, cách nay khoảng hơn 60 năm. Có cụ đã 90, 91 tuổi và chưa một lần rời trại.

Mặc dù đã được chữa khỏi, không còn mầm bệnh trong người, nhưng trong ký ức của nhiều bệnh nhân, bệnh phong vẫn là nỗi ám ảnh về một thời phải sống trong sự dày vò của bệnh tật, sự kỳ thị, hắt hủi, ghẻ lạnh của người đời, cùng với đó là các di chứng, các khuyết tật của cơ thể và phải sống cách ly xã hội một thời gian dài, nên các trại viên vẫn mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc với bên ngoài. Họ chỉ còn biết sống nương tựa vào nhau. Với họ, trại phong vừa là bệnh viện, là nhà, vừa là gia đình và quê hương, nhưng cũng là nơi họ được gặp Chúa.

phailamgi_nhà nguyện trại phong_01.jpeg
Nhà nguyên đơn sơ trong Trại phong Phú Bình. Ảnh: phailamgi.com

Nơi gặp Chúa

Trước năm 2005, đa số, không muốn nói là tất cả các bệnh nhân tại trại đều là người không Công giáo.

Mùa Hè năm 2005, ngay sau khi đảm nhận chức vụ Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã có một quyết định canh tân chương trình đào tạo linh mục khi đưa các chủng sinh của Tổng Giáo phận đến sống với các bệnh nhân phong tại các trại phong trong ba tháng hè. Nhờ sự hiện diện của quý Thầy, một số bệnh nhân đã được lãnh nhận bí tích thanh tẩy, nhưng vẫn phải sinh hoạt tôn giáo cách âm thầm, vì nơi đây còn là bệnh viện.

Năm 2012, lãnh đạo trại đã đồng ý để các Dì thuộc tu hội Thánh Tâm đến sống với các bệnh nhân ngay tại trại. Các Dì đã qui tụ các giáo dân bệnh nhân sớm tối quây quần đọc kinh cầu nguyện và năm 2014, các Dì đã xin được lãnh đạo Trại hai căn phòng bỏ không để làm nhà nguyện.

Những buổi kinh sớm tối, cùng sự yêu thương chăm sóc của quý Dì đã thuyết phục được nhiều bệnh nhân và cả những người thân của họ trở lại đạo Công giáo. Trong số bệnh nhân và một số gia đình đang sinh sống tại Trại, hiện có 28 người Công giáo.

Bà Maria Hoàng Thị Péo, dân tộc Tày, người Cao Bằng, đến Trại năm 2014 và theo Chúa một năm sau đó. Mặc dù không biết tiếng Việt, nhưng bà vẫn đi đọc kinh hằng ngày những kinh đã thuộc.

Bà Maria Phan Thị Chảy, người Hà Giang, theo Chúa mùa hè năm 2005, lúc các Thầy Chủng sinh đến sống tại Trại.

phailamgi_doibantayphongcui_cv2.jpg
Đôi bàn tay của bà con trại phong, vẫn chăm chỉ lần hạt. Ảnh: phailamgi.com

Bà Maria Triệu Thị Sinh, người Cao Bằng, nhập trại năm 1990. Bà bị bệnh, bị dân làng đuổi lên rừng sống với một người con cũng bị bệnh. Khi về Phú Bình, người con trai của bà bị sốc thuốc và chết sau 20 ngày điều trị bệnh. Năm 2022 vừa qua, nhờ các Dì liên lạc được với gia đình, người con trai còn lại của bà đã xuống Phú Bình thăm Mẹ và đưa Mẹ về quê ăn tết.

Ông Giuse Hoàng Văn Sinh, người Cao Bằng, theo đạo năm 2015 hay ông Giuse Nguyễn Văn Ngọc, người Hải Phòng, theo Chúa năm 2019…

Còn nhiều người khác, mỗi người một quê quán, một hoàn cảnh… bệnh tật qui tụ họ về trại và tại đây, họ sống như một gia đình. Khi theo Chúa, các Dì chọn Đức Maria làm thánh bổn mạng cho các bệnh nhân nữ và cũng vậy, chọn thánh Giuse cho các bệnh nhân nam. Theo các Dì, vì họ không có người thân, nên chọn như thế sẽ dễ nhớ để sau này cầu nguyện cho họ khi họ qua đời.

Nơi cần được yêu thương

Chúng tôi rời Trại vào ngay trước giờ ngọ. Khung cảnh trống vắng, cộng với thời tiết ảm đạm lất phất mưa phùn càng làm cho bầu khí thêm lạnh lẽo. Những câu chuyện, những mảnh đời, những ngôi nhà siêu vẹo cứ cuốn lấy tâm trí chúng tôi.

Trên hành lang trống trải, thăm thẳm, theo thói quen thường ngày, một vài cụ ngồi buồn ngó về xa xăm…

Những bệnh nhân nặng hơn thì nằm liệt giường một chỗ, không con cháu, không người thăm non, ngoài các Dì và các nhân viên y tế săn sóc.

Hiện nay, mỗi bệnh nhân, mỗi tháng nhận được số tiền trợ cấp ít ỏi khoảng 2.000.000 đồng để chi dùng cho mọi sinh hoạt chữa bệnh, ăn uống tại trại. Đó là tất cả cuộc sống của họ.

Những năm gần đây, đã có nhiều tổ chức, các đoàn thiện nguyện đến thăm, tặng quà cho họ, nhưng điều họ cần hơn cả là sự quan tâm của mọi người. Chính sự quan tâm, gần gũi sẽ giúp các bệnh nhân bớt đi những tủi nhục, những mặc cảm một thời đã làm cho họ trở nên xa cách mọi người.

Mong cho họ được nhiều người biết đến…​

Phải làm gì?

Docat 101: Tình liên đới có thể đi xa đến đâu?

Trong thế giới toàn cầu hoá, chúng ta vui vì các đường biên giới trở nên ít quan trọng hơn trước, các vùng miền trên thế giới trở nên gần nhau hơn, và giao tiếp truyền thông có thể vào đúng thời điểm thực tế. Tuy nhiên, toàn cầu hoá vẫn ẩn chứa những mối hoạ lớn: biến động về kinh tế hay chính trị ở vùng này gây hệ quả tức thời đến dân chúng đang sống ở miền xa xôi khác. Dù nguyên tắc bổ trợ vẫn giữ nguyên giá trị, nhưng từ quan điểm đạo đức, chúng ta phải học cách suy nghĩ mở rộng ra toàn cầu. Nhiều vấn đề như nạn đại dịch, và nạn di cư ồ ạt, chỉ có thể giải quyết ở cấp độ toàn cầu, nếu chúng ta muốn đạt tới những giải pháp dài hạn, ổn thoả cho tất cả mọi người trên hành tinh trái đất này.​
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Từ Thánh Phêrô đến ĐGH Phanxicô | PhaiLamGi | Video tóm lược danh sách các vị Giáo hoàng – từ Thánh Phêrô, người được chính Chúa Giêsu chọn làm đá tảng xây dựng Hội Thánh, cho đến Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã để lại dấu ấn đậm nét bằng đời sống khiêm nhường, gần gũi và những cải tổ mạnh mẽ vì người nghèo và người bên lề. Một hành trình đức tin, một chuỗi kế vị không gián đoạn, thể hiện sự trung thành của Giáo hội với lời hứa của Đức Kitô: "Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi." (Mt 16,18)

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên