Behold God’s Providence
Tham gia
17/12/23
Bài viết
826

Chiều ngày 4/12, truyền thông Đài Loan đồng loạt đưa tin về sự ra đi của nữ văn sĩ Quỳnh Dao, nổi tiếng ở Việt Nam với các tác phẩm như Dòng sông ly biệt, Hoàn Châu cách cách,...tại nhà riêng.​

Ở tuổi 86, bà chọn cách tự kết thúc cuộc đời mình, với lời chia sẻ: “Tôi lựa chọn qua đời vì tôi đã ở trạm cuối cùng.” Đáng chú ý, từ năm 2019, Đài Loan đã cho phép trợ tử theo ý nguyện của bệnh nhân, không cần sự can thiệp của bác sĩ hay người thân. Quỳnh Dao từng gọi đây là “một tin vui.”

Tuy nhiên, đằng sau quyền tự quyết này là một câu hỏi lớn hơn: Liệu con người có thực sự sở hữu cuộc sống của mình để có thể tùy ý kết thúc nó?​

phailamgi_Trợ tử Quyền tự quyết hay sự trượt dốc đạo đức_cv1.jpg
Ảnh: mtgvinh.com

Cuộc sống: Món quà hay tài sản cá nhân?​

Quan điểm ủng hộ trợ tử thường nhấn mạnh đến quyền tự chủ của con người đối với cơ thể và cuộc sống của mình. Nhưng điều này đặt ra một thách thức về mặt đạo đức: Cuộc sống là món quà được trao tặng hay chỉ đơn thuần là tài sản mà mỗi cá nhân có thể toàn quyền định đoạt? Nếu xem cuộc sống là một món quà từ Thiên Chúa hay từ tự nhiên, thì việc kết thúc nó theo ý muốn cá nhân không chỉ là một hành động thiếu trách nhiệm, mà còn phủ nhận giá trị thiêng liêng của sự sống.

Thực tế, ở nhiều quốc gia nơi trợ tử được hợp pháp hóa, ban đầu luật chỉ áp dụng cho những người mắc bệnh giai đoạn cuối. Tuy nhiên, theo thời gian, những giới hạn này dần được nới lỏng. Người cao tuổi, những bệnh nhân trầm cảm, thậm chí những người gặp vấn đề về tâm lý cũng có thể trở thành đối tượng của trợ tử. Điều này dẫn đến một xã hội nơi mà sự sống dần dần mất đi giá trị và có thể bị kết thúc chỉ vì sự tuyệt vọng nhất thời.

phailamgi_Trợ tử Quyền tự quyết hay sự trượt dốc đạo đức_cv2.jpg
Ảnh: Canva

Tự do hay sự lạm dụng​

Một lập luận phổ biến khác là quyền tự do lựa chọn. Người ta cho rằng tự do cá nhân là tối thượng, và nếu ai đó chọn kết thúc cuộc đời mình, đó là quyền của họ. Nhưng tự do không đồng nghĩa với việc muốn làm gì thì làm. Tự do đích thực phải được định hướng bởi những giá trị đạo đức.

Giống như một người chơi golf không thể tự do đánh bóng theo bất kỳ cách nào mình muốn mà không tuân theo luật chơi, tự do sống cũng phải tuân theo những nguyên tắc đạo đức nhất định. Khi con người chỉ nói về “lựa chọn” mà không đặt câu hỏi về điều tốt hay xấu, họ sẽ rơi vào một "sa mạc" đạo đức, nơi mà mọi quyết định đều trở nên vô nghĩa.

Hơn nữa, trợ tử không chỉ là một lựa chọn cá nhân mà còn có thể dẫn đến những hệ lụy xã hội nghiêm trọng. Những người cao tuổi, người bệnh tật, hoặc những người cảm thấy mình là gánh nặng cho gia đình có thể bị áp lực phải chọn cái chết thay vì tiếp tục sống. Điều này không còn là tự do, mà là sự ép buộc ẩn giấu dưới vỏ bọc của “quyền lựa chọn.”

phailamgi_Trợ tử Quyền tự quyết hay sự trượt dốc đạo đức_1.jpg
Ảnh: Canva

Thấy được giá trị của sự sống trong đau khổ​

Nhiều người ủng hộ trợ tử viện dẫn lý do giảm bớt đau đớn cho bệnh nhân. Nhưng ngày nay, y học đã phát triển vượt bậc, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ, giúp bệnh nhân giảm thiểu đau đớn một cách hiệu quả. Thay vì tìm đến cái chết, họ có thể được chăm sóc và an ủi trong những ngày cuối đời.

Cái chết không phải là giải pháp cho đau khổ. Ngược lại, chính trong những giây phút đau đớn nhất, con người có thể khám phá ra giá trị của tình yêu, lòng trắc ẩn và sự đồng hành. Chúng ta không sống và chết chỉ cho bản thân mình, mà còn cho những người thân yêu, những người đang đồng hành cùng chúng ta trên hành trình cuộc đời.

Sự sống không phải là tài sản cá nhân để định đoạt. Nó là món quà thiêng liêng cần được trân trọng, ngay cả khi đối diện với đau khổ và cái chết.​

Phải làm gì?​

Docat 81: Tại sao quá nhiều người muốn chọn hình thức trợ tử?

Người ta sợ những cơn đau đớn nặng nề. Hơn nữa, người ta sợ trở thành mất năng lực kiểm soát hành vi. Tuy nhiên, ngày nay, chúng ta có thể giải quyết những nỗi sợ trên bằng sự chăm sóc thích hợp, sự hỗ trợ toàn diện dành cho người sắp chết, bằng thuốc giảm đau, và dịch vụ chăm sóc cho người hấp hối. Kinh nghiệm cho thấy phần lớn bệnh nhân ngừng đòi chết khi họ biết về những khả năng giảm đau và chăm sóc giai đoạn cuối. Giúp đỡ người sắp chết (chứ không phải là “giúp cho người ta chết”) có thể có nghĩa là ngừng hoặc từ chối cách chữa trị nào đó, hay làm giảm cơn đau dữ dội bằng thuốc giảm đau hoặc an thần. Đây là điều chính đáng ngay cả khi việc thi hành các biện pháp trên rút ngắn thời gian sống còn lại của bệnh nhân.​
 

Người trẻ nói gì về Loan Báo Tin Mừng?

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên