Đi tìm chân lý
- Tham gia
- 25/1/24
- Bài viết
- 742
- Chủ đề Author
- #1
Gần đây, tôi thấy một bài viết có tiêu đề hơi “giật gân” về người trẻ Công Giáo, dùng đúng một cụm từ mà giới trẻ rất hay xài: “thế hệ cợt nhả”. Bài viết được nhiều bạn trẻ đón nhận, chia sẻ rôm rả, bình luận sôi nổi. Nhưng đồng thời, cũng có một vài người lớn tuổi bình luận, nói thẳng rằng họ “rất thất vọng” vì cách dùng từ như vậy trong một chủ đề liên quan đến đức tin.
Tôi bắt đầu nhận ra: à, lại một lần nữa, xung đột thế hệ xuất hiện.
Thế hệ nào cũng nghĩ mình đúng
Người lớn tuổi thường tin rằng họ từng trải, hiểu đời, và có trách nhiệm “uốn nắn” lớp trẻ. Họ yêu sự chỉn chu, nghiêm túc, và có một cảm thức thiêng liêng với những giá trị như đức tin, tôn giáo, gia đình. Trong khi đó, người trẻ lại sống trong một thế giới đầy biến động, ngập tràn thông tin, nơi những điều nghiêm túc bị chế giễu, và những điều buồn bã đôi khi phải được kể bằng tiếng cười để dễ nuốt hơn.
Khi hai thế hệ cùng nói về một điều – ví dụ như đức tin –thì mỗi bên lại mang một bộ từ điển khác nhau. Một bên gọi là “cợt nhả”, bên kia thấy đó là “một cách bày tỏ sự vui tươi”. Một bên thấy là “thiếu nghiêm túc”, bên kia cho rằng “không cần đạo đức giả”.
Ai sai ai đúng? Mỗi thế hệ được định hình bởi thời đại mà họ sống.
Thay vì chỉ trích, hãy thử lắng nghe
Người lớn có thể thấy khó chịu khi giới trẻ nói về nhà thờ, linh mục, Thánh lễ bằng những meme, những câu đùa, thậm chí là phản biện thẳng thắn. Nhưng liệu họ có biết rằng, đằng sau sự “cợt nhả” ấy, vẫn là những trái tim đang khao khát tìm kiếm ý nghĩa, đang cố gắng giữ lại niềm tin trong một thế giới đầy mâu thuẫn?
Người trẻ thường bị xem là thiếu kinh nghiệm, quá “cợt nhả”, hoặc không đủ nghiêm túc khi nói về đức tin. Nhưng Giáo hội lại nhìn họ bằng ánh mắt hy vọng. Trong tông huấn Christifideles Laici, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết:
Như các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng đã nhận định: “Giới trẻ có một cảm quan bén nhạy để nhận ra một cách sâu sắc những giá trị như công lý, bật bạo động và hòa bình. Tâm hồn họ hướng tới tình huynh đệ, bằng hữu và liên đới. Họ nhiệt tình hết mình cho những vấn đề liên hệ đến chất lượng cuộc sống và bảo vệ thiên nhiên. Tuy nhiên, lòng họ vẫn mang nặng những băn khoăn lo lắng, chán chường, thất vọng và sợ hãi trước thế giới, nhất là những cám dỗ của tuổi thanh xuân”.
Giáo Hội phải làm sống lại lòng quý mến mà Đức Giêsu đã tỏ bày với người thanh niên: “Ngài đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (Mc 10,21). Chính vì thế, Giáo Hội không ngừng loan báo Đức Giêsu-Kitô; Giáo Hội công bố Tin Mừng của Ngài như câu trả lời duy nhất và sung mãn cho những khát vọng cơ bản nhất của giới trẻ, như một đề nghị đầy phấn khởi từng người gắn bó với Ngài: “Hãy đến theo tôi” (Mc 10,21), một đề nghị bao gồm việc chia sẻ tình con thảo của Đức Giêsu đối với Chúa Cha và việc tham gia vào sứ vụ cứu độ nhân loại của Ngài. (Christifideles Laici, 46)
Giới trẻ Giáo hạt Chính Tòa học hỏi Docat - Ảnh: Giới Trẻ Giáo Hạt Chính Toà Hà Nội
Và người trẻ, thay vì gạt phăng mọi lời phê bình là “cổ hủ”, có lẽ cũng nên hiểu rằng sự nghiêm trang mà thế hệ trước gìn giữ, không hẳn là sáo rỗng – mà là một hình thức tình yêu và tôn trọng, được họ xây dựng bằng máu, nước mắt, và cả sự trung thành trong những giai đoạn khó khăn nhất.
Trong Christifideles Laici, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng ngay cả ở tuổi già, người lớn tuổi vẫn được mời gọi thi hành sứ mạng tông đồ một cách “riêng biệt và độc đáo”, và đó không chỉ là một công việc có thể làm – mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng. Họ không chỉ là người giữ ký ức đức tin, mà còn là người dạy dỗ và gìn giữ tinh thần yêu thương cho Giáo hội và xã hội hôm nay.
Đối với những người cao niên, mà người ta thường sai lầm coi như là những người vô ích, nếu không coi như một gánh nặng không chịu đựng nổi, tôi xin nhắc lại rằng Giáo Hội đòi hỏi và trông chờ họ theo đuổi sứ vụ tông đồ và truyền giáo của họ, sứ vụ mà ngay cả vào tuổi này, không những là một công việc có thể thi hành và là một nghĩa vụ, nhưng chính trong tuổi này, nó còn có những hình thức riêng biệt và độc đáo nữa.
Kinh Thánh cho chúng ta thấy người cao tuổi như là biểu tượng của người đầy khôn ngoan và kính sợ Thiên Chúa (x. Hc 25,4-6). Theo nghĩa này, “ân huệ” của người cao tuổi có thể được hiểu như ân huệ của người làm chứng cho truyền thống đức tin (x. Tv 44,2; Xh 12,26-27), thầy dạy cách sống (x. Hc 6,34; 8,11-12), người cây dựng đức ái, trong Giáo Hội cũng như trong xã hội. (Christifideles Laici, 48)
Ảnh: giaophanbaria.org
Không ai cần phải từ bỏ thế hệ của mình, nhưng ai cũng cần học cách lắng nghe
Xung đột thế hệ là điều khó tránh, nhưng không nhất thiết phải dẫn đến đối đầu. Khi người lớn bước ra khỏi vai trò “người phán xét” và người trẻ tạm gác lại sự “ngông nghênh”, sẽ có không gian cho sự thấu hiểu. Đối thoại chỉ bắt đầu khi có sự tôn trọng lẫn nhau, khi mỗi thế hệ không chỉ nói, mà còn chịu khó lắng nghe và tìm hiểu lý do đằng sau cách hành xử của nhau.
Phải Làm Gì?
Tất cả và từng người đều được mời gọi làm việc để Nước Thiên Chúa được hoàn thành, tùy theo sự khác biệt về ơn gọi và hoàn cảnh, về đoàn sủng và tác vụ. Đó là sự khác biệt không những về tuổi tác, nhưng còn về giới tính và khả năng, cũng như về ơn gọi và điều kiện sống: đó là sự khác biệt làm cho kho tàng phong phú của Giáo Hội thêm sống động và cụ thể hơn. (Christifideles Laici, 45)