Các Con Là Muối, Nếu Muối Ra Lạt…

5.00 star(s) 1 Vote
Thành viên
Tham gia
14/1/24
Bài viết
19

“Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5, 13)​


phailamgi_Muối cho đời_cv1.jpg

Chính anh em là muối cho đời​

Bạn thử nghĩ ngày nào đó bạn phải lo bữa cơm cho gia đình, hoặc nấu tiệc để đãi khách quý mà nhà bạn hết muối. Bạn phải làm gì? Còn phải hỏi! Lập tức phóng xe ra chợ hoặc siêu thị gần đó mua ngay thứ muối mà bạn đã quen dùng.

Nếu bạn mua phải bịch muối không có vị mặn thông thường, bạn phải làm gì? Điên người, bạn chạy vội đến siêu thị hoặc chợ, tìm người bán để mắng vốn, để đổi lấy bịch khác, chứ còn làm gì nữa!

Nhưng nếu người bán bảo họ chỉ biết bán, không biết bên trong là thứ gì; bạn mua rồi, phải chịu thôi. Điên thật đấy! Trong trường hợp đó, bạn phải làm gì?

Việc sống đức tin và loan báo tin mừng cũng thế, như việc bạn phải bận tâm nấu nướng để tạo ra những món thơm ngon, hương vị độc đáo, với việc bạn chỉ lo nấu nướng mà chẳng nghĩ đến việc nêm nếm sao cho vừa miệng thực khách. Khách ít dần, dù họ đã phản ánh, và nếu bạn không sửa lỗi và cải thiện… Bạn phá sản!

Các mục tử - cha mẹ hôm nay cũng vậy. Họ lo lắng, than phiền và chán nản về tình trạng tục hóa và đức tin trở nên “nhạt” ngày càng gia tăng. Họ thấy nhiều tín hữu – con cái mà họ có bổn phận và trách nhiệm chăm sóc bị cuốn hút vào trong việc làm ăn kinh tế, chạy theo những nhu cầu vật chất, hưởng thụ, làm lu mờ và đánh mất nhu cầu về việc thờ phượng Thiên Chúa, sống kết hợp với Chúa, tín thác vào sự quan phòng của Chúa, lo cho phần rỗi đời đời của mình và người thân của mình.

Tìm nguyên nhân, phân tích về tình trạng đau buồn này thì dễ, nhưng liệu họ có thực sự quan tâm đến việc tìm giải pháp khắc phục tình trạng đó không?

Nếu bạn có một cửa hàng buôn bán hoặc đang mở một quán ăn, chắc chắn bạn sẽ tìm ra được câu trả lời! Vì nó gắn liền với công việc làm ăn, vốn liếng và tương lai của bạn, cũng như nó đem lại niềm vui xua tan ưu phiền, tránh được những nỗi sợ của một đời sống bấp bênh, nỗi lo toan phải mưu sinh, gìn giữ bình an hạnh phúc.

phailamgi_muối cho đời_cv2.jpg

Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?​

Lời Chúa thách thức chúng ta nhìn lại bản thân và kiểu sống đức tin của mình. Những vị mục tử, những Kitô hữu có thể bị cám dỗ giữ mình thoải mái trong các giáo xứ, các hội đoàn và gia đình hoặc cảm thấy an toàn nhờ bám víu vào truyền thống, bằng lòng với những thành công nhất định trong các việc tổ chức lễ lạt, các lãnh vực thiêng liêng và tông đồ, trong khi xung quanh chúng ta hoặc chính trong giáo xứ – và trong ngôi nhà của chúng ta đang có nhiều người – con cái không có niềm vui gặp gỡ Chúa. Nếu giáo xứ vắng bóng tín hữu thì Chúa ngày càng bị lãng quên. Nếu ngôi nhà chúng ta không có sự cầu nguyện chung, chẳng gì có thể nuôi dưỡng đức tin và gắn kết các thành viên sống trong đó được.

Các vị mục tử – cha mẹ có bao giờ ưu tư về tình trạng nhiều người (con) đã đánh mất sự đói khát Thiên Chúa, nhu cần “cần Chúa” bởi vì mình đã không đánh thức trong họ cơn đói đức tin và thỏa mãn cơn khát trong lòng? Đó là điều mà chủ nghĩa tiêu thụ hôm nay tuy âm thầm nhưng cương quyết đàn áp, tiêu diệt cho bằng được.

Chắc chắn là do thái độ chủ quan mà chúng ta đã mất sự cảnh giác và tỉnh thức trước những mưu mô của kẻ thù: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8); cũng không chỉ cho họ thấy một cách đầy đủ về việc Đức Kitô đang sống, đang hiện diện và đang hoạt động trong cuộc sống của chính mình.

phailamgi_muối men cho đời_1.jpg


Thúc giục tín hữu – con cái tham gia các sinh hoạt tôn giáo, lo bổn phận với Chúa thật dễ, nhưng liệu chúng ta đã làm cho khuôn mặt và đời sống mình như của những người được biến đổi nhờ sự hiện diện của Chúa? Nếu các mục tử – cha mẹ, thay vì tiếp xúc với tín hữu – con cái bằng cách tỏa ra sự dịu dàng của Đấng có niềm say mê mãnh liệt vô hạn dành cho nhân loại – con cái, với sự ngọt ngào của niềm vui Tin mừng, mà tiếp tục nói năng bằng thứ ngôn ngữ tôn giáo lạc hậu nặng về lề luật và sặc mùi đạo đức, ép buộc, làm sao tín hữu – con cái có thể nhìn thấy Chúa Là Người Mục Tử Nhân Lành?

Nếu bạn có cửa tiệm, quán ăn mà hài lòng với việc trang trí quán bắt mắt. sắp xếp bàn ghế, chuẩn bị các món ăn theo thực đơn, mà nhân viên mặt “đưa đám”, thái độ uể oải, cục cằn với khách, coi thường chủ thì… Bạn biết phải làm gì rồi đấy!

Nếu nó đã thành vô dụng, chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi!​

  • Ảnh trong bài: Canva
 

Giấc mơ Docat của Đức Thánh Cha Phanxicô

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên