50 năm Đất nước Thống nhất: Nỗi đau chia rẽ và lộ trình "hòa giải - hòa hợp" theo Đức Thánh cha Phanxicô

5.00 star(s) 4 Votes
phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
460

Ngày 30/4 lịch sử lại gần kề! Đất nước thống nhất đã tròn 50 năm, nhưng cứ đến gần ngày 30/4, vết thương chia cắt lại mưng mủ, đau đớn… Những người thuộc Bên thắng cuộc lại tưng bừng mừng ngày chiến thắng, ngày "giải phóng". Ở phía ngược lại, những người thuộc Bên thua cuộc buồn rầu kỷ niệm "ngày quốc hận", "tháng Tư đen"…


phailamgi_50 năm Đất nước Thống nhất Nỗi đau chia cắt và lộ trình hòa giải - hòa hợp theo tinh...jpg

Những nỗ lực hòa giải

Trước nỗi đau chia cắt, nhiều nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho việc hòa giải - hòa hợp đã được các bên đưa ra trong suốt 50 năm qua. Nhưng dường như, càng "hòa giải" người Việt càng chia rẽ, vết thương hận thù càng khoét sâu vào thân thể hao gầy của người Mẹ Việt Nam.

Nhiều người cho rằng, hãy khép lại quá khứ! Thời gian sẽ là phương thuốc chữa lành các vết thương của quá khứ! Hãy để cho giới trẻ, thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời bình, không biết gì đến chiến tranh, được thảnh thơi xây dựng tương lai đất nước!

phailamgi_50 năm Đất nước Thống nhất Nỗi đau chia cắt và lộ trình hòa giải - hòa hợp theo tinh...jpg
Người Việt hải ngoại kỷ niệm ngày "quốc hận". Ảnh: Cộng đồng người Việt tại Montreal

Cần một lộ trình hòa giải

Có nhiều lý do khiến cho quá trình hòa giải – hòa hợp không thành, vết thương trên thân thể Mẹ Việt Nam tiếp tục rỉ máu mặc dù chiến tranh đã qua đi tròn 50 năm.

Theo đánh giá chung, đa số nguyên nhân đến từ bên thắng cuộc. Tâm lý của kẻ chiến thắng luôn muốn khẳng định tính chính danh của mình và ít muốn nhượng bộ. Họ không muốn mất quyền lợi, nhất là mất quyền kiểm soát về mặt chính trị.

Họ luôn coi những tiếng nói khác biệt là nguy cơ, thay vì coi đó là một phần của sự đa dạng cần được tôn trọng. Vì thế, họ chối từ mọi cuộc đối thoại. Họ tiếp tục khơi gợi hận thù.

Họ chưa bao giờ thật tâm mong muốn thực hiện "một lộ trình hòa giải." Chính sách hòa giải chỉ mang tính hình thức vì thiếu một lộ trình, một quyết tâm của toàn xã hội.

phailamgi_50 năm Đất nước Thống nhất Nỗi đau chia cắt và lộ trình hòa giải - hòa hợp theo tinh...jpg
Giấc mơ hòa giải hòa hợp: những người lính hai bên chiến tuyến. Ảnh: Báo tiếng dân

Hòa giải – hòa hợp theo Đức Thánh cha Phanxicô

Ở đây, trong lúc người Việt khắp nơi đang chuẩn bị bước tới gần ngày 30/4 lịch sử, trước nỗi đau chia rẽ chưa bao giờ lành, trong tâm tình của một người con đất Việt, xin đưa ra một lộ trình hòa giải do Đức Giáo tông Phanxicô đề nghị, được trình bày trong Thông điệp Fratelli Tutti – Về tình Huynh đệ xã hội.

1. Trước hết, theo Đức Giáo tông, muốn hòa giải để hòa hợp dân tộc thì phải biết tha thứ; nhưng để tha thứ, phải đối thoại và để đối thoại thì buộc các bên phải "bắt đầu lại từ sự thật", một sự thật trần trụi và minh bạch, vì chỉ "có sự thật lịch sử về các biến cố mới có thể là cơ sở cho nỗ lực bền bỉ để đạt được sự hiểu biết lẫn nhau và nỗ lực cùng nhau tạo ra một hướng đi mới vì thiện ích của tất cả mọi người." (Phanxicô, Fratelli Tutti – Về Tình Huynh đệ và Tình Bằng hữu Xã hội, # 226)

Đó là sự thật về những đau thương mất mát. Sự thật về một cuộc chiến ý thức hệ, huynh đệ tương tàn. Sự thật về Mẹ Việt Nam bị xâu xé, chẳng có bên thắng cuộc, bên thua cuộc mà chỉ có một nước Việt Nam đầy những thương tích trên thân thể. Sự thật tất cả chúng ta là người Việt Nam, không phân biệt chính kiến, giai cấp, cùng chung một vận mệnh, một huyết nhục…

Nói cách khác, "hòa giải – hòa hợp không phải là chuyện khép lại chuyện cũ, quên đi quá khứ," như nhiều người lầm tưởng và đề nghị "hãy để lịch sử sang trang." (Ibid., # 249)

Nhưng, là làm sống lại các ký ức, kể cả các ký ức đau buồn; vì một ký ức đau buồn luôn "đảm bảo và khuyến khích việc xây dựng một tương lai công bằng và huynh đệ hơn; một ký ức mở rộng, có khả năng đánh thức lương tâm của tất cả mọi người nam nữ, đặc biệt là những người ngày nay đóng một vai trò quan trọng trong vận mệnh của quốc gia; một ký ức đau thương giúp chúng ta nói từ thế hệ này sang thế hệ khác: không bao giờ để xảy ra nữa!" (Phanxicô, Diễn văn tại Đài tưởng niệm Hòa bình tại Hiroshima – Nhật Bản (24/11/2019): Osservatore Romano, 25-26/11/2019, số 8"

Vì thế, mỗi dịp 30/4 về, thay vì tổ chức các cuộc tuần hành mừng ngày "giải phóng", các cuộc mít tinh tuyên truyền về sự ưu việt của đảng"; thay vì suốt ngày ra rả hai chữ "Ngụy quân – Ngụy quyền"… để tiến tới sự hòa giải – hòa hợp, nhà nước Việt Nam cần khép lại "hình ảnh vỗ tay reo mừng hát trên xác người", cần nghiên cứu, minh bạch hóa, cần kể lại cho các thế hệ trẻ những mất mát, đau thương, những đổ vỡ, những phi lý của cuộc huynh đệ tương tàn… Đó là những sự thật lịch sử cần được tôn trọng, không bóp méo, vo tròn.

Và cần phải “giữ cho ngọn lửa lương tâm tập thể cháy mãi, bằng cách làm chứng cho các thế hệ nối tiếp về nỗi kinh hoàng của những gì đã xảy ra”, bởi vì chứng tá đó “thức tỉnh và gìn giữ ký ức của các nạn nhân, để lương tâm nhân loại ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn trước mọi tham vọng thống trị và hủy diệt” (Sứ điệp Ngày Hoà Bình Thế giới 2020 (08/12/2019), 2: L’Osservatore Romano, 13 tháng Mười Hai 2019, tr. 8)

phailamgi_50 năm Đất nước Thống nhất Nỗi đau chia cắt và lộ trình hòa giải - hòa hợp theo tinh...jpg
Cộng đồng người Việt quốc gia vùng Montreal kỷ niệm ngày "quốc hận" hôm 30/4/2023. Ảnh: Người Việt vùng Montreal

2. Bên cạnh việc tôn trọng sự trần trụi của lịch sử, theo Đức giáo tông, trong tiến trình hòa giải – hòa hợp dân tộc, phải hết sức kiên nhẫn, nhà nước hay các tổ chức không thể áp đặt cách duy ý chí buộc tất cả các bên phải tha thứ và hòa giải, bởi "Hòa giải là vấn đề cá nhân, không ai có quyền áp đặt cho toàn xã hội… cũng không thể ra lệnh “tổng hòa giải” với tham vọng dùng sắc lệnh để băng bó các vết thương hay dùng sự quên lãng để xóa đi những bất công.” (Phanxicô, Fratelli Tutti – Về Tình Huynh đệ và Tình Bằng hữu Xã hội, # 246)

Vì thế, phải hết sức trân quý đối với những ai "đã vượt qua được nỗi đau để tha thứ"; nhưng cũng phải hết sức "cảm thông với những ai không làm được như thế." (Ibid.) Đừng kết án ai khi họ chưa vượt qua được nỗi đau của những năm dài đi "cải tạo", những chuyến vượt biên kinh hoàng, những nhà cửa, tài sản trong chốc lát rơi vào tay kẻ khác…

3. Ngoài ra, theo Đức Thánh cha, sự tha thứ đích thực mang lại sự hòa giải, phải vượt qua những sự thật trần trụi, dù "nhớ về tội ác", nhưng không "để cho chính cái sức mạnh huỷ diệt làm tổn thương ấy chi phối," (Ibid., # 251) vì ước muốn báo thù như độc dược làm nhiễm uế bầu khí xã hội và đầu độc tâm hồn kẻ đang oán thù, khiến họ chẳng thể sống an nhiên hạnh phúc. Hận thù sẽ nuôi dưỡng hận thù. Trả thù không giải quyết được gì.

Trái lại, một cách tích cực, hãy cùng nhau mang một "cảm thức thuộc về" một gia đình, nhìn "đối thủ trong lĩnh vực chính trị hay người hàng xóm giống như chúng ta nhìn con cái hay vợ chồng, cha mẹ" (Ibid., # 230), để cùng nhau bắt tay xây dựng "một nền văn hóa của sự gặp gỡ". Sự gặp gỡ ở đây trước hết không phải là sự đồng thuận trên giấy tờ, nhưng đòi một sự "hòa hợp những khác biệt" về tính tình, sở thích, lập trường chính trị, niềm tin…

Nói cách khác, để tạo lập một "nền văn hóa gặp gỡ," cần "nhìn nhận người khác có quyền là chính họ và quyền được khác biệt. Khi việc nhìn nhận này trở thành văn hóa, thì mới có thể thiết lập được một thỏa ước xã hội." (Ibid., # 218) Nhờ đó, đất nước đi đến sự hòa giải hòa hợp.

Điều cần lưu ý, tha thứ không phải là điều dễ dàng. Đó là một tiến trình cả dân tộc sám hối, tha thứ cho nhau để được chữa lành. Vì thế, việc hòa giải – hòa hợp cần những con người thiện chí, nhất là, cần ơn Chúa biến đổi lòng người.

phailamgi_50 năm Đất nước Thống nhất Nỗi đau chia cắt và lộ trình hòa giải - hòa hợp theo tinh...jpg
Hình ảnh quen thuộc mỗi năm trên các đường phố ở Hà Nội. Ảnh: Báo Chính Phủ

Tóm lại

Những ngày này, Việt Nam đang tiến hành "cải cách cơ chế" để bước vào "kỷ nguyên vươn mình". Nhưng làm sao có thể vươn mình, đứng dậy, khi chính trong thân thể Mẹ Việt Nam, nỗi đau chia cắt còn đó?

Mong sao, ngày 30/4 của Năm thánh 2025, thực sự là khởi đầu của một tiến trình hòa giải – hòa hợp để mọi người con dân Đất Việt đang làm ăn, sinh sống trên khắp trái đất này, cùng góp tay xây dựng một quê hương giầu đẹp.​
 
Thành viên
Tham gia
4/1/24
Bài viết
54
mãi mới có bài tâm đắc và trung lập. để đạt được điều đó cần nỗ lực lắm, phải thay đổi não trạng "ta là kẻ vô địch, kẻ thua không có quyền lên tiếng" bằng sự thật và sự tha thứ vì những lỗi lầm mà tôi đã gây ra cho anh, cũng như anh đã làm cho tôi.
Cần lắm sự hoán cải dù có là ở bên nào đi chăng nữa. Ôm hận thù rồi xỉ vả nhau "cali, 3que, việt cộng..." không hòa giải được
Chiến tranh luôn gây ra đau khổ cho cả 2 phía, ước sao người thắng hạ bớt giọng trịch thượng, người dân biết tìm hiểu lịch sử hơn thì không đến nỗi đau đầu như này
 

Từ Thánh Phêrô đến ĐGH Phanxicô | PhaiLamGi | Video tóm lược danh sách các vị Giáo hoàng – từ Thánh Phêrô, người được chính Chúa Giêsu chọn làm đá tảng xây dựng Hội Thánh, cho đến Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã để lại dấu ấn đậm nét bằng đời sống khiêm nhường, gần gũi và những cải tổ mạnh mẽ vì người nghèo và người bên lề. Một hành trình đức tin, một chuỗi kế vị không gián đoạn, thể hiện sự trung thành của Giáo hội với lời hứa của Đức Kitô: "Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi." (Mt 16,18)

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên